Châu Âu đóng cửa biên giới chống dịch, Bộ Công Thương họp khẩn, tìm giải pháp cứu doanh nghiệp xuất nhập khẩu

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu các đơn vị trong ngành phải tính ngay phương án, giảm bớt thiệt hại cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu có quan hệ thương mại với hai thị trường lớn là Mỹ và EU.

Vinatex: Khủng hoảng chưa từng có tiền lệ

Bộ Công Thương chiều qua đã họp khẩn để bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là trong ngành dệt may và xuất khẩu nông thủy sản, bởi nhiều nước trên thế giới đang tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19, trong đó có EU và Mỹ, vốn là các thị trường xuất nhập khẩu lớn của Việt Nam.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết 2 tháng đầu năm, dịch Covid-19 khiến hầu hết sản phẩm nông sản đều có kim ngạch xuất khẩu sụt giảm. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm thủy sản ở mức 3,35 tỉ USD, giảm 4,9%.

Bộ Công Thương họp khẩn, tìm giải pháp cứu doanh nghiệp xuất nhập khẩu vào Mỹ, EU - Ảnh 1.

Nhiều đơn hàng của doanh nghiệp xuất khẩu vào EU bị yêu cầu tạm hoãn vì Covid-19. (Ảnh: TTO).

Các mặt hàng công nghiệp chế biến, nguồn cung ứng nguyên liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn không chỉ đối với doanh nghiệp Việt Nam, mà cho cả các nước khác khi đều phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu Trung Quốc.

Đặc biệt, nhóm hàng dệt may bị tác động nặng nề. Trong đó, xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại giảm 7,2%, vải mành, vải kĩ thuật giảm 3,4%, hàng dệt và may mặc chỉ tăng 2,2% trong khi cùng kì tăng gần 12%.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), bà Nguyễn Cẩm Trang cho biết hiện hoạt động sản xuất của Trung Quốc bắt đầu khôi phục trở lại, việc nhập khẩu nguyên, phụ liệu đã có nhiều diễn biến tích cực, nguồn hàng đã được khơi thông.

"Tuy nhiên, các thị trường Việt Nam đang xuất khẩu lớn như Liên minh châu Âu (EU) hay Hoa Kỳ lại đang giảm sâu, do dịch bệnh bùng phát. Vài ngày gần đây có hiện tượng doanh nghiệp nhập khẩu nhận được thông tin giãn, lùi tiến độ giao hàng, gây khó khăn cho doanh nghiệp dệt may", bà Trang nói.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết trong suốt hơn 20 năm hoạt động, việc các đối tác dừng đơn hàng "là khủng hoảng chưa từng có tiền lệ".

Ông Trường tính toán, số lượng đơn bị huỷ tương đương năng lực sản xuất trong nửa tháng của nhiều đơn vị trực thuộc Vinatex, tức khoảng 3-3,5% sản lượng cả năm 2020.

Không có chuyện EU, Mỹ không nhận hàng nhập khẩu của Việt Nam

Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết ngay khi có thông tin một số đối tác EU, Mỹ thông báo dừng nhập hàng dệt may, cơ quan này đã làm việc với Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam và Đại sứ quán Mỹ.

Bộ Công Thương họp khẩn, tìm giải pháp cứu doanh nghiệp xuất nhập khẩu vào Mỹ, EU - Ảnh 2.

Bộ Công Thương cho rằng nhóm ngành thực phẩm, nông sản xuất khẩu sẽ ít bị ảnh hưởng do đây là mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu mùa dịch. (Ảnh: VGP).

Theo ông Linh, Phái đoàn liên minh châu Âu khẳng định, việc EU đóng cửa biên giới chỉ là biện pháp kiểm dịch, để bảo đảm sức khoẻ của người dân. Các hàng hoá, dịch vụ tới EU vẫn tiếp tục lưu thông, nhất là các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, thuốc men.

Cụ thể, những người không phải công dân EU sẽ không được nhập cảnh vào khu vực này trong ít nhất 30 ngày tới, và có thể kéo dài nếu cần thiết. Công dân EU, thân nhân của họ, các nhà ngoại giao, nhân viên, chuyên gia y tế và những người vận chuyển hàng hoá được miễn áp dụng quy định trên. 

Tương tự, Đại sứ quán Mỹ cũng khẳng định không áp dụng bất kì biện pháp nào ngăn chặn tiếp cận thị trường của hàng Việt Nam sang Mỹ.

Mục đích của quy định này là bảo vệ sức khỏe của công dân EU, đảm bảo sự đối xử phù hợp đối với những cá nhân có nhu cầu di chuyển, và đảm bảo hàng hóa, các dịch vụ cơ bản có thể tiếp cận được.

Do đó, Bộ Công Thương khẳng định quy định kiểm soát dịch bệnh của EU trước mắt có thể chưa tác động trực diện đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU, hoạt động vận chuyển, thông thương hàng hóa cơ bản không bị hạn chế.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Phải giảm thiệt hại thấp nhất cho doanh nghiệp 

Việc hoãn, huỷ đơn hàng từ EU, Mỹ gần đây là do quyết định của đối tác vì Covid-19, nhưng Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh vẫn yêu cầu các đơn vị trong ngành phải tính ngay phương án, giảm thiệt hại đến mức thấp nhất có thể cho doanh nghiệp đang làm ăn với hai thị trường lớn này.

Bộ Công Thương họp khẩn, tìm giải pháp cứu doanh nghiệp xuất nhập khẩu vào Mỹ, EU - Ảnh 3.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu phải tính các phương án để giảm thiệt hại cho doanh nghiệp. (Ảnh: Bộ Công Thương).

Ông Tuấn Anh chỉ đạo các Vụ thị trường ngoài nước, cùng Vụ Kế hoạch đầu tư, cập nhật diễn biến tại các nền kinh tế đối tác về tình hình dịch bệnh, chính sách tác động tới thương mại, chuỗi cung ứng. Từ thực tiễn nắm được, các đơn vị chủ động phân tích đánh giá kịch bản ứng phó, để có thông tin cập nhật, bổ sung kịp thời báo cáo Chính phủ. 

Mặt khác, các đơn vị cần cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp chủ động xây dựng lại kế hoạch, tái cơ cấu, tranh thủ thời cơ phục hồi, phát triển sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

"Các Thứ trưởng phụ trách khẩn trương làm việc với doanh nghiệp, ngành hàng dệt may, da giày, điện tử, ô tô… để định lượng, xác định khó khăn, thách thức về thị trường, tín dụng, người lao động, đưa ra kế hoạch, chương trình và đề xuất lên Chính phủ, để có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu.

Về tình hình giao thương nhóm hàng nông nghiệp qua Trung Quốc, hoạt động xuất nhập khẩu tại một số cửa khẩu biên giới Việt - Trung đã trở lại bình thường, tiến độ thông quan tích cực hơn thời điểm đầu tháng 2, nhưng vẫn chưa hết khó khăn, do lực lượng bốc xếp của phía Trung Quốc còn mỏng.

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho biết, đầu tuần tới sẽ làm việc với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tìm hiểu khó khăn, đề xuất giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp. 

Đồng thời, tiếp tục theo dõi sát tình hình xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc, Lào, Campuchia; thực hiện các biện pháp để tiếp tục khơi thông, tạo thuận lợi trong hoạt động xuất nhập khẩu qua đường biên giới đất liền.