Trước Covid-19, cách đây 110 năm đã có một dịch bệnh nguy hiểm quét qua Trung Quốc, thời điểm đó chưa có WHO

Dịch hạch gây chết người tại Trung Quốc cách đây 110 năm đã để lại những bài học đáng giá cho chúng ta. Tuy nhiên, so với năm 1911, thế giới hiện nay xuất hiện sự phân cực và chia rẽ đáng thất vọng.

Năm 1911, một dịch bệnh gây chết người đã lan qua Trung Quốc và đe dọa sẽ trở thành đại dịch. Nguồn gốc của nó dường như có liên quan đến việc buôn bán động vật hoang dã, nhưng tại thời điểm đó, không ai dám chắc chắn.

Phong tỏa, cách li, đeo khẩu trang, hạn chế đi lại, hỏa táng người chết và kiểm soát biên giới là những biện pháp đã được triển khai để hạ thấp tỉ lệ lây nhiễm. Tuy nhiên, vẫn có hơn 60.000 người chết ở vùng đông bắc Trung Quốc, trở thành một trong những dịch bệnh lớn nhất thế giới tại thời điểm đó.

Cuối cùng, khi căn bệnh đã được kiểm soát, chính phủ Trung Quốc triệu tập Hội nghị về bệnh dịch hạch quốc tế tại thành phố phía bắc, Thẩm Dương - gần tâm chấn của vụ dịch.

Tham dự Hội nghị có các nhà virus học, nhà vi khuẩn học, nhà dịch tễ học và chuyên gia về bệnh tật từ nhiều cường quốc trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Nga, Anh và Pháp.

Trước Covid-19, cách đây 110 năm đã có một dịch bệnh nguy hiểm quét qua Trung Quốc  - Ảnh 1.

Minh họa thần chết gõ cửa Mãn Châu, được xuất bản trên Tạp chí Le Petit, ở Pháp, vào năm 1911. (Nguồn: ShutterStock)

Mục đích của hội nghị là tìm ra nguyên nhân của sự bùng phát, tìm hiểu các kĩ thuật ức chế nào là hiệu quả nhất, khám phá lí do tại sao bệnh lây lan quá nhanh và đánh giá những gì có thể được thực hiện, để ngăn chặn làn sóng thứ hai. Mặc dù hội nghị không phải là không có những sự đổ lỗi lẫn nhau, nhưng dù sao, nó vẫn là một nỗ lực nhằm tìm ra các giải pháp.

Ngay tại thời điểm này, khi thế giới đang đối mặt với đại dịch Covid-19, và những kịch bản xấu đã thực sự xảy ra do thiếu phản ứng phối hợp toàn cầu và nỗ lực đa phương từ phía các nhà cầm quyền, thì các khía cạnh hợp tác của hội nghị năm 1911 ở miền đông bắc Trung Quốc rất đáng được nhìn nhận lại.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dường như bất lực, các quốc gia lớn chọc giận nhau và tranh giành tài nguyên, còn các nước nghèo hơn phải tự bảo vệ mình. So với năm 1911, thế giới của chúng ta xuất hiện sự phân cực và chia rẽ đáng thất vọng.

Loài gặm nhấm Marmot và bệnh dịch hạch

Đại dịch hạch Mãn Châu bùng phát trên khắp vùng đông bắc Trung Quốc vào năm 1910, ước tính có khoảng 63.000 người chết. Dịch đã xuất hiện trên trang đầu của các tờ báo quốc tế, khi nó lan đến thành phố đông bắc của Trung Quốc, Cáp Nhĩ Tân - thủ phủ của tỉnh Hắc Long Giang ngày nay.

Cáp Nhĩ Tân là một thành phố quốc tế, nơi có nhiều người Nga làm việc cho Đường sắt phía đông Trung Quốc (CER), kết nối Đường sắt xuyên Siberia đến thành phố cảng Đại Liên do Nhật kiểm soát thời bấy giờ. Thành phố này cũng là nơi có cộng đồng lớn người Nhật, Mỹ và châu Âu tham gia vào các ngành nghề liên quan đến đường sắt.

Các cuộc giao thương bao gồm buôn bán lông thú, và rất có thể căn bệnh xuất phát từ chính ngành này.

Trước Covid-19, cách đây 110 năm đã có một dịch bệnh nguy hiểm quét qua Trung Quốc  - Ảnh 2.

Rái cá cạn (Tarbagan marmot), một loài gặm nhấm thuộc họ Sciuridae, ở thảo nguyên quanh hồ Khukh, Mông Cổ. (Ảnh: ShutterStock)

Rái cá cạn (Tarbagan marmot) là một loài gặm nhấm sống chủ yếu trên đồng cỏ và thảo nguyên của Mông Cổ và Mãn Châu. Nhờ các kĩ thuật nhuộm mới vào đầu thế kỉ XX, lông của rái cá cạn đã được ưa chuộng bởi các thợ săn địa phương, vì có thể thay thế được các loại lông thú cao cấp hơn với giá cả phải chăng. Nhưng họ không biết rằng, bọ chét trú ngụ trên những bộ lông này dễ dàng nhảy sang cơ thể người. 

