Thuật ngữ mới: Những khu 'chợ ướt' tại Trung Quốc, nơi bị cho là nguyên nhân gây ra Covid-19, đứng trước sức ép dừng hoạt động

Điều có thể gây ngạc nhiên là gần đây, thuật ngữ "chợ ướt" gần như đồng nghĩa với Covid-19 đối với một số người ở phương Tây.

Gần giống những khu chợ truyền thống tại Việt Nam, "wet market" (tạm dịch là chợ ướt) tại một số quốc gia trên thế giới, là nơi bán những sản phẩm thịt, cá tươi sống, được giết mổ tại chỗ. Đặc biệt tại các nước châu Á như Trung Quốc, những khu chợ này rất phổ biến. 

Virus SARS-CoV-2, đã lây nhiễm cho hơn 2 triệu người trên toàn cầu, được cho là có nguồn gốc từ một khu chợ ướt ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Đây cũng là nơi các động vật hoang dã như nhím và hươu bị bán và giết mổ để làm thức ăn hoặc làm thuốc. 

Vào ngày 3/4, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ, Anthony Fauci, đã nói với Fox News, rằng tất cả các khu chợ ướt nên "đóng cửa ngay lập tức". 

Và ông không thể hiểu tại sao chúng vẫn được mở. 

Bị cho là nguyên nhân gây ra Covid-19, những khu 'chợ ướt' tại Trung Quốc liệu có tiếp tục hoạt động? - Ảnh 1.

Tiểu thương chuẩn bị một gian hàng đầy hải sản tại một khu chợ ở Bắc Kinh vào ngày 10/7/2019. (Ảnh: Getty Image)

Chợ ướt trái ngược với chợ đồ khô, nơi bán các mặt hàng có thể cất trữ trong thời gian dài, như ngũ cốc, hoặc các sản phẩm gia dụng. Khu chợ này chỉ đơn giản là những nơi cung cấp nhiều loại thực phẩm tươi sống. Một số trong đó, nhưng không phải tất cả, cũng bán động vật sống. Chúng được gọi là "ướt" do thực tế là sàn nhà thường được phun nước, rửa ráy sau khi những người bán hàng rửa rau hoặc làm sạch hải sản. 

Các chuyên gia cho biết chợ ướt bán động vật sống có thể có nguy cơ tạo ra các loại điều kiện nguy hiểm cho virus có thể lây lan từ động vật sang người. Bởi chúng gần với những khu vực không hợp vệ sinh. Đặc biệt, nếu ở đó có nhốt giữ động vật quí hiếm hoặc động vật hoang dã. 

Ví dụ, dịch SARS năm 2003 có liên quan đến việc mua bán chồn hương ở tỉnh Quảng Đông - Trung Quốc. 

Tuy nhiên, hầu hết các khu chợ ướt không phải là những nơi chứa virus, với đầy những động vật hiếm bị giết thịt. 

Đối với một tỉ lệ lớn người dân ở Trung Quốc và trên khắp châu Á, đó chỉ là nơi để mua thực phẩm tươi sống, như thịt gà, thịt lợn, cá và rau, với giá cả phải chăng. 

Bị cho là nguyên nhân gây ra Covid-19, những khu 'chợ ướt' tại Trung Quốc liệu có tiếp tục hoạt động? - Ảnh 2.

Các thành viên của Đội phản ứng khẩn cấp vệ sinh Vũ Hán khám xét chợ bán buôn hải sản Hoa Nam đã bị đóng cửa, ở thành phố Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào ngày 11/1. (Ảnh: Getty Image)

Các vụ buôn bán động vật hoang dã hàng tỉ đô la

Chợ ướt là nơi mua bán phổ biến không chỉ ở Trung Quốc đại lục mà trên khắp châu Á.

Ví dụ, tại Hong Kong, có một mạng lưới chợ ướt rộng rãi. Tại đây, hàng ngàn người dân địa phương tới mua bán các loại thực phẩm hàng ngày như thịt, cá và rau xanh. Hầu hết quận nào cũng có một khu chợ, và không nơi nào trong số đó buôn bán động vật lạ hoặc hoang dã. 

Các khu chợ tương tự cũng có thể xuất hiện tại Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam.

Tuy nhiên, một số chợ ướt có thể là đầu ra cho việc buôn bán động vật hoang dã, mà theo một báo cáo của chính phủ Trung Quốc năm 2017, chúng trị giá hơn 73 tỉ đô la.

Nhưng thương mại cho dù có sinh lời, thì không có nghĩa chúng đều diễn ra một cách chính thống. Việc tiêu thụ thịt động vật hoang dã không phổ biến, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Và người tiêu dùng thường phải đi đến các địa điểm cụ thể để mua động vật lạ hoặc quí hiếm. 

Sau dịch SARS, chính quyền ở một số tỉnh cố gắng giải quyết nạn buôn bán động vật hoang dã, cấm bán một số động vật như chồn hương và rắn. Thế nhưng, nhiều lệnh cấm không được thi hành, hoặc bị xóa bỏ một cách âm thầm.

