Việt Nam xuất khẩu hàng sang Mỹ tăng mạnh, nhập hàng từ Trung Quốc giảm

4 tháng đầu năm, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt 20,3 tỉ USD, tăng 13,4% so với cùng kì năm trước.

Theo cập nhật mới nhất của Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm 2020, dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới nhưng tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn tăng 3,4% so với cùng kì năm ngoái, ước đạt gần 163 tỉ USD.

Xuất khẩu hàng sang Mỹ tăng mạnh, nhập hàng từ Trung Quốc giảm - Ảnh 1.

4 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng sang Mỹ tăng mạnh, nhập hàng từ Trung Quốc giảm. (Ảnh: Tạp chí Tài chính).

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt gần 83 tỉ USD, tăng 4,7%; nhập khẩu đạt gần 80 tỉ USD, tăng 2,1%. Cán cân thương mại hàng hóa 4 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 3 tỉ USD.

4 tháng đầu năm, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt 20,3 tỉ USD, tăng 13,4% so với cùng kì năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc, đạt 13,1 tỉ USD, tăng 26,7%.

Các thị trường xuất khẩu khác cho thấy kim ngạch giảm, như EU (10,7 tỉ USD, giảm 8,1%), ASEAN (8,2 tỉ USD, giảm 3,4%), Hàn Quốc (6,2 tỉ USD, giảm 0,2%).

Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy trong 4 tháng vừa qua, có đến 15 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 80,1% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, tốp đầu phải kể đến là điện thoại và linh kiện (16,2 tỉ USD), điện tử, máy tính và linh kiện (12,4 tỉ USD), hàng dệt may (8,9 tỉ USD), máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng (6,9 tỉ USD).

Ngoài ra, trong khi kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng nông sản như rau quả, cao su, hạt tiêu giảm so với cùng kì năm trước thì ngược lại, các mặt hàng như cà phê, hạt điều, gạo có kim ngạch xuất khẩu tăng.

Nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 

Về tình hình nhập khẩu hàng hóa, theo cập nhật của Tổng cục Thống kê, kim ngạch nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm ước đạt gần 80 tỉ USD. 

Trong đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, kim ngạch ước đạt 22,7 tỉ USD. Tuy nhiên, so với cùng kì năm ngoái, kim ngạch nhập khẩu hàng Trung Quốc của Việt Nam đã giảm 0,1%.

Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu ở các thị trường khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU đều tăng từ 2,5-10,9%.

Theo Tổng cục Thống kê, trong cơ cấu hàng hóa nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2020, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm đến 94% tổng kim ngạch nhập khẩu, còn lại là nhóm hàng tiêu dùng.

Các mặt hàng kim ngạch nhập khẩu trên 1 tỉ USD chủ yếu gồm điện tử, máy tính và linh kiện, điện thoại và linh kiện, vải, ô tô, xăng dầu, thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu…

Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 4 có dấu hiệu giảm

Dù tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn tăng hơn 3%, tuy nhiên, bước sang tháng 4 lại không nhiều thuận lợi.

Cập nhật của Tổng cục Thống kê cho biết riêng tháng 4, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 19,7 tỉ USD, giảm đến 18,4% so với tháng 3 và giảm 3,5% so với cùng kì năm trước. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong tháng 4 cũng giảm 7,9% so với tháng trước.

Theo lí giải của Tổng cục Thống kê, do lo ngại việc tạm dừng xuất, nhập khẩu ở các thị trường lớn khi đang có dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên các doanh nghiệp đã đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu trong 10 ngày cuối tháng 3, khiến sang tháng 4, kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh.

chọn
Điều gì đang diễn ra trên thị trường BĐS công nghiệp?
Viện Kinh tế Xây dựng đánh giá Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư BĐS công nghiệp ngoại, giá thuê đất bình quân và giá thuê nhà xưởng, kho bãi trong quý I đã tăng 2-3% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo quý II, nhu cầu thuê và tỷ lệ lấp đầy tại các KCN có thể tăng nhẹ.