Bộ Công Thương vừa cho biết đã chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm sợi dài làm từ polyester, còn gọi là sợi filament, sợi PFY, có xuất xứ từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Malaysia.
Sợi PFY hiện là một trong 3 loại sợi chính được sử dụng để dệt các loại vải dùng trong ngành may mặc, cùng với sợi xơ ngắn (PSF) và sợi thiên nhiên (chủ yếu là sợi bông). Trong đó, sợi PFY chiếm khoảng 30% lượng tiêu thụ.
Vụ việc được điều tra dựa trên hồ sơ yêu cầu của đại diện ngành sản xuất trong nước (sản lượng chiếm 67,4% tổng lượng sản xuất trong nước).
Theo các doanh nghiệp trong nước, lượng nhập khẩu sợi PFY bán phá giá từ các nước trên đã tăng mạnh trong thời gian qua, và là nguyên nhân chính gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất sợi PFY của Việt Nam.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy lượng sợi PFY nhập khẩu vào Việt Nam tăng từ 154.000 tấn năm 2017 lên 185.000 tấn năm 2019. Trong khi đó, công suất thiết kế của các nhà sản xuất sợi PFY trong nước ước đạt 350.000 tấn/năm, đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước (khoảng 270.000 tấn/năm).
Bộ Công Thương cho biết trong quá trình điều tra vụ việc sẽ tiếp tục đánh giá những tác động kinh tế - xã hội, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà nhập khẩu, sử dụng sợi PFY, cũng như của ngành sản xuất sợi PFY trong nước.
Động thái này nhằm hỗ trợ các ngành dệt may phát triển, khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do đã kí kết, đặc biệt là đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ.
Bộ cũng cho biết dựa vào quy định của Luật Quản lí ngoại thương, trong trường hợp cần thiết, căn cứ kết quả điều tra sơ bộ, có thể áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời.
Thuế chống bán phá giá có thể được áp dụng trong thời hạn 90 ngày, trước khi áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời.
Bộ Công Thương khuyến nghị tất cả các tổ chức, cá nhân đang xuất nhập khẩu, phân phối, kinh doanh, sử dụng hàng hóa bị điều tra đăng kí làm bên liên quan, cung cấp thông tin cần thiết tới Bộ, để đảm bảo quyền và lợi ích của mình theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, các tổ chức, cá nhân trong quá trình kí kết hợp đồng nhập khẩu, phân phối, kinh doanh, sử dụng hàng hóa bị điều tra cần lưu ý về khả năng áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời và thuế chống bán phá giá có hiệu lực trở về trước.
Về các bước tiếp theo, sau khi khởi xướng điều tra sẽ gửi bản câu hỏi điều tra cho các bên liên quan, để thu thập thông tin nhằm phân tích, đánh giá 3 vấn đề gồm mức độ bán phá giá; thiệt hại của ngành sản xuất sợi PFY Việt Nam; và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi bán phá giá và thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.
Sau đó, Bộ sẽ thực hiện thẩm tra, xác minh lại thông tin do các bên liên quan cung cấp, trước khi hoàn thành kết luận điều tra chính thức.
Bộ Công Thương khẳng định sẽ tổ chức tham vấn công khai để các bên liên quan trực tiếp trao đổi, cung cấp thông tin, bày tỏ quan điểm về vụ việc để đưa ra kết luận cuối cùng.
.