'Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sắp tới sẽ bước vào chu kỳ mới với nhiều thay đổi cốt lõi'

Theo dự báo của FiinGroup, thị trường vốn năm 2023 sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn về thanh khoản, mặt bằng lãi suất dự báo neo cao trong nửa đầu năm. Song, thị trường TPDN sẽ bước vào một chu kỳ mới, giúp kênh vốn này phát triển bền vững hơn.

Mặt bằng lãi suất dự báo neo cao trong nửa đầu năm 2023, khó khăn thanh khoản tiếp diễn

Theo báo cáo Nhìn lại 2022 & Triển vọng thị trường vốn 2023 mới đây của FiinGroup, đơn vị này dự báo trong năm 2023, khó khăn thanh khoản sẽ tiếp diễn.

Theo ước tính của FiinGroup, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ có điểm rơi vào năm 2023 và 2024, tương đương 157.970 tỷ đồng và 341.270 tỷ đồng. Thị trường có thể chứng kiến thêm nhà phát hành mất khả năng thanh toán, đặc biệt là doanh nghiệp liên tục tăng cường đòn bẩy trong ít nhất 3 năm và có dòng tiền yếu. 

Song, FiinGroup kỳ vọng áp lực đáo hạn sẽ được giải tỏa nếu dự thảo sửa đổi Nghị định 65 cho phép gia hạn nợ được thông qua.

Về lãi suất toàn cầu năm 2023, FED đã nâng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm vào kỳ họp tháng 2, đưa lãi suất tham chiếu lên mức 4,5% - 4,75% và tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt trong ít nhất quý I/2023 và duy trì ở mức này đến hết năm. 

FiinGroup kỳ vọng mặt bằng lãi suất Việt Nam sẽ neo cao trong ít nhất nửa đầu năm 2023 trước khi hạ nhiệt. Việc thu hút FDI đăng ký mới và xuất khẩu đuối dần ở nửa sau năm 2022 khiến triển vọng lãi suất năm 2023 khó khăn hơn, bên cạnh các biến số như áp lực lạm phát quay lại khi kinh tế Trung Quốc phục hồi, xung đột chính trị chưa có dấu hiệu kết thúc và hành động của Mỹ để xử lý trần nợ công

Lãi suất giai đoạn cuối năm sẽ được hỗ trợ bởi đầu tư công, trong đó kỳ vọng tốc độ giải ngân sẽ nhanh hơn so với năm 2022 (đạt 67,27% kế hoạch). Năm 2023 sẽ tiếp nhận các dự án trọng điểm gồm Sân bay Long Thành, Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, Vành đai 3, Vành đai 4. 

Đơn vị này dự báo sẽ không còn đợt tăng lãi suất điều hành nào trong năm nay nhưng lãi suất huy động duy trì cao do chênh lệch huy động vốn – tín dụng nới rộng và độ trễ chính sách.

Điểm sáng từ cuộc thanh lọc thị trường trái phiếu và tiếp cận các kênh vốn mới

Ở khía cạnh tích cực hơn, FiinGroup cho rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp sắp tới sẽ bước vào chu kỳ mới. FiinGroup kỳ vọng tình hình minh bạch thông tin sẽ được cải thiện dần với sự phát triển của hệ thống giao dịch thứ cấp tập trung vào năm sau, cơ sở nhà đầu tư sẽ chuyển dịch sang các định chế tài chính.

“Tuy còn nhiều khó khăn, chúng tôi đánh giá đây là cơ hội để sàng lọc sức khỏe tài chính của các chủ thể tham gia.”, chuyên gia từ FiinGroup cho biết. 

Việc kênh vốn này bị kiểm soát chặt hơn đã hỗ trợ cơ quan quản lý nhận diện các doanh nghiệp yếu kém để có các biện pháp khu trú riêng. Mặt khác, các đơn vị phát hành với năng lực tài chính mạnh và mô hình kinh doanh tốt có thể tận dụng thời cơ để mở rộng thị phần kinh doanh của mình trong kỳ kinh doanh sắp tới. 

Bên cạnh đó, trong bối cảnh thanh khoản mắc kẹt, doanh nghiệp có chất lượng tín dụng kém có thể chứng kiến dòng tiền bị bào mòn và khó khăn tiếp cận vốn đảo nợ. Song, các đơn vị có dòng tiền mạnh và huy động được vốn quốc tế vẫn sẽ vượt qua được giai đoạn trên. 

Ngoài ra, Việt Nam sẽ sớm ban hành Quy định tiêu chí môi trường và xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh. Điều này sẽ tạo cú hích cho nhiều ngành như năng lượng, xây dựng, bất động sản xanh… tăng trưởng và kỳ vọng năm nay sẽ thêm nhiều doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí và huy động thành công tín dụng/trái phiếu xanh.

Song, FiinGroup cũng cho rằng, quy mô doanh nghiệp lớn không đồng nghĩa với năng lực trả nợ tốt, lấy ví dụ như sự phá sản của Tập đoàn Evergrande của Trung Quốc do sử dụng đòn bẩy cao, trong bối cảnh thị trường nhà ở nước này gặp khủng hoảng. 

Khủng hoảng thanh khoản Evergrande đã lặp lại ở Việt Nam với Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát, song FiinGroup đánh giá là tương đối bất ngờ khi nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản Việt Nam nói riêng được kỳ vọng phục hồi ở đầu năm 2022.

Cơ chế chính sách đóng vai trò trọng yếu và đang cho thấy tầm quan trọng của việc xây dựng quy định theo các chuẩn mực sao cho hợp lý hơn nhưng không đồng nghĩa thắt chặt nguồn vốn của các doanh nghiệp.

 

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.