Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) vừa phát đi thông điệp cho biết tình hình kinh doanh khó khăn chung của ngành dầu khí trước tác động của đại dịch Covid-19, và kêu gọi người lao động cùng chung tay vượt qua giai đoạn khó khăn nhất lịch sử của tập đoàn.
PVN nhận định đại dịch Covid-19 đang diễn biến cực kì nguy hiểm trên thế giới, trong nước, số ca nhiễm cũng ngày càng và cả nước đang bước vào giai đoạn cao điểm chống dịch.
Trong bối cảnh đó, giá dầu thô trên thị trường thế giới sụt giảm nghiêm trọng tạo nên khủng hoảng kép cho ngành dầu khí. Nhiều tập đoàn, công ty dầu khí lớn trên thế giới đã cắt giảm việc làm, sa thải công nhân.
PVN cho biết tập đoàn và các đơn vị thành viên đã và đang chủ động ứng phó với tác động kép của đại dịch Covid-19 và cú sốc giá dầu sụt giảm, với mục tiêu bảo vệ tốt nhất sức khỏe cho người lao động đồng thời duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
"Tuy nhiên, từ hệ lụy tác động kép của dịch bệnh và giá dầu, kết quả hoạt động tháng 3 đã bị thiệt hại và dự báo sẽ tiếp tục khó khăn lớn trong quý II và cả năm 2020. Đặc biệt là giá dầu sụt giảm từ 60-70 USD/thùng thời điểm đầu năm xuống còn trên dưới 20 USD/thùng trong những ngày qua, và dự báo sẽ còn kéo dài ở mức thấp", đại diện PVN cho biết.
Trước những khó khăn chung của ngành và ngay tại doanh nghiệp, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cho biết sẽ tập trung thực hiện các biện pháp nâng cao năng suất lao động, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các cơ sở vật chất… đối với người lao động làm việc tại trụ sở cũng như online tại nhà.
Rà soát, cắt giảm chi phí có trong kế hoạch nhưng chưa thực sự cần thiết, không đề xuất các khoản chi phí phát sinh nếu không bắt buộc phải xử lí nhằm mục tiêu tiết giảm đồng bộ với giảm doanh thu, ít nhất 15-30%.
Lãnh đạo PVN cũng nhấn mạnh với giá dầu kế hoạch là 60 USD/thùng, tập đoàn sẽ đủ chi 18 tháng lương năm 2020, tuy nhiên do dịch bệnh và giá dầu giảm sâu nên hiệu quả sản xuất kinh doanh bị tác động mạnh.
"Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, cán bộ công nhân viên tập đoàn cùng 'đồng cam, cộng khổ', cùng 'thắt lưng buộc bụng', cùng chia sẻ khó khăn bằng những việc làm cụ thể, thiết thực kể cả việc thực hiện cắt, giảm lương, thu nhập của mỗi cá nhân trong giai đoạn này", PVN cho biết.
PVN cho rằng theo quy luật, khi dịch bệnh qua đi, giá dầu ổn định trở lại thì kết quả kinh doanh của tập đoàn sẽ tốt hơn, và người lao động có thể "tự tin cùng tập đoàn bước vào chặng đường mới".
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết thị trường dầu khí đang bị giáng một đòn nặng nề, khiến giá liên tục sụt giảm. Dự báo với tốc độ giảm 7-8%/ngày như hiện nay, giá dầu thô thế giới có nguy cơ xuống mức dưới 20 USD/thùng trong những ngày tới.
Trong nước, nếu giá dầu ở mức 60 USD/thùng thì doanh thu bán dầu thô gần 4,7 tỉ USD. Nhưng nếu giá dầu xuống 30 USD/thùng thì doanh thu từ bán dầu thô giảm đi một nửa. Nộp ngân sách Nhà nước tương ứng cũng sẽ giảm từ 1,594 tỉ USD xuống còn 806 triệu USD.
PVN cho biết tập đoàn sẽ mất 2,3 tỉ USD doanh thu và giảm gần 800 triệu USD nộp ngân sách Nhà nước trước tình hiện nay.
Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh đây là một trong những thời điểm khó khăn nhất lịch sử của tập đoàn. Ông Hùng đề nghị tập đoàn và các đơn vị khẩn trương xây dựng quy định nội bộ, nhằm quản lí, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời kì dịch Covid-19.
Ông yêu cầu các đơn vị tập trung rà soát công việc, tăng cường quản trị, triển khai các giải pháp nhằm tiết giảm chi phí và nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đưa ra các kịch bản đối phó với từng tình huống giá dầu xuống thấp nhất, thậm chí là kịch bản xấu nhất, như buộc phải dừng hoạt động các mỏ, nhà máy lọc dầu.
Lãnh đạo PVN chỉ đạo các đơn vị tính toán trên cơ sở công suất chứa khả dụng hiện tại, xem xét phương án mua dự trữ dầu thô, sản phẩm xăng dầu, nhằm tranh thủ cơ hội giá dầu chạm đáy làm động lực tăng trưởng khi thị trường ấm trở lại nhằm đối phó tình hình dịch bệnh hiện nay.
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020