Hàng ngàn thợ săn địa phương đã được những nhà buôn nước ngoài đặt hàng da của marmot, giá trị của chúng đã tăng trong những năm trước khi xảy ra dịch bệnh. Những người thợ săn ở nông thôn từ lâu không dùng những con marmot bị bệnh để làm thức ăn, nhưng không nghĩ đến việc phải vứt bỏ bộ da của chúng. 

Bệnh dịch hạch lần đầu tiên được ghi nhận chính thức bởi các bác sĩ người Nga ở Mãn Châu Lý, một thị trấn Nội Mông ở biên giới Trung Quốc - Nga. Các triệu chứng của bệnh là sốt, sau đó là xuất huyết (ho ra máu). Tại Mãn Châu Lý, người chết bị bỏ lại trên đường và những toa chở hàng đường sắt đã bị biến thành nơi cách li.

Trước Covid-19, cách đây 110 năm đã có một dịch bệnh nguy hiểm quét qua Trung Quốc  - Ảnh 3.

Bức ảnh về nạn nhân của Đại dịch hạch Mãn Châu. (Ảnh: Alamy Stock Photo)

Giống như virus corona lây truyền nhanh chóng trên các chuyến bay, thì tại thời điểm đó, đường sắt đã tạo điều kiện cho sự lây lan. Các trường hợp mắc bệnh dịch hạch xuất hiện ở các tuyến đường sắt lớn, Thiên Tân, Bắc Kinh và dọc theo đường sắt Bắc Kinh đến Vũ Hán.

Ngay cả tại Thượng Hải, cách Mãn Châu Lý gần 3.200 km, cũng có một trường hợp mắc, và cả thành phố đã bị phong tỏa để ngăn chặn sự lây nhiễm rộng hơn.

Đến ngày 8/11/1910, Cáp Nhĩ Tân có số người chết là 5.272.

Những phản ứng và tranh luận ban đầu

Phản ứng trước sự bùng phát rất vội vàng, do những ràng buộc về hậu cần vào đầu thế kỉ XX.

Các trung tâm cách li đã được thành lập, chủ yếu là trong các toa chở hàng bằng đường sắt, vì những người mà chính quyền cho rằng đã tiếp xúc với căn bệnh này, là người thân của người chết cộng với những người làm nghề bẫy và buôn bán lông thú.

Nếu trong thời gian cách li 5 đến 10 ngày không biểu hiện triệu chứng, họ sẽ được ra ngoài với một vòng đeo trên cổ tay được buộc chặt cùng một con dấu chì, tượng trưng cho việc họ không có bệnh. Nhưng nếu các triệu chứng xuất hiện, toàn bộ người trên toa chở hàng về cơ bản là tận số, với tỉ lệ tử vong đáng kinh ngạc, lên đến gần 100%. Địa táng bị cấm, thay vào đó là hỏa táng hàng loạt.

Tại Cáp Nhĩ Tân, bác sĩ hàng đầu của Trung Quốc, Ngô Liên Đức, một bác sĩ gốc Hoa người Malaysia, học tại Đại học Cambridge, đã tìm cách ngăn chặn dịch bệnh.

Trước Covid-19, cách đây 110 năm đã có một dịch bệnh nguy hiểm quét qua Trung Quốc  - Ảnh 4.

Bức ảnh được chụp vào khoảng giữa năm 1910 và 1915 của bác sĩ Ngô Liên Đức, người tiên phong trong việc sử dụng khẩu trang trong Đại dịch hạch Mãn Châu năm 1910-1911. (Ảnh: Library of Congress/AP)

Bác sĩ Ngô bắt đầu khám nghiệm tử thi các nạn nhân và xác định rõ, rằng căn bệnh này là bệnh dịch hạch viêm phổi chứ không phải bệnh sùi mào gà. Ông cũng rất khuyến khích việc đeo khẩu trang.

Đến đầu năm 1911, Trung Quốc đã huy động các bác sĩ và nhà dịch tễ học từ khắp đất nước để hội tụ về Cáp Nhĩ Tân. Năm mới của Trung Quốc chính thức bắt đầu ngày 30/1, và bác sĩ Ngô biết rằng, việc hạn chế đi lại sẽ gần như không thể xảy ra trong thời điểm về quê ăn Tết đối với rất nhiều người dân Trung Quốc.

Nếu tỉ lệ lây nhiễm không giảm, thì nó có nguy cơ trở thành dịch bệnh trên toàn quốc.

Các biện pháp chống bệnh dịch hạch của Ngô Liên Đức đã có hiệu quả. Xây khu vệ sinh, cách li, phong tỏa, hạn chế đi lại và đeo khẩu trang đều được thực hiện, và dường như đã làm giảm tỉ lệ lây nhiễm ở Cáp Nhĩ Tân vào cuối tháng 1.

