Tối 14/1, tài xế và người dân huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận lại tập trung về Trạm thu phí BOT Sông Phan gây áp lực, đòi giảm giá vé qua trạm. Các tài xế tiếp tục dùng tiền lẻ mua vé, một số khác tìm cách dùng dằng không mua vé để tỏ ý phản đối trạm thu phí này. Hàng trăm phương tiện di chuyển ra Bắc vào Nam bị kẹt lại trên đoạn quốc lộ huyết mạch này.
Người dân và các tài xế tiếp tục tập trung phản đối trạm BOT Sông Phan tối 14/1. |
Khoảng 21h30, Trạm BOT Sông Phan đã cho xả trạm để giải quyết ách tắc trên Quốc lộ 1 và tránh để mất an ninh trật tự tại khu vực thu phí. Trong vòng hai ngày qua, đây là lần thứ 5 Trạm BOT Sông Phan buộc phải xả trạm do bị các tài xế địa phương phản đối.
Ông Huỳnh Phúc, người dân xã Hàm Minh nói: “Cách trạm thu phí 200m, tôi có chiếc xe 7 chỗ, đi qua 35.000 đồng, đi về cũng 35.000 đồng. Một ngày tôi phải đi 4 vòng đưa các con đi học, đứa buổi sáng, đứa buổi chiều. Như vậy, tôi phải mất hết 140.000 đồng mỗi ngày. Riêng gia đình tôi đã thấy hoang mang rồi”.
Công ty BOT 319 Sông Phan cho rằng vị trí đặt trạm thu phí hoàn vốn dự án hiện tại là đúng tuyến. Mức giảm 50% cho xe không kinh doanh của người dân sống trong bán kính 5km đã là mức giảm tối đa.
Trong khi đó, người dân không chấp nhận và đề nghị tiếp tục giảm 100% mới thỏa đáng. Giữa người dân địa phương và nhà đầu tư BOT vẫn chưa có tiếng nói chung, do vậy tình hình có khả năng sẽ tiếp tục phức tạp trong những ngày tới.
Trước khi thu phí cho dự án cải tạo nền và mặt đường quốc lộ 1 đoạn Phan Thiết - Đồng Nai, Trạm Sông Phan từng thu cho dự án cầu Sông Phan và tiếp đó là cầu Đồng Nai. Trạm thu phí tồn tại hơn 17 năm qua tại 1 vị trí khiến cho người dân Hàm Thuận Nam, đặc biệt là xã Hàm Minh chịu thiệt thòi rất lớn./.
Dự báo thời tiết hôm nay 15/1: Miền Bắc sương mù, miền Nam mưa dông
Dự báo thời tiết ngày hôm nay rét đậm vẫn còn bao phủ ở các tỉnh miền núi phía Bắc, khu vực Hà Nội sáng ... |