Hồi đầu tháng 10, Tập đoàn Sản xuất Bán dẫn Quốc tế (SMIC), nơi chế tạo linh kiện bán dẫn lớn nhất của Trung Quốc, thông báo Cục Công nghiệp và An ninh Mỹ đã gửi thư cho các nhà cung ứng tại Mỹ và yêu cầu họ tuân thủ lệnh hạn chế xuất khẩu bổ sung.
Bộ Thương mại Mỹ chưa ghi tên SMIC vào danh sách cấm, nhưng biện pháp kiểm soát cho thấy họ đang trở thành mục tiêu tiếp theo của Washington trong cuộc đối đầu với Trung Quốc.
Thông điệp của Nhà Trắng rất rõ ràng. Họ yêu cầu các nhà cung ứng Mỹ xin giấy phép trước khi bán công nghệ cho SMIC. Chính quyền Tổng thống Donald Trump muốn kiềm chế những tiến bộ của Trung Quốc trong lĩnh vực bán dẫn nói riêng và toàn ngành công nghệ nói chung.
Loạt đòn của Mỹ hướng tới ba mục tiêu. Thứ nhất, diệt tham vọng sản xuất những loại chip hiện đại dùng tiến trình 14 nm và 7 nm của SMIC. Trước đó, nhà sản xuất bán dẫn Trung Quốc đã lên kế hoạch đẩy mạnh dây chuyền 14 nm FinFET và tăng tốc nghiên cứu tiến trình 7 nm.
Do sự khống chế của Mỹ, hiện tại SMIC gần như không thể phát triển các công nghệ hiện đại, bao gồm chế tạo chip 7 và 14 nm, vì các nhà cung ứng chủ chốt của Mỹ đã không thể giao dịch với tập đoàn.
Những lệnh cấm mới của Mỹ cũng đập tan vọng cuối cùng của Huawei: Tìm nhà sản xuất chip theo thiết kế riêng của tập đoàn. SMIC không thể hợp tác với Huawei theo lệnh cấm bán linh kiện dùng công nghệ Mỹ cho tập đoàn viễn thông lớn nhất Trung Quốc.
Rất có thể SMIC sẽ có cách lách luật nếu họ tự chủ công nghệ 14 và 7 nm. Song khả năng ấy rất mong manh, đặc biệt khi tương lai của SMIC chưa rõ ràng.
Yêu cầu giấy phép của Nhà Trắng đã hãm mạnh đà phát triển của toàn ngành bán dẫn Trung Quốc. Hệ thống xưởng đúc chip kết nối toàn bộ chuỗi cung ứng từ thiết bị, nguyên vật liệu, phần mềm thiết kế, cơ sở thiết kế mạch tích hợp đến người dùng cuối.
Vì thế, nếu SMIC không thể tự chủ dây chuyền công nghệ, những mảng liên quan cũng không thể phát triển. Xưởng đúc chip lớn thứ hai của Trung Quốc là Shanghai Hua Hong Group chỉ có quy mô bằng một nửa, còn công nghệ kém SMIC nhiều thế hệ.
Vai trò thống trị của Mỹ trên thị trường và ưu thế công nghệ bán dẫn của Mỹ giúp Washington bảo đảm vững chắc khả năng kiềm chế Trung Quốc.
Mục tiêu lớn nhất của Nhà Trắng hiện tại là duy trì, thậm chí khiến Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào nguồn cung chip của Mỹ.
Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ linh kiện bán dẫn lớn nhất thế giới. Intel và AMD đã có giấy phép cung cấp chip cho Huawei, Qualcomm có thể là cái tên thứ ba. Các biện pháp cấm xuất khẩu và danh sách đen dường như chỉ nhằm củng cố sự thống trị của các nhà sản xuất chip Mỹ trên thị trường Trung Quốc.