Tại Đại Liên, các cuộc kiểm tra hàng loạt hành khách trên tàu được thiết lập, các tuyến sau đó đã bị đóng cửa và các chuyến phà từ Đại Liên được lệnh ở lại cảng.

Mặc dù các trường hợp tiếp tục xuất hiện trên khắp Mãn Châu và có khi rộng hơn, nhưng tại Cáp Nhĩ Tân, bác sĩ Ngô tuyên bố bệnh dịch hạch đã bị ngăn chặn vào cuối tháng 1/1911.

Đã đến lúc triệu tập một hội nghị quốc tế để tìm hiểu tại sao ổ dịch lại nghiêm trọng và lan rộng, cũng như đánh giá biện pháp phòng chống bệnh nào là hiệu quả nhất.

Hội nghị ở Thẩm Dương

Một hội nghị của các chuyên gia quốc tế đã nhanh chóng diễn ra tại Trung Quốc, vào cuối tháng 1/1911.

Hội nghị không phải không chĩa mũi rìu về phía Trung Quốc. Tất cả những người tham dự cam kết rằng hội nghị chủ yếu liên quan đến điều tra khoa học, và không áp đặt bất kì biện pháp kiểm soát nào nữa đối với Trung Quốc từ bên ngoài.

Trước Covid-19, cách đây 110 năm đã có một dịch bệnh nguy hiểm quét qua Trung Quốc  - Ảnh 5.

Đường Kitajskaya ở Cáp Nhĩ Tân vào khoảng năm 1932. (Ảnh: Getty Images).

Đến ngày 3/4/1911, cung điện tại Thẩm Dương đã biến thành một trung tâm hội nghị bao gồm phòng họp, phòng thí nghiệm để làm thí nghiệm và khu sinh hoạt cho các đại biểu. Cũng như các quốc gia chính được đề cập ở trên, Ý, Mexico, Hà Lan, Đức và Áo-Hungary đều gửi các chuyên gia tới. Nhiều người đến từ các học viện uy tín.

Cơ quan chính của hội nghị đã tìm cách đối phó với khoa học vô căn cứ và những tin đồn xấu, sau đó tìm hiểu gốc rễ của vi khuẩn. Cũng có cuộc thảo luận về các phương thức lây nhiễm như ho và các lí thuyết sai lầm, như truyền trực khuẩn vào thức ăn.

Các biện pháp ngăn chặn tốt nhất chính là, lập các trạm kiểm dịch khẩn cấp và đặt lệnh cấm du lịch giữa các nước, sử dụng khẩu trang, xây dựng nhanh chóng các bệnh viện dịch hạch để cách li người nhiễm và có khả năng bị nhiễm. 

Trước Covid-19, cách đây 110 năm đã có một dịch bệnh nguy hiểm quét qua Trung Quốc  - Ảnh 6.

Ga xe lửa Cáp Nhĩ Tân, được chụp vào khoảng năm 1900. (Ảnh: Getty Images).

Hội nghị khép lại vào ngày 28/4/1911, với lời phát biểu kết thúc của bác sĩ Ngô Liên Đức. 

Những kết luận và nghị quyết của hội nghị đề cập đến kiến thức về bệnh dịch hạch, sự cần thiết phải cải thiện vệ sinh, các qui định kiểm dịch và nguyên nhân vô tình của dịch bệnh.

Phản ứng của thế giới

Năm 1911 không có WHO.

Phản ứng với dịch bệnh, công việc cố gắng hạn chế sự lây lan và ngăn chặn nó, được giao lại cho các quốc gia đơn lẻ. 

Đại dịch hạch Mãn Châu cuối cùng đã không lan truyền đến phần còn lại của Trung Quốc, Mông Cổ hoặc Nga. Việc đóng cửa cảng Đại Liên đã ngăn chặn sự lan rộng từ Mãn Châu đến các điểm đến lớn ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong và các nơi khác ở châu Á.

Các biện pháp được thực hiện trên khắp thế giới tại thời điểm hiện tại, là xây dựng các bệnh viện dã chiến, đeo khẩu trang, thực hành nâng cao vệ sinh, hạn chế đi lại, cấm bay và sự cống hiến của đội ngũ y tế. Đây là những gì mà vùng đông bắc Trung Quốc đã làm cách đây 110 năm. 

Tuy nhiên, các quốc gia lớn hiện nay, Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu và Nhật Bản, dường như ít quan tâm đến phản ứng phối hợp đối với cuộc khủng hoảng y tế. Và triển vọng về một hội nghị chính trị có vẻ rất xa vời. 

Năm 1911, các chuyên gia y tế hàng đầu thế giới đã nhiệt tình đến với Trung Quốc.

Có lẽ điều này cần phải xảy ra vào một lúc nào đó, sau đại địch Covid-19: các nhà khoa học trên thế giới có thể tìm cách gặp gỡ, chia sẻ và thảo luận về virus corona trong một diễn đàn mở.