Trái với kết quả kinh doanh ghi nhận hàng nghìn tỉ đồng lợi nhuận hàng năm, quý I/2020, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước đồng loạt báo lỗ nặng vì đại dịch Covid-19.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 vừa công bố, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), nhà bán lẻ xăng dầu lớn nhất nước có khoản lỗ phát sinh cao gấp nhiều lần dự kiến của tập đoàn.
Cụ thể, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ trong 3 tháng đầu năm của Petrolimex giảm 8% so với cùng kì năm ngoái, còn 38.478 tỉ đồng. Doanh thu giảm, giá vốn bán hàng lại không thay đổi nhiều, ở mức hơn 38.000 tỉ khiến lợi nhuận gộp chỉ còn 450 tỉ đồng.
Trong khi quý I/2019, lợi nhuận gộp của Petrolimex lên đến 3.778 tỉ, cao gấp 8,4 lần.
Petrolimex cũng cho biết chi phí tài chính gồm chi phí lãi vay lại tăng mạnh từ mức 206 tỉ lên thành 352 tỉ đồng, tương đương mức tăng 71%. Chi phí bán hàng và chi phí quản lí doanh nghiệp của Petrolimex trong 3 tháng đầu năm lên đến 2.164 tỉ đồng.
Kết quả, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam lỗ trước thuế 1.702 tỉ đồng. Trong khi cùng kì năm ngoái lãi 1.568 tỉ đồng. Sau khi trừ chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp, Petrolimex lỗ ròng lên đến 1.813 tỉ đồng.
Đây là quý lỗ kỉ lục của Petrolimex hơn một thập kỉ nay, nằm ngoài dự báo của Uỷ ban quản lí vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Trước đó, báo cáo về tình hình khó khăn của các tập đoàn vì đại dịch Covid-19, Ủy ban quản lí vốn Nhà nước dự báo Petrolimex chỉ lỗ khoảng 572 tỉ đồng trong quý I và số lỗ cả năm 2020 là 1.143 tỉ.
Tuy nhiên, số lỗ thực trong quý I vượt cả dự báo con số lỗ cả năm.
Ban lãnh đạo Petrolimex cho biết quý I/2020, giá dầu thế giới giảm mạnh, đầu quý từ 61 USD/thùng đến cuối quý chỉ còn 20,5 USD/thùng, tương đương giảm đến 66%.
Theo tập đoàn, giá dầu thế giới ảnh hưởng trực tiếp giá vốn bán hàng trong kì, và phát sinh tăng trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho tại thời điểm cuối kì của công ty mẹ, theo quy định là 1.500 tỉ đồng.
Sản lượng xăng dầu bán ra trên toàn hệ thống Petrolimex giảm 10% so với cùng kì, vì dịch bệnh.
Đồng thời, lợi nhuận một số công ty con của tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực vận tải, gas, hoá dầu… sụt giảm ở các mức độ khác nhau, theo ảnh hưởng chung của nền kinh tế khi dịch Covid-19 có xu hướng diễn biến phức tạp vào giai đoạn cuối quý.
Đến cuối quý I/2020, tổng tài sản của Petrolimex cũng giảm 11% so với đầu năm, còn 55.079 tỉ đồng, trong đó, tài sản ngắn hạn giảm nhiều nhất, ghi nhận còn 31.940 tỉ đồng, giảm gần 18% so với đầu năm.
Trong khi doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu giữ thị phần số 1 thị trường lỗ nghìn tỉ trong 3 tháng đầu năm, thì nhà bán lẻ giữ thị phần thứ hai là Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) cũng ôm lỗ hàng trăm tỉ đồng.
Cụ thể, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của PVOIL giảm 4%. Trong khi giá vốn bán hàng lại tăng 8%, khiến lợi nhuận gộp trong kì chỉ còn 64 tỉ đồng, giảm 9 lần so với cùng kì năm ngoái.
