Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2023 diễn ra ngày 2/2 vừa qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được thời gian qua, các thành viên Chính phủ cho rằng còn không ít khó khăn, thách thức. Một trong những vấn đề nổi lên là lĩnh vực tiền tệ, tài chính tiềm ẩn rủi ro, nhất là trái phiếu doanh nghiệp.
Trong phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ diễn ra cùng ngày, Thủ tướng cũng đã có yêu cầu khẩn trương hoàn thiện ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp.
Liên quan đến tiến độ về việc sửa đổi này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi trả lời tại cuộc họp báo cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã triển khai xong quy trình đánh giá tác động, rồi xin ý kiến của các bộ ngành, các tổ chức, các chuyên gia, kể cả các tổ chức quốc tế.
“Chúng tôi đã tổng hợp và cũng đã xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp theo quy trình, quy định và đến hiện nay đang trong quá trình hoàn chỉnh bộ hồ sơ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định 65 để trình Chính phủ.
Dự kiến Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ trong đầu tuần tới”, Thứ trưởng cho biết.
Lãnh đạo Bộ Tài chính kỳ vọng Chính phủ sẽ sớm thông qua những nội dung nghị định mới để các quy định thích ứng với tình hình thực tế. Từ đó củng cố niềm tin của thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát hành, đồng thời bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, trong thời gian qua, có một số tổ chức, cá nhân có sai phạm, bị xử lý liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản đã ảnh hưởng rất lớn đến thị trường và tâm lý nhà đầu tư. Do vậy các doanh nghiệp bất động sản khó khăn hơn trong việc phát hành trái phiếu tạo nguồn vốn để triển khai thực hiện dự án cũng như cân đối dòng tiền trong hoạt động của doanh nghiệp.
Số liệu thống kê sơ bộ của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cho thấy, tính đến 25/12/2022, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khoảng 2 triệu tỷ đồng, trong đó của doanh nghiệp bất động sản là 419 nghìn tỷ đồng (chiếm 33,6%).
Bộ Xây dựng nhận định, trong cuối năm 2022 và thời gian tiếp theo, một số doanh nghiệp còn phải chịu áp lực trả nợ trái phiếu trước hạn cho nhà đầu tư vì nhiều nguyên nhân, trong đó có thay đổi chính sách kiểm soát trái phiếu phát hành của doanh nghiệp.