Tại họp báo thường kì của Bộ Công Thương diễn ra chiều nay, 15/5, Bộ được yêu cầu nêu quan điểm về kiến nghị tạm ngưng nhập khẩu xăng dầu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh xăng dầu trong nước.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết Bộ Công Thương rất chia sẻ với khó khăn của tất cả loại hình doanh nghiệp tại Việt Nam trong tình hình dịch bệnh Covid-19, trong đó có PVN, nơi có 2 nhà máy lọc dầu Bình Sơn và Nghi Sơn.
Theo Thứ trưởng, đây không phải 2 nhà máy xuất khẩu dầu thô, mà dùng dầu thô để chế biến các sản phẩm xăng dầu thành phẩm bán hoặc xuất khẩu.
Thứ trưởng cho biết thêm Bộ Công Thương đã làm việc trực tiếp với Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, và báo cáo Ban chỉ đạo điều hành giá cần cân nhắc trước khi đưa ra quyết định.
Ông cho rằng quan trọng nhất là cần hài hòa lợi ích của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong nước, người tiêu dùng và các doanh nghiệp sử dụng xăng dầu trong nước là đầu vào.
"Chính vì vậy, mong các doanh nghiệp, các đối tượng chia sẻ quyền lợi một cách hài hòa, quan trọng nhất là đảm bảo chung tất cả các quyền lợi, kể cả quyền lợi của nhà nước cũng như quyền lợi của các đối tượng liên quan", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Thông tin về các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết cả nước hiện có 33 đầu mối để nhập khẩu xăng dầu theo Nghị định 83 của Chính phủ, các doanh nghiệp này được phép trực tiếp xuất nhập khẩu xăng dầu.
Theo Thứ trưởng Hải, 3 tháng vừa qua các doanh nghiệp này cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã có 8 lần liên tiếp giảm từ đầu năm, rơi về vùng thấp nhất thập kỉ qua, chỉ hơn 10.000 đồng/lít. Tại kì điều chỉnh gần đây nhất là 13/5, giá xăng mới tăng trở lại. Theo đó, xăng E5 chỉ tăng 575 đồng/lít, xăng A95 tăng 674 đồng/lít.
Giữa tháng 4/2020, PVN có văn bản "khẩn thiết kiến nghị" Bộ Công Thương, Bộ Tài chính xem xét, ban hành các cơ chế chính sách hạn chế tối đa hoặc cấm nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm xăng dầu sản xuất trong nước.
PVN ước tính trong quý I/2020, tổng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu giảm khoảng 30%, dự kiến sẽ tiếp tục giảm khi toàn bộ thị trường du lịch, dịch vụ, vận tải đóng băng.
Trong khi đó, tồn kho các sản phẩm xăng dầu tại 2 nhà máy lọc dầu thuộc tập đoàn luôn ở mức cao, đặc biệt là mặt hàng xăng. Có thời điểm, tồn kho xăng ở mức trên 90%.
Theo PVN, các nhà máy lọc dầu của tập đoàn đang chịu áp lực từ cả đầu vào, khi giảm giá hàng tồn kho, lẫn đầu ra, do khách hàng hủy, giãn nhận hàng do nhu cầu xuống mức rất thấp.
PVN cho rằng giá dầu liên tục giảm từ đầu năm đến nay đã ảnh hưởng lớn đến doanh thu, hiệu quả của tập đoàn. Vì vậy, tập đoàn cũng đề nghị điều hành giá xăng dầu ở mức hợp lí duy trì hoạt động cho chuỗi sản xuất kinh doanh, duy trì việc làm của người lao động.
Kinh doanh 09:00 | 30/08/2024
Kinh doanh 08:57 | 29/08/2024
Kinh doanh 08:59 | 28/08/2024
Kinh doanh 08:52 | 27/08/2024
Kinh doanh 08:49 | 26/08/2024
Kinh doanh 09:00 | 24/08/2024
Kinh doanh 09:00 | 23/08/2024
Kinh doanh 08:49 | 22/08/2024