Bộ Công Thương nói gì về việc PVN 'khẩn thiết kiến nghị' cấm nhập khẩu xăng dầu?

Để tháo gỡ khó khăn cho ngành xăng dầu trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, Vụ Dầu khí - Than (Bộ Công Thương) đề nghị doanh nghiệp sản xuất cần giảm giá thành, phía doanh nghiệp kinh doanh cần hỗ trợ, ưu tiên tiêu thụ sản phẩm trong nước.

Đại diện Vụ Dầu khí - Than (Bộ Công Thương) đã lên tiếng về đề xuất ngừng nhập khẩu xăng dầu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), bởi PVN cho rằng đang gặp khó bởi đại dịch Covid-19.

Bộ Công Thương nói gì về việc PVN 'khẩn thiết kiến nghị' cấm nhập khẩu xăng dầu? - Ảnh 1.

Vụ Dầu khí - Than (Bộ Công Thương) đề nghị phía doanh nghiệp sản xuất cần giảm giá thành, phía doanh nghiệp kinh doanh cần hỗ trợ, ưu tiên tiêu thụ sản phẩm trong nước. (Ảnh: TTXVN).

Đơn vị thuộc Bộ Công Thương cho biết Việt Nam hiện có 2 nhà máy lọc dầu, là Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, đều có vốn góp của PVN, đáp ứng trên 80% nhu cầu xăng dầu trong nước. 

Thời gian qua, do tác động kép của dịch Covid-19, cũng như giá dầu giảm sâu, các nhà máy lọc dầu trong nước gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm.

Tuy nhiên, Vụ Dầu khí - Than đề nghị các doanh nghiệp sản xuất xăng dầu nghiên cứu, thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn.

Cụ thể, các doanh nghiệp cần tối ưu hóa, tiết giảm chi phí vận hành, điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường, bằng cách giảm công suất, điều chỉnh cơ cấu chủng loại sản phẩm nhà máy lọc dầu.

Ngoài ra, cần giảm giá thành sản phẩm, có cơ chế thanh toán linh hoạt, hoặc xuất khẩu sản phẩm trong nước không tiêu thụ hết…

Đồng thời, theo đại diện Vụ Dầu khí - Than, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu nên điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, phù hợp tình hình diễn biến thị trường và nhu cầu tiêu thụ xăng dầu.

Bên cạnh đó, cần hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất trong nước bằng cách tiêu thụ tối đa lượng xăng, dầu sản xuất được.

Về phía cơ quan quản lí nhà nước, Vụ Dầu khí - Than khẳng định sẽ có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng dầu như ban hành các chính sách hỗ trợ về thuế, tiền tệ… 

Khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp tăng cường phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh, như thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu ưu tiên tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất trong nước thay vì nhập khẩu, thương nhân sản xuất xăng dầu có chính sách bán hàng linh hoạt, giảm giá thành…

PVN khẩn thiết kiến nghị cấm nhập xăng dầu

Cách đây hơn một tuần, PVN đã có văn bản "khẩn thiết kiến nghị" Bộ Công Thương, Bộ Tài chính xem xét, ban hành các cơ chế chính sách hạn chế tối đa hoặc cấm nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm xăng dầu sản xuất trong nước.

PVN ước tính trong quý I/2020, tổng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu giảm khoảng 30%, dự kiến sẽ tiếp tục giảm khi toàn bộ thị trường du lịch, dịch vụ, vận tải đóng băng.

Trong khi đó, tồn kho các sản phẩm xăng dầu tại 2 nhà máy lọc dầu thuộc tập đoàn luôn ở mức cao, đặc biệt là mặt hàng xăng. Có thời điểm, tồn kho xăng ở mức trên 90%. 

Theo PVN, các nhà máy lọc dầu của tập đoàn đang chịu áp lực từ cả đầu vào, khi giảm giá hàng tồn kho, lẫn đầu ra, do khách hàng hủy, giãn nhận hàng do nhu cầu xuống mức rất thấp

Dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan, PVN cho rằng tổng lượng nhập khẩu xăng dầu các loại trong 2 tháng đầu năm 2020 chiếm đến 39% tổng nhu cầu tiêu thụ nội địa, nên kiến nghị hạn chế tối đa hoặc cấm nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu, cũng như cần tăng cường các giải pháp phòng chống gian lận thương mại và bán phá giá xăng dầu.

.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.