Cả thế giới chao đảo khi Mỹ và Trung Quốc 'ăn miếng trả miếng' trong cuộc chiến thương mại ngày càng căng thẳng

Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Hoa Kì hôm 23/8 đã có những đòn ăn miếng trả miếng lẫn nhau trong đợt leo thang mới nhất của cuộc chiến thương mại kéo dài gần 2 năm. Những động thái cứng rắn của cả hai bên đã làm xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu, và khiến thị trường tài chính chao đảo.

Theo Reuters, Trung Quốc cho biết họ sẽ áp thuế đối với hàng hóa trị giá khoảng 75 tỉ USD của Mỹ, trong khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố tăng thuế 5% trong các mức thuế đã có và các biện pháp khác sẽ có hiệu lực vào tháng tới.

Trump cũng yêu cầu các công ty Mỹ thực hiện các kế hoạch để rời khỏi Trung Quốc ngay lập tức, tạo ra một bước ngoặt mới trong cuộc chiến thương mại đầy khó khăn đã kéo dài sang năm thứ hai.

Washington từ lâu đã thúc ép Bắc Kinh cải cách kinh tế trên phạm vi rộng, bao gồm bảo vệ tốt hơn cho sở hữu trí tuệ của Mỹ, chấm dứt các khoản trợ cấp có lợi cho các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc, và cải thiện khả năng tiếp cận thị trường của Trung Quốc cho các công ty Mỹ.

Hoa Kỳ trước đó đã áp thuế lên 250 tỉ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Trump nói rằng các thỏa thuận thương mại tồi tệ với Trung Quốc đã tiêu tốn hàng triệu việc làm của Mỹ.

Không những thế, cuộc chiến thương mại dai dẳng còn ảnh hưởng sâu rộng đến mọi thành phần kinh tế, từ người nông dân đến các tập đoàn công nghệ như Apple, Huawei,… cũng như khiến đà tăng trưởng toàn cầu bị suy giảm nghiêm trọng.

US-China-Trade-War-President-Xi-Jinping-and-President-Donald-Trump

Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Hoa Kỳ hôm 23/8 đã có những đòn ăn miếng trả miếng lẫn nhau trong đợt leo thang mới nhất. (Ảnh: Finance).

Kinh tế toàn cầu suy giảm

Tổ chức xếp hạng quốc tế, Fitch, đã ước tính rằng việc mở rộng thuế quan để chi trả thêm 300 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ cắt giảm 0,4% sản lượng kinh tế thế giới.

Quỹ tiền tệ quốc tế cho biết hồi tháng trước rằng thương mại toàn cầu trong quý đầu tiên của năm 2019 là chậm nhất kể từ năm 2012. Đồng thời cũng lưu ý những rủi ro lớn hơn đối với tăng trưởng thế giới, nếu cả hai nền kinh tế lớn nhất vẫn tiếp tục "ăn miếng trả miếng", áp dụng nhiều thuế quan hơn.

Trump nói rằng Trung Quốc sẽ phải trả tiền cho mức thuế quan mà ông đã áp đặt đối với hàng hóa từ nước này. Thế nhưng, các chuyên gia kinh tế lại cho rằng thuế quan sẽ được chi trả bởi các công ty nhập khẩu của Mỹ.

Và không ai khác, người ảnh hưởng trực tiếp lại là người tiêu dùng khi các nhà nhập khẩu bù các chi phí tăng cao vào giá bán của hàng hóa.

Nông nghiệp và năng lượng chịu thiệt hại

Nông dân Mỹ là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất cho đến nay. Trung Quốc là thị trường hàng đầu cho nhiều loại nông sản của Mỹ.

Và Trung Quốc đã trả đũa thuế quan bằng việc ngừng nhập khẩu nông sản từ Mỹ, hay tăng thuế đối với mặt hàng này, mục đích là nhắm vào nông dân Mỹ, những người đã bỏ phiếu giúp Trump lên nắm quyền.

shutterstock_715541794-554x350

Nông dân Mỹ là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất cho đến nay. (Ảnh: The American Conservative).

Cuộc chiến thương mại đã làm tổn thương doanh số của nhiều sản phẩm nông nghiệp, bao gồm trái cây, thịt và ngũ cốc.

Đáng kể đến phải nói tới đậu tương, mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Hoa Kỳ, trước chiến tranh thương mại, Trung Quốc là thị trường lớn nhất nhập khẩu mặt hàng này.

Theo số liệu của chính phủ Hoa Kỳ, xuất khẩu đậu tương của Mỹ sang Trung Quốc đã ở mức thấp nhất kể từ năm 2002 trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6.

Xuất khẩu thịt lợn ở mức thấp trong chín năm và các lô hàng lúa mì của Mỹ giảm 96% so với mức đỉnh 2015. Trong khi đó, giá ngô và đậu tương tương lai sẽ còn giảm mạnh, theo thông báo của Bắc Kinh.

Để bù đắp cho doanh số bán hàng bị mất cho Trung Quốc, chính phủ Hoa Kỳ đã cung cấp 28 tỉ USD viện trợ cho người nông dân, trong đó khoảng 8,6 tỉ đô la đã được giải ngân vào cuối tháng Sáu.

