Bộ Công Thương: Hàng hóa, thực phẩm sẽ cung ứng đầy đủ, chỉ cần người dân yên tâm, không đổ xô mua tích trữ

"Chỉ cần tâm lí người dân không hoang mang, không có hiện tường đổ xô đi mua tích trữ, hàng hóa sẽ luôn được cung ứng đấy đủ, kể cả trong bối cảnh dịch bệnh", Bộ Công Thương khẳng định.

Bộ Công Thương đã có báo cáo đánh giá về nguồn cung hàng hoá trên thị trường để cung ứng nhu cầu của người dân trong tình hình dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp; nhiều tỉnh, thành đã ghi nhận các ca nhiễm Covid-19 mới.

Big C, Saigon Co.op, VinMart... đều đã tăng lượng hàng gấp 2-3 lần

Đối với kênh bán lẻ siêu thị, Bộ Công Thương cho biết qua cập nhật, hiện các doanh nghiệp phân phối dự báo nhu cầu của người dân sẽ tăng trong giai đoạn dịch bệnh, nên các siêu thị đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn cung để đáp ứng nhu cầu tăng thêm này.

Bộ Công Thương khẳng định hàng hóa, thực phẩm đủ cho người dân ngay cả lúc dịch bệnh - Ảnh 1.

Big C, Saigon Co.op, VinMart... đều tăng hàng gấp 2-3 lần. (Ảnh: Phúc Minh).

Cụ thể, hệ thống siêu thị Big C tăng gấp 3 lượng hàng dự trữ tại các kho, để cung ứng cho thị trường; Saigon Co.op tăng 50-100% lượng hàng cho hệ thống Co.opmart; Vincommer với hai thương hiệu VinMart và VinMart+ đã tăng 50-200% lượng hàng cung ứng cho thị trường.

Hệ thống siêu thị Lotte Mart, MM Mega Market cùng các doanh nghiệp khác cho biết nguồn cung hàng hóa thực phẩm thiết yếu vẫn được bảo đảm ổn định, do chủ động hợp tác với nông dân và có các nguồn hàng từ các tỉnh thành khác. 

Tại các chợ truyền thống, hàng hóa được đưa về dồi dào. Tuy nhiên, do lo ngại về dịch bệnh nên sức mua lại giảm 20-30%, vì người tiêu dùng đô thị có xu hướng ưu tiên mua hàng tại siêu thị.

Bộ Công Thương đánh giá hiện nguồn cung các mặt hàng rau, củ, quả, gạo, mì, thịt, gia vị… đang được cung cấp, bày bán trong hệ thống các siêu thị với số lượng lớn, giá được niêm yết rõ ràng, đầy đủ và ổn định so với tháng trước, không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá.

Gạo, rau củ quả, thịt dồi dào cả năm

Bộ Công Thương cũng cập nhật cụ thể tình hình cung ứng các mặt hàng thiết yếu hiện nay, dựa trên số liệu tổng hợp từ các Bộ ngành và Hiệp hội ngành hàng.

Về mặt hàng lương thực, ước tính sản lượng gạo sản xuất trong năm 2020 tương đương 26 triệu tấn, trong khi nhu cầu khoảng 19-20 triệu tấn.

Bộ Công Thương khẳng định hàng hóa, thực phẩm đủ cho người dân ngay cả lúc dịch bệnh - Ảnh 2.

Gạo, rau củ quả, thịt luôn dồi dào cả năm cho người dân. (Ảnh: Phúc Minh).

Tổng sản lượng thịt hơi các loại dự kiến năm 2020 ước đạt 5,5-5,8 triệu tấn, tăng 10% so với năm 2019. Trong đó, thịt heo hơi ước đạt 3,5 triệu tấn; thịt gia cầm 1,36 triệu tấn, thịt trâu, bò khoảng 0,48 triệu tấn. 

"Với tổng cung các loại thịt như trên đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của 100 triệu dân, chưa kể đến nguồn cung các mặt hàng thủy hải sản đạt khoảng 8,2 triệu tấn mỗi năm", Bộ Công Thương đánh giá.

Mặt hàng rau quả, sản lượng dự kiến đạt 17-18 triệu tấn, tổng sản xuất các loại rau củ quả đạt khoảng 40-50 triệu tấn, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu.

Về giấy các loại, d kiến năm 2020, tổng lượng sản xuất đạt hơn 5 triệu tấn; lượng nhập khẩu giấy các loại hơn 3,6 triệu tấn và xuất khẩu gần 1,1 triệu tấn. Như vậy nguồn cung đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng giấy các loại đạt hơn 6 triệu tấn.

Thuốc chữa bệnh: Ước tính năm 2020, trị giá thuốc sản xuất trong nước 2.900 triệu USD, trị giá thuốc nhập khẩu 4.350 triệu USD, xuất khẩu ước đạt 165 triệu USD. Kế hoạch nguồn cung sản xuất và nhập khẩu thuốc đáp ứng đủ nhu cầu thuốc năm 2020 ước khoảng 6.235 triệu USD.

Kể cả khi dịch bệnh thì hàng hóa vẫn đáp ứng đầy đủ, chỉ cần người dân không hoang mang 

Bộ Công Thương cũng cập nhật tình hình cung ứng và tiêu thụ hàng hoá tại một số địa phương có nhu cầu tiêu thụ cao như Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM.

Theo đó, nhu cầu mua sắm tại siêu thị ở các thành phố lớn này đang tăng, hàng hóa mua sắm chủ yếu là lương thực, thực phẩm thiết yếu như thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, mì tôm, rau củ. Mua sắm qua thương mại điện tử tăng 20-30%.

Để ứng phó, các doanh nghiệp phân phối đã kế hoạch đảm bảo cung ứng hàng hoá, tăng lượng hàng tại điểm bán, kho dự trữ, ứng vốn vay dự trữ hàng hóa…

Bộ Công Thương khẳng định hàng hóa, thực phẩm đủ cho người dân ngay cả lúc dịch bệnh - Ảnh 3.

Bộ Công Thương khẳng định nguồn cung đủ đáp ứng nhu cầu cho người dân cả nước ngay cả bối cảnh dịch bệnh. (Ảnh: Phúc Minh).

UBND TP HCM đã ban hành kế hoạch cung ứng hàng hóa bảo đảm cân đối cung cầu trên địa bàn, với 3 kịch bản cụ thể giao Sở Công Thương và các doanh nghiệp phân phối triển khai.

 Theo đó thành phố đã lên phương án ứng vốn vay dự trữ hàng hóa và có kế hoạch dự trữ hàng hóa tăng từ 50-100% lượng hàng cho thị trường so với ngày thường, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh.

Bộ Công Thương nhận định trong điều kiện hoạt động mua bán hàng hóa diễn ra bình thường, với đặc thù là nước có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp như gạo, nông thủy sản luôn thuộc nhóm đầu xuất khẩu thế giới và đang phát triển khá tốt các ngành đường, sữa, dầu ăn… nên nguồn cung thực phẩm thiết yếu và hàng tiêu dùng, về cơ bản tự năng lực sản xuất trong nước đáp ứng tốt nhu cầu.

"Như vậy có thể khẳng định, nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu có thể đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Chỉ cần tâm lí người dân không hoang mang, không có hiện tường đổ xô đi mua tích trữ, hàng hóa sẽ luôn được cung ứng đấy đủ, kể cả trong bối cảnh dịch bệnh", Bộ Công Thương khẳng định.