Để đối phó với đại dịch Covid-19, chính phủ Trung Quốc đã tạm thời cấm buôn bán động vật hoang dã làm thực phẩm vào cuối tháng 3, và đang soạn thảo một đạo luật thường trực để thắt chặt kiểm soát hơn nữa. 

Theo Tân Hoa Xã, ít nhất 94% chợ ướt của Trung Quốc đã được mở cửa trở lại vào ngày 22/3. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ có bao nhiêu trong số đó đã ngừng buôn bán động vật hoang dã. 

"Đối mặt với Covid-19, có thể hiểu được trên khắp thế giới đang có những lời kêu gọi đóng cửa tất cả các khu chợ ướt", theo Duan Biggie, nghiên cứu viên cao cấp của Viện nghiên cứu tương lai môi trường tại Đại học Griffith, Australia.

"Tuy nhiên, lệnh cấm hoàn toàn khó có thể là một giải pháp bền vững cho nguy cơ này, vì những nỗ lực thất bại trước đó trong các lệnh cấm và đóng cửa đã cho thấy. Thay vào đó, chính sách và qui định mới cần kết hợp bằng chứng khoa học, cùng với việc xem xét các nhận thức và giá trị văn hóa khác nhau, đối với động vật hoang dã cũng như việc buôn bán và tiêu thụ chúng".

Bị cho là nguyên nhân gây ra Covid-19, những khu 'chợ ướt' tại Trung Quốc liệu có tiếp tục hoạt động? - Ảnh 3.

Người bán thịt đang cắt một miếng thịt lợn tại quầy hàng của mình trong một khu chợ ở Bắc Kinh. (Ảnh: Getty Image)

Thay đổi thói quen mua sắm

Theo truyền thống, người tiêu dùng ở Trung Quốc từ lâu đã ưa chuộng các sản phẩm tươi sống, thích đi chợ nhiều lần trong tuần để mua thịt, cá và rau, thay vì lái xe đến siêu thị để mua thực phẩm cho cả tuần. Nhưng trong những năm gần đây, giống như mọi nơi khác trên thế giới, chợ ướt đã mất chỗ đứng bởi các siêu thị, đặc biệt là trong lòng những người tiêu dùng trẻ tuổi. 

Các cửa hàng tạp hóa trực tuyến, được chống lưng bởi những "người khổng lồ" internet, với hệ thống hậu cần tinh vi, cũng đang dần có được chỗ đứng. 

Ngay cả các thế hệ lớn tuổi, những người có thói quen mua sắm cả đời ở các chợ ướt, cũng đang bị cuốn vào các dịch vụ mới, như Hema của Alibaba với các khoản chiết khấu và cam kết an toàn, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Chỉ riêng Hema đã có 197 cửa hàng tại Trung Quốc vào cuối năm 2019. (Siêu thị Hema là mô hình bán lẻ mới ở Trung Quốc, tích hợp giữa bán hàng truyền thống và trực tuyến thông qua ứng dụng di động).

Hạn chế đi lại trong đại dịch đã đẩy nhanh xu hướng rời xa các khu chợ ướt. Các cửa hàng tạp hóa trực tuyến trở thành nhu cầu thiết yếu hàng ngày, khi mọi người trên khắp Trung Quốc phải cách li trong nhà. 

Eliam Huang, một nhà phân tích của Coresight, cho biết dịch bệnh buộc người dân phải thích nghi với xu hướng, còn nếu như trước kia thì họ sẽ do dự khi làm điều đó. "Cuộc khủng hoảng khiến mọi người chuẩn bị tốt hơn cho tương lai 4.0", cô nói.

Nhưng hiện tại, việc ngăn cản mọi người sử dụng chợ ướt hoàn toàn không phải là một giải pháp khả thi. Kĩ sư môi trường và nhân đạo của Đại học Sydney, Petr Matous, nói rằng chợ ướt đóng vai trò quan trọng trong an ninh lương thực đối với nhiều cộng đồng thu nhập thấp, cả ở Trung Quốc và trên toàn cầu, những người không thể tiếp cận các phương tiện trực tuyến. 

"Xóa bỏ chợ ướt có thể tạo ra ảo tưởng giải quyết nguyên nhân của tình hình hiện tại, nhưng vấn đề thực sự còn sâu xa hơn thế", Petr Matous nói. 

Nhiều chuyên gia đồng ý rằng chấm dứt buôn bán động vật bất hợp pháp là biện pháp quan trọng nhất để ngăn chặn đại dịch tiếp theo, và điều đó có nghĩa là phải có qui định tốt hơn và thực thi nghiêm ngặt hơn, đặc biệt là ở cấp địa phương. 

Tuy nhiên, về lâu dài, thậm chí qui định tốt hơn có thể không chấm dứt được hoàn toàn việc buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, nếu nhu cầu vẫn tồn tại, và đơn giản là nó sẽ hoạt động ngầm, theo Quĩ Động vật hoang giã Thế giới. 

"Cuộc khủng hoảng y tế này phải đóng vai trò như một lời cảnh tỉnh cho việc chấm dứt nhu cầu sử dụng không bền vững các loại động vật có nguy cơ bị tiệt chủng và các bộ phận của chúng, để làm vật nuôi lạ, để tiêu thụ thực phẩm và dược liệu từ chúng", tổ chức này nói.