Quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam còn khiêm tốn, tỷ lệ DN phát hành đã niêm yết có xu hướng tăng

Theo VBMA, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam năm 2022 đạt 14,81% GDP, còn khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực. Trong năm, tỷ lệ doanh nghiệp phát hành là các công ty niêm yết tăng, việc mua lại trước hạn được đẩy mạnh.

Quy mô thị trường TPDN Việt Nam khiêm tốn so với các nước trong khu vực

Theo Báo cáo tóm tắt thị trường trái phiếu năm 2022 của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tổng giá trị phát hành trái phiếu trong nước trong năm là 255.163 tỷ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ năm 2021. 

Trong đó, tỷ lệ chào bán ra công chúng là 4,15% với 23 đợt phát hành, giá trị 10.599 tỷ đồng, xấp xỉ tỷ lệ cùng kỳ là 4,58%. Số đợt phát hành riêng lẻ tại thị trường trong nước là 454 đợt với giá trị xấp xỉ 244.565 tỷ đồng, chiếm 96% tổng giá trị phát hành. 

Bên cạnh đó, số đợt phát hành ra thị trường quốc tế là 2 đợt, với giá trị phát hành là 625 tỷ USD của Vingroup. 

VBMA cho biết, dữ liệu trên được ghi nhận theo ngày phát hành trái phiếu, tổng khối lượng phát hành trái phiếu từ đầu năm ghi nhận theo ngày hoàn thành phát hành là 337.713 tỷ đồng. 

 

Theo VBMA, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam vào khoảng 14,81% GDP, còn khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực như Malaysia (54,3% GDP), Singapore (34,3% GDP), Thái Lan (25,5% GDP). Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp chiếm 12% tổng dư nợ của cả nền kinh tế, tăng khoảng 11,3% so với thời điểm cuối năm 2021. 

Giá trị phát hành năm 2022 đều giảm ở hầu hết các ngành so với năm 2021, trừ ngành nông nghiệp với mức tăng 4,3%. Giá trị phát hành trái phiếu của ngành bất động sản giảm 80,8% do các yếu tố vĩ mô bất lợi. Riêng trong quý IV, mức giảm này đạt 99,7% so với cùng kỳ. 

Ngành ngân hàng cũng chứng kiến mức giảm 42%, song, là ngành có giá trị phát hành lớn nhất và chiếm 54% tổng giá trị phát hành. 

Tỷ lệ DN phát hành là công ty niêm yết tăng, áp lực đáo hạn vẫn còn đáng kể 

Có 78 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp lần đầu năm 2022, đạt 32% so với con số 243 doanh nghiệp trong năm 2021. Tổng giá trị phát hành của các doanh nghiệp mới chiếm 20%, trong đó hơn 50% là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản và xây dựng, thấp hơn mức 60% của năm 2021.

Tỷ trọng các công ty niêm yết (không bao gồm ngân hàng thương mại) giữ nguyên so với năm 2021 ở mức khoảng 30%, song có xu hướng tăng với tỷ lệ trong quý IV là 68%, trong khi quý I là 17%. Ngược lại, tỷ lệ các công ty chưa niêm yết giảm dần. 

 

Lãi suất bình quân của trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2022 là 8,05%/năm, kỳ hạn phát hành bình quân là 4,12 năm, trong đó, 69% trái phiếu có kỳ hạn gốc 1 - 3 năm.  

Theo VBMA, kỳ hạn và lãi suất phát hành đều tăng so với năm 2021 khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp khó, song, mức tăng không nhiều do hầu hết các đợt phát hành diễn ra vào đầu năm, khi chưa có nhiều thay đổi về mặt chính sách cũng như điều kiện thị trường so với năm trước đó. 

Đối với ngành bất động sản, kỳ hạn trái phiếu doanh nghiệp bình quân là 3,05 năm, lãi suất phát hành bình quân là 10,04%/năm. Khoảng 38% trái phiếu bất động sản trong năm 2022 không có tài sản đảm bảo hoặc được đảm bảo bằng cổ phiếu. VBMA cho biết, tỷ lệ này đã tăng 29% so với năm 2021, trong bối cảnh giá cổ phiếu bất động sản biến động không thuận lợi để làm tài sản đảm bảo trái phiếu. 

Bên cạnh đó, 71,6% tổ chức phát hành trái phiếu bất động sản trong năm 2022 là công ty chưa niêm yết.

 

Mặt khác, trong năm 2022, các doanh nghiệp đã mua lại trước hạn lượng trái phiếu trị giá 210.830 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, ngành ngân hàng chiếm tỷ trọng cao nhất với 91.799 tỷ đồng, tương đương 43,5% tổng giá trị mua lại. Đứng thứ hai là ngành bất động sản với 35.439 tỷ đồng, tương đương 16,8%. Hầu hết các trái phiếu mua lại sẽ đáo hạn vào năm 2023 và 2024. 

Riêng trong tháng 12/2022, lượng mua lại đạt giá trị cao nhất là 39.798 tỷ đồng. 

Dù vậy, VBMA nhận định, áp lực đáo hạn trái phiếu trong hai năm tới vẫn đáng kể với khoảng 650.319 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó, trong năm 2023 là 289.819 tỷ đồng và trong năm 2024 là 360.500 tỷ đồng.