TS. Nguyễn Trí Hiếu |
Chỉ còn chưa đầy nửa tháng nữa, năm tài chính 2016 sẽ kết thúc, đánh dấu một năm đầy biến động, với những “con sóng” to, nhỏ từ cả nội tại lẫn bên ngoài tác động lên nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành ngân hàng nói riêng.
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với chuyên gia ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu về những nhận định, đánh giá của ông về ngành ngân hàng năm 2016 và triển vọng cho năm 2017.
Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về bức tranh lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2016?
Đây là một điều khó dự đoán, bởi nếu trên sổ sách thì tương đối khả quan, tuy nhiên còn ẩn chứa rất nhiều ẩn số trong bức tranh lợi nhuận ngân hàng. Thứ nhất, là trong ngân hàng còn có những tài sản không sinh lời, đây là rủi ro tiềm ẩn cho ngân hàng.
Trong khi đó, ngân hàng còn rất nhiều khoản lãi dự thu. Những khoản lãi dự thu đó nếu của khách hàng đã phá sản thì phải xem xét để xoá sổ và kéo ra khỏi sổ sách ngân hàng nhưng một số ngân hàng vẫn có khoản lãi dự thu cao với những khách hàng mặc dù có thể đã không còn tồn tại hoặc không có khả năng trả nợ cho ngân hàng.
Bức tranh lợi nhuận ngân hàng bên cạnh lãi dự thu cao thì nợ xấu cũng là một vấn đề lớn.
Các ngân hàng luôn muốn tìm cách giảm tối thiểu trích lập chi phí dự phòng. Nếu có ngân hàng có sổ sách trong sáng và hạch toán chặt chẽ thì có thể biết con số dự phòng là chính xác nhưng ngân hàng không có hạch toán rõ ràng thì dự phòng có thể chưa đầy đủ.
Thành ra, để trả lời câu hỏi về bức tranh ngân hàng trên sổ sách thì có thể tốt nhưng trên thực tế cần có những nghiên cứu sâu rộng.
Nói như ông thì có vẻ như bức tranh lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2016 không “sáng” như nhiều người vẫn nghĩ. Vậy triển vọng lợi nhuận cho năm tới sẽ như thế nào, thưa ông?
Năm tới, triển vọng ngành ngân hàng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế. Năm nay, tôi cho rằng, nếu may mắn, chúng ta có thể đạt tăng trưởng tín dụng trên 16%.
Với nền kinh tế theo dự báo của tôi có thể trì trệ, nếu chúng ta tiếp tục giữ được mức tăng trưởng tín dụng 16% thì tôi cho rằng sẽ tạo đủ lợi nhuận cho các ngân hàng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế có thể chịu rất nhiều tác động từ kinh tế thế giới cho đến khó khăn nội tại của Việt Nam thì các ngân hàng sẽ gặp rất nhiều thử thách. Bên cạnh đó, các ngân hàng vẫn phải tiếp tục trích lập dự phòng rủi ro cho số nợ xấu bán cho VAMCđồng thời trích lập dự phòng cho số nợ xấu mới.
Thành ra, tôi hy vọng là lợi nhuận của 2017 sẽ tốt hơn 2016 nhưng thật sự không có gì đảm bảo bức tranh sẽ tốt hơn, với tất cả những biến động mà chúng ta dự báo có thể xảy ra.
Vậy liệu chúng ta có thể hy vọng nợ xấu có thể xử lý một cách thực chất trong năm tới?
Nó tuỳ thuộc rất nhiều vào quyết tâm lãnh đạo của đất nước về việc xử lý nợ xấu như thế nào. Tại thời điểm này, tôi nghĩ rằng có lẽ giải pháp duy nhất là dùng ngân sách để xử lý nợ xấu.
Nếu chúng ta không dùng ngân sách mà để cho các ngân hàng và VAMC tự xử lý lấy, tôi cho rằng rất khó khăn để giải quyết vấn đề.
Theo tôi, Chính phủ cần ứng trước một số tiền cho một cơ quan nào đó, VAMC chẳng hạn, để mua nợ xấu từ các ngân hàng. Việc mua nợ xấu sẽ được tiến hành với 3 điều kiện, thứ nhất là mua "tiền tươi thóc thật", trả tiền mặt cho ngân hàng. Thứ hai là mua với giá thị trường, tức là hai bên sẽ phải thảo luận với nhau.
Thứ ba là mua đứt bán đoạn chứ không phải như hiện tại là bán cho VAMC nhưng sau khoảng 5, 10 năm VAMC không thu hồi nợ được thì lại trả lại ngân hàng.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải có một thị trường mua bán nợ xấu để bán cho các món nợ đó cho các nhà đầu tư. Và để thực hiện những việc này cần rất nhiều khung pháp lý, những luật về xử lý tài sản đảm bảo.
Về chính sách tín dụng trong năm vừa rồi của Nhà điều hành, theo đánh giá của ông, liệu đã có nhiều chuyển biến tích cực?
Trong năm vừa rồi tôi không nhìn thất chuyển biến gì đáng kể, đặc biệt là các chính sách cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Từ đầu năm tới giờ, NHNN cùng với chính phủ đã kêu gọi các ngân hàng làm sao giảm được lãi suất để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Có một số ngân hàng lớn đã giảm được lãi suất cho vay, nhưng độ giảm vẫn ít và không tạo được một xu hướng chung cho toàn hệ thống.
Và tôi cũng không biết có bao nhiêu doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể đến vay những ngân hàng lớn khi họ giảm lãi suất, có lẽ chỉ có những doanh nghiệp có tầm cỡ, có sức khoẻ và uy tín, còn nói chung các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì chạy đến đâu thì cửa cũng vẫn đóng.
Năm 2017 là năm tạo động lực cho doanh nghiệp tư nhân phải triển, vậy ở góc độ chính sách về lãi suất, ngân hàng, cần có động lực như thế nào, thưa ông?
Tôi nghĩ vấn đề đầu tiên là tiền. Vấn đề này chính phủ cần có những quỹ như quỹ bảo lãnh tín dụng phải được tăng cường, tức là các quỹ bão lãnh tín dụng về vốn tự có, về vốn điều lệ phải được tăng cường để họ có khả năng bão lãnh nhiều hơn các doanh nghiệp.
Cùng với sự bảo lãnh của các quỹ bảo lãnh tín dụng, các ngân hàng cũng phải có chính sách cho vay rộng rãi hơn để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Và cái mà tôi mong muốn hơn là các ngân hàng nên quan tâm nhiều hơn đến dòng tiền của các doanh nghiệp thay vì đến đâu cũng đòi hỏi phải có tài sản thế chấp, đảm bảo.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ họ không có tài sản đảm bảo, thành ra, các ngân hàng nên quan tâm nhiều hơn đến dòng tiền của họ. Muốn làm được như vậy, các ngân hàng cần có các quy trình để làm sao có thể kiểm soát được dòng tiền để có thể thu hồi lại vốn. Tôi rất mong các ngân hàng trong năm 2017 sẽ có những chính sách, quy trình tín dụng phù hợp hơn để đúng với chủ trương của chính phủ.