Gỗ, thép, xe đạp điện, lốp xe tải… Việt vào tầm ngắm bán phá giá, gian lận xuất xứ của Mỹ, EU

Bộ Công Thương cho biết 12 mặt hàng có nguy cơ bị điều tra bán phá giá là gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng; đệm mút; tủ gỗ; đá nhân tạo; lốp xe tải và xe khách; xe đạp điện; ống đồng; khớp nối bằng thép; bánh xe thép; thép tiền chế; vỏ bình gas và ghim đóng thùng.

12 mặt hàng có nguy cơ bị điều tra bán phá giá

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) vừa đưa ra danh sách 12 mặt hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ, EU, được đánh giá là có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại hoặc điều tra gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, cập nhật đến hết quý I/2020.

Danh sách được xây dựng trên cơ sở theo dõi biến động xuất khẩu của những mặt hàng đã bị thị trường xuất khẩu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, hoặc các biện pháp hạn chế thương mại khác với nước thứ ba, nhưng chưa áp dụng đối với Việt Nam.

Gỗ, đệm, xe đạp điện, thép, lốp xe tải… Việt vào tầm ngắm bán phá giá, gian lận xuất xứ của Mỹ, EU - Ảnh 1.

Gỗ, đệm, xe đạp điện, thép, lốp xe tải… Việt vào tầm ngắm bán phá giá, gian lận xuất xứ của Mỹ, EU. (Ảnh: TTO).

Danh sách 12 mặt hàng có nguy cơ là gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng; đệm mút; tủ gỗ; đá nhân tạo; lốp xe tải và xe khách; xe đạp điện; ống đồng; khớp nối bằng thép; bánh xe thép; thép tiền chế; vỏ bình gas và ghim đóng thùng.

Mỹ tăng cường điều tra bán phá giá nhiều hàng Việt nhập khẩu

Cụ thể, với 8 mặt hàng là gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng, đệm mút, tủ gỗ, ống đồng, bánh xe thép, thép tiền chế, vỏ bình gas và ghim đóng thùng, đều đang bị Mỹ áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm của Trung Quốc.

Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ đã giảm mạnh trong từng giai đoạn cụ thể với mặt hàng cụ thể, chẳng hạn, gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng đã giảm từ 1,1 tỉ USD (2016) xuống còn 215,6 triệu USD (2019).

Trong khi đó, cùng giai đoạn, cùng mặt hàng, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ lại tăng nhanh, chẳng hạn, gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng đã tăng từ 33,4 triệu USD (2016) lên 322,2 triệu USD (2019). 

Đặc biệt, nhìn chung kim ngạch các mặt hàng tăng nhanh kể từ khi Hoa Kỳ áp thuế đối với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tùy mặt hàng cụ thể, phía Hoa Kỳ đã chính thức hoặc đang thụ lí hồ sơ và cân nhắc việc khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại, chống bán phá giá và chống trợ cấp.

Gỗ, đệm, xe đạp điện, thép, lốp xe tải… Việt vào tầm ngắm bán phá giá, gian lận xuất xứ của Mỹ, EU - Ảnh 2.

Gỗ cũng là mặt hàng có nguy cơ cao bị điều tra bán phá giá. (Ảnh: Thanh Niên).

Một số mặt hàng khác xuất sang Hoa Kỳ cũng trong tình trạng tương tự. Chẳng hạn, mặt hàng đá nhân tạo đã bị thị trường Mỹ áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm của Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. 

Như Trung Quốc, sau khi bị áp dụng thuế, kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ đã giảm mạnh, từ trung bình 58,5 triệu USD/tháng xuống còn vài trăm nghìn USD mỗi tháng. 

Cũng có mặt hàng, ví dụ như khớp nối bằng thép, vốn đã bị thị trường Hoa Kỳ áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm của Trung Quốc, Ý và Đài Loan (Trung Quốc), cho thấy kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam không lớn và không có tăng trưởng đột biến. 

Tuy nhiên qua công tác giám sát, cơ quan chức năng cũng xác định sản phẩm này có thể có nguy cơ bị điều tra trốn thuế phòng vệ thương mại.

Xe đạp điện, lốp xe Việt vào tầm ngắm các nước EU

Ngoài Mỹ, các mặt hàng xuất khẩu sang EU như lốp xe tải và xe khách, xe đạp điện cũng được liệt kê trong danh sách có nguy cơ bị điều tra.

Các mặt hàng này đều đang bị thị trường EU áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm của Trung Quốc. 

Đơn vị thuộc Bộ Công Thương cho biết trong khi kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang thị trường EU đã giảm mạnh, ví dụ lốp xe tải và xe khách của Trung Quốc giảm từ 618,5 triệu euro (2017) xuống còn 180 triệu euro (2019), thì kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam lại tăng trùng với thời điểm EU áp thuế, ví dụ như lốp xe tải và xe khách của Việt Nam tăng từ 11.700 euro (2017) lên 69 triệu euro (2019). 

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.