3 tháng đầu năm, PVOIL lỗ trước thuế 531 tỉ đồng. Sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, lỗ ròng ghi nhận 538 tỉ đồng. Trong khi cùng kì năm ngoái, nhà bán lẻ xăng dầu giữ thị phần thứ hai lãi 38 tỉ đồng.
PVOIL lí giải nguyên nhân khiến doanh nghiệp lỗ kỉ lục vì quý I/2020, là sản lượng kinh doanh xăng dầu nội địa giảm 11% so với cùng kì, sản lượng bán lẻ giảm 6%, khiến tình hình kinh doanh xăng dầu của các đầu mối nói chung và PVOIL nói riêng gặp nhiều khó khăn.
Doanh nghiệp này cũng nhắc đến 6 kì điều chỉnh giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước, khiến giá bán xăng đang ở mức thấp nhất 11 năm qua. So với đầu năm nay, giá xăng dầu bán lẻ cuối tháng 3 đã giảm 9.000-10.000 đồng/lít.
Theo PVOIL, giá bán lẻ xăng dầu trong nước 15 ngày đầu tháng 4 năm 2020 hiện thấp hơn giá gốc hàng tồn kho theo sổ sách kế toán tại ngày 31/3/3030. Vì vậy, tại ngày 31/3, tổng công ty đã phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho là 275 tỉ đồng. Dự phòng giảm giá hàng tồn kho hợp nhất được PVOIL trích lập là 434 tỉ đồng.
Lọc hóa dầu Bình Sơn, đơn vị vận hành nhà máy Dung Quất, lỗ hơn 2.300 tỉ vì Covid-19
Doanh nghiệp sản xuất xăng dầu lớn nhất nước là Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn cũng "thấm đòn" dịch Covid-19, lỗ nặng nghìn tỉ trong 3 tháng đầu năm 2020.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 của Lọc hoá dầu Bình Sơn cho biết doanh thu của doanh nghiệp giảm 22%, còn 18.000 tỉ đồng. Do giá bán lẻ thấp hơn giá trong kho nên doanh nghiệp phải kinh doanh dưới giá vốn.
3 tháng đầu năm, Bình Sơn lỗ ròng hợp nhất 2.348 tỉ đồng, trong khi cùng kì năm ngoái lãi ròng 598 tỉ đồng.
Giải trình về kết quả kinh doanh này, Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết suốt quý I năm nay, giá dầu thô giảm mạnh, chỉ còn chưa đến một nửa so với giá bình quân tháng 12/2019.
"Với đặc thù về sản xuất, chế biến liên tục của nhà máy lọc dầu, nhà máy luôn phải duy trì một lượng dầu thô và cần thời gian chế biến, để từ dầu thô cho ra sản phẩm xuất bán, điều này dẫn đến khi giá dầu thô và sản phẩm giảm thì giá vốn bị ảnh hưởng của tồn kho có giá trị cao hơn thị trường", lãnh đạo Bình Sơn cho biết.
Ngoài ra, khoản chênh lệch giữa giá dầu thô và giá các sản phẩm chính cũng suy giảm nghiêm trọng, dẫn đến kết quả sản xuất kinh doanh quý I/2020 giảm mạnh.
Quý I/2020, dịch Covid-19 khiến nhu cầu xăng dầu trong nước giảm rất mạnh, khách hàng của doanh nghiệp gặp khó khăn trong công tác tiêu thụ sản phẩm, tồn khi tăng rất cao. Tác động kép này đã dẫn đến kết quả kinh doanh thua lỗ của doanh nghiệp trong quý I/2020.
Kinh doanh 09:00 | 30/08/2024
Kinh doanh 08:57 | 29/08/2024
Kinh doanh 08:59 | 28/08/2024
Kinh doanh 08:52 | 27/08/2024
Kinh doanh 08:49 | 26/08/2024
Kinh doanh 09:00 | 24/08/2024
Kinh doanh 09:00 | 23/08/2024
Kinh doanh 08:49 | 22/08/2024