Bộ trưởng Nội vụ nói về khả năng điều chỉnh giờ học, giờ làm

Đại biểu Quốc hội đề xuất bắt đầu giờ học, giờ làm muộn, 8h30-9h sáng, nghỉ trưa chỉ 1 tiếng cho phù hợp cuộc sống kéo dài về đêm. Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhận định, ý kiến này cần tham khảo nhưng để áp dụng chung thì rất khó. Hiện công chức đi làm sớm, trưa không nghỉ, tối về muộn vẫn không làm hết việc…

Bên hành lang Quốc hội sáng 1/11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trao đổi về đề xuất thay đổi giờ học, giờ làm của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội chiều qua, 31/10. 

Đại biểu nêu thực tế, qui định về giờ học, giờ làm hiện nay đang có xu hướng muộn hơn, thường là bắt đầu từ 8h30 đến 9h sáng, nghỉ trưa chỉ 1 tiếng. Kết quả nhiều cuộc khảo sát cũng cho thấy tỷ lệ lớn người dân muốn chọn giờ làm muộn hơn.

Theo đại biểu Cảnh, điều chỉnh giờ học, giờ làm muộn hơn, nghỉ trưa ngắn sẽ đem lại lợi ích về giao thông, tiết kiệm năng lượng, nâng cao hiệu quả sử dụng giờ làm và kỷ cương làm việc của công chức, đồng thời tạo điều kiện cho phát triển kinh tế ban đêm.

Bộ trưởng Nội vụ nói về khả năng điều chỉnh giờ học, giờ làm - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân: "Hiện cán bộ công chức làm việc hơn 8 giờ, trưa không nghỉ, tối về muộn còn không hết việc".

Nêu quan điểm về đề xuất này, Bộ trưởng Nội vụ cho rằng đó là ý kiến cần tham khảo, nhưng để quyết định thay đổi thì cần tính toán nhiều vấn đề liên quan như bố trí giờ làm ở các cơ quan phải đồng bộ với nhau, giờ làm của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp có thể bố trí lệch giờ tránh ùn tắc giao thông.

Bộ trưởng phân tích, nếu tất cả mọi người cùng đi học, đi làm trễ hơn hoặc sớm hơn thì không giải quyết được vấn đề gì.

Lãnh đạo Bộ Nội vụ nhấn mạnh nguyên tắc, bố trí giờ làm phải thận trọng, làm sao để đảm bảo nhu cầu của người lao động nhưng phải hài hoà với mục đích điều tiết, quản lý, chống ùn tắc giao thông.

“Thực tế, thói quen của người lao động hiện nay là không nghỉ giờ trưa. Thời gian qua, các cơ quan cũng đang thực hiện như vậy. Anh em hầu hết đều tranh thủ làm trưa vì ở cơ quan cũng đâu có chỗ nghỉ, thường là ăn cơm xong mọi người vào làm việc ngay, chiều về sớm được thì lo đón rước con cái. 

Mỗi đối tượng có nhu cầu, nên sắp xếp hợp lí, lắng nghe ý kiến nhiều đối tượng, tổng hợp, bố trí hợp lí người vào làm trước, người vào làm sau, người nghỉ trước, người nghỉ muộn… chứ nếu sắp xếp trùng giờ thì ùn tắc giao thông khó giải quyết” – Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói.

Thông tin Bộ Nội vụ chưa từng nghiên cứu, khảo sát để có thể đánh giá giờ làm muộn hơn có hợp lí hay không, Bộ trưởng Tân cũng nhấn mạnh, qui định giờ làm hành chính phải có sự phối hợp nhiều cơ quan.

Hiện nay, qui định về giờ giấc làm việc cũng phải có sự điều chỉnh linh hoạt, như miền Bắc áp dụng giờ làm từ 8h nhưng phía Nam là từ 7h-7h30, do đặc điểm tình hình địa lý, xã hội, tập quán… khác nhau.

Với đề xuất đổi giờ làm làm cho riêng đối tượng là cán bộ, công chức, ông Tân nói: “Nói gì thì nói chúng ta phải đảm bảo nguyên tắc làm việc 8 giờ mỗi ngày. Tăng giảm gì cũng theo Luật Lao động. Hiện cán bộ công chức làm việc hơn 8 giờ, trưa không nghỉ, tối về muộn còn không hết việc. Mục đích là chúng ta làm hết việc chứ không phải hết giờ làm”.

"Hà Nội từng đề xuất đổi giờ làm nhưng không thành"

Phó Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi: "Điều kiện tự nhiên các vùng miền rất khác nhau, không thể tất cả cùng đi làm từ 8h30 hay 8h, 7h được. Hiện qui định thời gian bắt đầu làm việc của các vùng, miền ở Trung ương do Thủ tướng Chính phủ quyết định, còn tại địa phương do Chủ tịch UBND tỉnh qui định.

Tới giờ, tôi chưa nghe ai bàn tới chuyện giờ làm hiện tại ảnh hưởng thế nào. Với nhiều nước áp dụng nghỉ trưa ngắn, lý do được cho là tiết kiệm nhưng với điều kiện Việt Nam hiện nay thì thay đổi theo hướng đó cũng không dễ, cần thời gian. qui định về giờ học, giờ làm cũng không cần khắt khe, phải qui định cứng trong luật. Luật chỉ qui định ngày làm 8 tiếng, một tuần người lao động làm 40 giờ hoặc 48 giờ.

Trước đây Hà Nội đã từng đề xuất đổi giờ làm nhưng rồi không áp dụng vì sau khi bàn thì thấy không hợp lí.

Còn với năng suất lao động, yếu tố giờ làm có tác động nhất định nhưng không phải yếu tố quyết định. Yếu tố quyết định đến năng suất lao động phải là công nghệ, chất lượng nhân lực, điều kiện làm việc. Trong điều kiện làm việc có yếu tố là sắp xếp thời gian hợp lí để phát huy năng lực con người".

chọn
VIS Rating: Khả năng trả nợ của doanh nghiệp bất động sản vẫn ở mức yếu
Khả năng trả nợ của doanh nghiệp vẫn ở mức yếu ngay cả khi dòng tiền được cải thiện do đòn bẩy cao và nợ đến hạn lớn trong năm 2024.