Các chủ đầu tư có thể sẽ phải giảm giá bán trên diện rộng để thu hút dòng tiền quay trở lại

Theo FiinGroup, hiện nhu cầu tái cấp vốn của các doanh nghiệp BĐS là rất lớn. Trong bối cảnh niềm tin của người mua nhà dự báo tiếp tục giảm, các doanh nghiệp có thể sẽ phải giảm giá sản phẩm trên diện rộng để thu hút dòng tiền quay trở lại.

Ảnh minh họa: HM. 

Trong báo cáo mới đây, FiinGroup cho biết, trong hai năm tới, gánh nặng đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp của ngành bất động sản sẽ ở mức 230.860 tỷ đồng, chiếm 35,2% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường.

Trong khi đó, các trái phiếu trên được phát hành với thời gian đáo hạn từ 3,5 năm trở xuống cho thấy nhu cầu vay để tái cấp vốn của ngành là rất lớn. 

Song, cũng theo FiinGroup, ngành bất động sản được dự báo sẽ tiếp tục gặp bất lợi từ việc thắt chặt các kênh huy động vốn chính trong nửa đầu năm nay.

Hầu hết các tổ chức phát hành thuộc ngành bất động sản là công ty dự án chưa niêm yết, không có doanh thu, do đó, các quy định chặt chẽ về hồ sơ chào bán và minh bạch thông tin sẽ hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp để tái cấp vốn của các doanh nghiệp này.   

Việc thắt chặt này làm giảm nguồn vốn vay của chủ đầu tư, đồng thời ảnh hưởng đến nguồn vốn trả trước của khách hàng. Niềm tin của người mua nhà cũng được dự báo sẽ tiếp tục giảm khi những vướng mắc về khung pháp lý vẫn còn là trở ngại lớn với các chủ đầu tư. Tâm lý chung trên thị trường e ngại, giao dịch bị trì hoãn, các dự án đang triển khai phải tạm dừng, kéo theo doanh số bán sụt giảm. 

Bên cạnh đó, lãi suất cao khiến chi phí tài chính tăng trong khi doanh thu giảm cũng ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng và vòng quay vốn của doanh nghiệp. 

Điều này buộc doanh nghiệp phải rút tiền từ hoạt động khác hoặc tạm dừng dự án để xoay sở dòng tiền trả nợ. Các chủ đầu tư cũng có thể sẽ phải giảm giá sản phẩm trên diện rộng để có nguồn cầu mới trên thị trường và thu hút dòng tiền quay trở lại.

Trước đó, trong năm 2022, sau khi giá thuê đất sau các sự kiện đấu giá và chính sách mới đã ở mặt bằng cao. Giá trị này còn được phản ánh khi định giá bất động sản làm tài sản đảm bảo để huy động vốn, gây rủi ro và tắc nghẽn thanh khoản trên thị trường này.

FiinGroup cũng cho rằng, nếu các doanh nghiệp đạt được thỏa thuận với các trái chủ về việc giãn nợ hoặc hoán đổi các sản phẩm bất động sản cho các khoản gốc và lãi vay trái phiếu, điều này có thể hỗ trợ duy trì thanh khoản trong thời gian ngắn. 

Theo FiinGroup, các chính sách mới là tín hiệu tích cực, cơ sở để thị trường bất động sản có cơ hội hồi phục trong năm nay. Cùng với đó, môi trường lãi suất được cải thiện và “hạ nhiệt” sẽ giúp cho thị trường trái phiếu và ngành bất động sản được khơi thông.

Tuy nhiên, chính sách mới sẽ có độ trễ nhất định và cần thời gian để phát huy hiệu quả. 

chọn
ĐHĐCĐ Khang Điền: Tự tin về khả năng trả nợ trái phiếu, dự án hợp tác với Keppel Land có thể kinh doanh từ cuối năm
Lãnh đạo Khang Điền cho biết tự tin về khả năng trả nợ 1.100 tỷ đồng trái phiếu nhờ quỹ tiền mặt dồi dào, nguồn thu từ dự án The Priva và KCN Lê Minh Xuân mở rộng triển khai trong thời gian tới. Năm nay, lợi nhuận chủ yếu của doanh nghiệp sẽ đến từ dự án The Privia.