Dầu thô Mỹ cũng nằm trong danh sách thuế quan mới của Trung Quốc, khiến giá dầu giảm vào thứ Sáu, 23/8. Theo đó, dầu thô Mỹ giảm 3,47% xuống còn 53,40 USD/thùng và Brent cuối cùng ở mức 58,56 USD, giảm 2,27%.

Các công ty công nghệ lao đao

Các công ty công nghệ là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong cuộc chiến thương mại.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, các cổ phiếu công nghệ trên chỉ số S & P 500 đóng cửa giảm 3,2%. 

Chỉ số chip Philadelphia tỏ ra nhạy cảm với thuế quan khi SOX giảm 4,4%. Cổ phiếu của nhà sản xuất chip Nvidia Corp ( NVDA.O ) mất 5,3% và Apple Inc ( AAPL.O ) giảm 4,6%.

huawei-ban-060319-lt

Các công ty công nghệ lao đao trước cuộc chiến thương mại. (Ảnh: RTT).

Thuế quan hiện đang khiến ngành công nghệ Mỹ tiêu tốn 1,3 tỉ USD mỗi tháng, theo công bố của Hiệp hội Công nghệ tiêu dùng.

Các lệnh áp thuế quan mới của chính phủ Hoa Kỳ lên hàng hóa Trung Quốc dự kiến sẽ làm tăng giá bán lẻ điện thoại di động lên trung bình 70 USD, máy tính xách tay thêm 120 USD và máy chơi game video lên 56 USD, theo số liệu của Hiệp hội Công nghệ tiêu dùng Hoa Kỳ.

Các sản phẩm chủ lực của Apple như AirPod, Apple Watch và HomePod, đã giúp công ty bù đắp sự sụt giảm về doanh số iPhone trên toàn cầu trong thời gian vừa qua, cũng được dự báo là sẽ phải đối mặt với mức thuế 15% vào ngày 1/9 tới.

 Trong khi đó, MacBook và iPhone sẽ phải đối mặt với mức thuế 15% vào ngày 15/12.

Apple cho biết vòng thuế quan mới của Mỹ sẽ làm giảm đóng góp của mình cho nền kinh tế Mỹ và làm tổn thương khả năng cạnh tranh toàn cầu của tập đoàn này.

Người tiêu dùng bị tổn thương

Các nhà bán lẻ Mỹ cho biết người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi thuế quan mới theo hai mốc thời gian quyết định này có hiệu lực là, vào ngày 1/9 và ngày 15/12.

a6e84bd2-e21e-4499-83bf-baa830046d0d

Người tiêu dùng bị tổn thương. (Ảnh: Global Times).

Hiệp hội May mặc và Giày dép Hoa Kỳ ước tính rằng 77% hàng nhập khẩu hàng may mặc, giày dép và hàng dệt may của Mỹ từ Trung Quốc - hoặc khoảng 39 tỉ USD hàng hóa - sẽ bị ảnh hưởng khi mức thuế 15% mới được áp dụng vào ngày 1/9.

Thuế quan trước đó mà chính quyền Trump đã áp đặt đối với Trung Quốc được ước tính sẽ tiêu tốn của mỗi hộ gia đình Mỹ trung bình 600 USD mỗi năm, theo báo cáo của Ngân hàng JPMorgan Chase.

Điều đó sẽ tăng lên 1.000 USD nếu thuế quan đối với 300 tỉ USD hàng nhập khẩu khác của Trung Quốc vào Mỹ được áp dụng trong thời gian tới, ngân hàng này cho biết thêm.

Ngành sản xuất xe lâm vào khủng hoảng

Các chuyên gia phân tích cho rằng những nhà sản xuất xe hơi sẽ đánh cược với doanh số nếu họ chấp nhận từ bỏ Trung Quốc theo lệnh gọi của Mỹ.

General Motors năm ngoái đã bán được hơn 3,64 triệu xe tại Trung Quốc, chiếm hơn 43% doanh số bán hàng trên toàn cầu. 

Ford Motor trong năm 2018 cũng đã báo cáo doanh thu tại châu Á Thái Bình Dương là 12,4 tỉ USD. 

Trong khi đó, Ford không tiết lộ doanh thu của hãng tại Trung Quốc, nhưng cho biết quốc gia này chiếm phần lớn doanh số bán hàng.

5aeb1f08a3105cdce0a5d9c0

Ngành sản xuất xe lâm vào khủng hoảng. (Ảnh: China daily).

Thuế thép và nhôm của chính quyền Trump đã khiến chi phí lắp ráp xe tại Mỹ tăng thêm hàng tỉ USD, và thuế quan đối với các bộ phận linh kiện khác do Trung Quốc sản xuất cũng khiến chi phí sản xuất của các hãng xe hơi tăng vọt.

Nhà sản xuất xe máy Harley-Davidson cho biết đã phải chi trả hơn 100 triệu USD cho chi phí thuế quan vào năm 2019.

Nhà sản xuất xe máy Winnebago Industries cũng chia sẻ họ dự kiến chi phí sản xuất sẽ tăng thêm 10 triệu USD trong năm tài khóa 2020, từ mức thuế mới nhất và thuế đề xuất.

Nhà sản xuất thiết bị Deere & Co tuần trước đã cắt giảm dự báo thu nhập cả năm lần thứ hai chỉ trong ba tháng, với lí do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và thời tiết xấu, và cho biết họ sẽ cắt giảm sản xuất tại các cơ sở của mình ở Illinois và Iowa vào nửa cuối năm 2019.