Bộ Xây dựng vừa có công văn trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa liên quan đến các điều kiện để dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê tại đô thị được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền.
Cụ thể, theo cử tri tỉnh Thanh Hóa, Điều 41 Nghị định số 43 ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai quy định điều kiện để dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền.
Tuy nhiên, tại Khoản 7 Điều 4 Nghị định số 11 ngày 14/01/2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị quy định: “UBND cấp tỉnh quy định cụ thể những khu vực được thực hiện chuyển quyền sử dụng đất đã được đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở theo quy hoạch chi tiết của dự án đã được phê duyệt, sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng”.
Quy định nêu trên rất khó thực hiện trong thực tiễn, trong khi đó, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có nhiều đô thị.
Do đó, cử tri tỉnh này đề nghị Chính phủ nghiên cứu, sửa đổi Nghị định số 11/2013/NĐ-CP theo hướng quy định cụ thể các điều kiện để dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê tại đô thị được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền, làm cơ sở cho các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện.
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết, theo quy định pháp luật về quy hoạch, phát triển đô thị và nhà ở trước năm 2013, chủ đầu tư các dự án đầu tư phát triển đô thị có trách nhiệm xây dựng nhà ở (xây thô hoặc hoàn thiện), đảm bảo hình thành các khu vực phát triển đô thị được đầu tư xây dựng đồng bộ cả hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cũng như kiến trúc, cảnh quan đô thị theo quy hoạch, thiết kế đô thị của dự án.
Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, các dự án theo hình thức này rất khó tiếp cận thị trường vì nhiều nguyên nhân khác nhau như chưa phù hợp với phong tục, tập quán của người dân, chưa đảm bảo chất lượng thiết kế kiến trúc, chất lượng thi công xây dựng…
Ở một số địa phương có mặt bằng thu nhập chưa cao, người dân cũng khó huy động ngay khoản kinh phí lớn để mua nhà đã xây dựng.
Ngoài ra, những khó khăn trong giai đoạn 2009 - 2012 đã tác động không nhỏ đối với nền kinh tế nước ta, thị trường kinh doanh bất động sản trầm lắng tại nhiều địa phương trên cả nước.
Do đó, năm 2013 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 11 về quản lý đầu tư phát triển đô thị, cho phép UBND cấp tỉnh quy định khu vực được thực hiện chuyển quyền sử dụng đất đã đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở.
Nghị định này nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong thực tế của các dự án, gia tăng khả năng tiếp cận nhà ở được đầu tư xây dựng đồng bộ của các khu đô thị cho người dân.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho rằng, để đảm bảo việc quản lý quy hoạch, kiến trúc cảnh quan của từng dự án nói riêng và toàn khu vực đô thị nói chung đòi hỏi các địa phương phải xây dựng và ban hành đầy đủ các công cụ quản lý.
Cụ thể, gồm: Quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, các quy định quản lý theo đồ án quy hoạch, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc, chương trình phát triển đô thị và các công cụ khác.
Theo số liệu báo cáo, mặc dù trên cả nước đã phủ kín quy hoạch đô thị, nhưng quy hoạch phân khu mới đạt khoảng 78%, quy hoạch chi tiết đạt khoảng 39%.
"Việc ban hành quy định quản lý theo đồ án quy hoạch, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc chưa được đồng bộ, kịp thời. Nhiều dự án còn có tình trạng chưa có quy hoạch phân khu để khớp nối với hạ tầng khu vực", Bộ Xây dựng cho hay.
Trong khi đó, các công trình nhà ở riêng lẻ tại các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có quy hoạch chi tiết 1/500 được phê duyệt được miễn giấy phép xây dựng theo quy định pháp luật về xây dựng,...
"Bộ Xây dựng ghi nhận ý kiến kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa để tiếp tục tổng hợp, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật", công văn nêu.