Thủ tướng yêu cầu không để giá xăng tăng đột biến, chưa tăng giá điện trong năm nay

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu điều hành giá xăng ổn định hoặc không tăng giá đột biến, để hỗ trợ đời sống người dân và doanh nghiệp. Riêng điện, cơ bản không xem xét điều chỉnh tăng giá trong năm 2020.

Quý II sẽ không điều chỉnh giá mặt hàng do Nhà nước định giá

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá quý I/2020.

Thủ tướng yêu cầu không để giá xăng tăng đột biến, giá điện tăng trong năm nay - Ảnh 1.

Thủ tướng yêu cầu không để giá xăng tăng đột biến, giá điện tăng trong năm nay. (Ảnh: VGP).

Tại thông báo này, Thủ tướng cho biết để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% đã được Quốc hội đề ra và căn cứ các nghiên cứu, phân tích, đề xuất kịch bản điều hành giá. Ông yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả để có giải pháp bình ổn.

Trong đó, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh các Bộ ngành, địa phương phải chú ý đến nhóm hàng hoá thiết yếu tác động trực tiếp đến CPI như xăng dầu, điện, nước, sách giáo khoa…

"Các bộ ngành địa phương cần thực hiện nghiêm chủ trương chung của Chính phủ, là không thực hiện điều chỉnh giá trong quý II đối với các mặt hàng do Nhà nước định giá, nhất là các mặt hàng đầu vào cho sản xuất của doanh nghiệp", Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng cho biết thêm trường hợp cần xem xét điều chỉnh trong năm 2020 thì chủ động tính toán, đánh giá liều lượng, mức độ và thời điểm phù hợp, để kịp thời báo cáo Thủ tướng cho ý kiến chỉ đạo, nhất là sách giáo khoa, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế.

"Quan điểm nhất quán là việc điều chỉnh theo lộ trình không ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%", thông báo kết luận và yêu cầu tổ chức thực hiện kiểm soát chặt chẽ đối với kê khai giá thuộc thẩm quyền, tránh lợi dụng tăng giá bất hợp lí.

Thủ tướng yêu cầu không để giá xăng tăng đột biến

Về xăng dầu, Thủ tướng giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính chủ động theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, đồng thời kết hợp công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu để điều hành giá ổn định, không tăng giá đột biến, góp phần bình ổn giá cả thị trường trong nước, hỗ trợ đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Đồng thời, yêu cầu khuyến khích sử dụng xăng sinh học để bảo vệ môi trường.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lí vốn Nhà nước tại doanh nghiệp theo dõi, đánh giá tình hình sản xuất xăng dầu trong nước kịp thời đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn sản xuất cho các doanh nghiệp sản xuất xăng dầu trong nước gắn với việc điều hành giá đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Không tăng giá điện năm 2020, cũng không được gây áp lực tăng giá năm sau

Về giá điện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Cơ bản không xem xét điều chỉnh tăng giá điện trong năm 2020".

Thủ tướng yêu cầu không để giá xăng tăng đột biến, giá điện tăng trong năm nay - Ảnh 2.

Thủ tướng yêu cầu không tăng giá điện năm 2020 nhưng cũng không được gây áp lực tăng giá năm sau. (Ảnh: EVN).

Đối với việc miễn, giảm giá điện trong 3 tháng cho một số đối tượng ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục đánh giá, hướng dẫn thực hiện có hiệu quả, nhất là giảm giá điện đối với đối tượng có thu nhập thấp, người nghèo.

Bộ Công Thương hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tính toán, chủ động thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí, nhất là ảnh hưởng tới các lĩnh vực khác là đầu vào của sản xuất điện như than, để tránh trường hợp lỗ và treo các khoản lỗ khi thực hiện chương trình giảm giá điện hỗ trợ khách hàng, gây áp lực giá trong năm 2021 và thời gian tới.

Về giá gas, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục kiểm soát chặt chẽ công tác kê khai giá. Bộ Công Thương có trách nhiệm quản lí, giám sát nguồn cung trong nước và sản lượng nhập khẩu để kịp thời đề xuất các biện pháp đảm bảo nguồn cung phù hợp.

Xuất khẩu gạo phải đảm bảo an ninh lương thực quốc gia

Về lúa gạo, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp theo dõi diễn biến thị trường lúa gạo, để đề xuất các giải pháp quản lí, điều hành nhằm bình ổn thị trường.

Bộ cũng phải có trách nhiệm giải đáp đối với việc xuất khẩu gạo thống nhất nguyên tắc tôn trọng cơ chế thị trường, nhằm mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, dự trữ quốc gia và quyền lợi nông dân, người sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay.

Bộ Nông nghiệp được giao theo dõi diễn biến giá cả trong nước, tình hình xuất khẩu trong những tháng tới và tác động của đại dịch để có giải pháp điều hòa cung cầu. Trước mắt, Thủ tướng yêu cầu xây dựng kế hoạch điều chỉnh phù hợp về cơ cấu vụ hè - thu nhằm đảm bảo cung cầu thực tế, cân đối phù hợp nhu cầu trong nước và cân đối xuất khẩu.

Đối với sách giáo khoa, Văn phòng Chính phủ sớm hoàn thành các thủ tục để trình Chính phủ xem xét phê duyệt, báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá, nhằm bảo đảm công bằng trong biên soạn, sử dụng sách giáo khoa.

Đối với sách giáo khoa lớp 1 phục vụ năm học 2021-2022, trước mắt thực hiện theo quy định hiện hành. Đồng thời đề nghị các Nhà xuất bản rà soát phương án giá đã kê khai, trong đó đề nghị kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, thực hiện đồng bộ các giải pháp tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm giá, hỗ trợ người tiêu dùng.