Malaysia điều tra chống bán phá giá thép mạ Việt Nam, Hoa Sen, Tôn Đông Á, Tôn Phương Nam đều bị gọi tên

Các doanh nghiệp Việt Nam được nêu trong hồ sơ yêu cầu của Malaysia gồm Hoa Sen, Nam Kim, Tôn Đông Á, Tân Phương Khanh, Tôn Phương Nam, Maruichi Sun Steel.

Thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), cho biết Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế Malaysia (MITI) vừa phát thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với một số mặt hàng thép mạ (tôn mạ) có xuất xứ Việt Nam.

Cụ thể, hàng hóa bị điều tra là thép cán dẹt không hợp kim, được phủ hoặc mạ nhôm hoặc kẽm, còn có tên gọi khác là thép mạ hoặc tôn mạ. 

Malaysia điều tra chống bán phá giá thép mạ của Việt Nam - Ảnh 1.

Malaysia điều tra chống bán phá giá thép mạ của Việt Nam. (Ảnh: HSG).

Thời kì điều tra từ ngày 1/8/2016 đến ngày 31/7/2019. Đây là thời kì cơ quan chắc năng Malaysia thu thập số liệu để tính toán biên độ phá giá của Việt Nam, gây thiệt hại đến của ngành sản xuất trong nước của Malaysia và mối quan hệ nhân quả. 

Biên độ bán phá giá Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế Malaysia cáo buộc đối với Việt Nam là 39,27%. 

Các doanh nghiệp Việt Nam được nêu trong hồ sơ yêu cầu gồm Hoa Sen, Nam Kim, Tôn Đông Á, Tân Phương Khanh, Tôn Phương Nam, Maruichi Sun Steel.

Về các thủ tục điều tra tiếp theo, đơn vị thuộc Bộ Công Thương cho biết phía MITI sẽ gửi bản câu hỏi điều tra cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu. Các doanh nghiệp chưa nhận được phải chủ động đề nghị cung cấp bản câu hỏi trước ngày 3/4, đồng thời phải nộp bản trả lời câu hỏi trước 17h ngày 17/4, theo giờ Malaysia.

Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị Hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu liên quan cần liên lạc với MITI, để đăng kí tham gia và nhận bản câu hỏi điều tra trong thời hạn quy định. Đồng thời phải nghiên cứu hồ sơ yêu cầu, đọc kĩ hướng dẫn, trả lời đầy đủ và nộp bản câu hỏi điều tra theo đúng thời hạn quy định.

Cục cũng khuyến nghị cần hợp tác toàn diện với MITI trong suốt quá trình vụ việc diễn ra, gồm cả việc điều tra tại chỗ, để xác minh các nội dung trong bản trả lời câu hỏi.

Các doanh nghiệp cũng phải thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin với đối tác nhập khẩu, các ngành sản xuất hạ nguồn của Malaysia sử dụng hàng hóa bị điều tra làm nguyên liệu sản xuất, để nâng cao tiếng nói với Chính phủ Malaysia, yêu cầu MITI xem xét nghiêm túc lợi ích kinh tế xã hội chung, quyền lợi của người tiêu dùng và ngành sản xuất hạ nguồn.

Hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu liên quan phải liên hệ, phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại để nhận được thông tin và sự hỗ trợ kịp thời.

Cục Phòng vệ thương mại cũng lưu ý, bất kì hành động thể hiện sự bất hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ, có thể dẫn tới việc cơ quan điều tra Malaysia sử dụng các chứng cứ sẵn có bất lợi, hoặc áp dụng mức thuế chống bán phá giá cao nhất, do nguyên đơn đề xuất. 

Việc bị áp thuế chống bán phá giá cao sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh, có nguy cơ mất một phần hoặc toàn bộ thị trường xuất khẩu Malaysia hoặc các đối thủ từ Trung Quốc, Hàn Quốc.

Cuối tháng 2, Bộ Công Thương cũng cho biết Thái Lan đã ban hành kết luận cuối cùng cuộc điều tra chống bán phá giá đối một số sản phẩm ống, ống dẫn bằng sắt hoặc thép có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam.

Cụ thể, Thái Lan quyết định áp thuế chống bán phá giá từ 6,97%-51,61% đối với các sản phẩm thép nhập khẩu bị điều tra, nhằm ngăn chặn đe dọa gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa.

 


chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.