Các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam thu hàng trăm nghìn tỉ đồng mỗi năm

Sau đại dịch Covid-19, Việt Nam nổi lên là một mảnh đất hấp dẫn thu hút sự chuyển dịch đầu tư từ các doanh nghiệp Nhật Bản. Tính đến 20/9, các doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư 60 tỉ USD vào Việt Nam, với các ngành nghề được tập trung chủ yếu là ngân hàng, bán lẻ và sản xuất.

Đầu tháng 4, Chính phủ Nhật Bản đã khởi động dự án trị giá khoảng 70 tỉ yên, tương đương khoảng 654 triệu USD nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản đang sản xuất tại Trung Quốc đa dạng hoá chuỗi cung ứng, mở rộng sang các quốc gia khác ngoài Trung Quốc.

Đến cuối tháng 7, 30 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tiên đã nhận được tiền trợ cấp từ Chính phủ để mở rộng hoạt động sản xuất sang các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Lào, Malaysia, Philippines và Việt Nam.

Riêng Việt Nam, có tới 15 trong tổng số 30 doanh nghiệp Nhật Bản đặc biệt lựa chọn mảnh đất này để chuyển dịch, tái cơ cấu sản xuất trong thời kì hậu Covid-19 và chiến tranh thương mại.

Cũng không lấy làm khó hiểu với quyết định này của các doanh nghiệp Nhật Bản, khi theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nhật Bản chỉ xếp sau Hàn Quốc trong số những quốc gia đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng kí đến hết quí III năm nay đạt 60 tỉ USD.

Theo Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro), tính đến đầu năm nay đã có hơn 2.000 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư ở Việt Nam và gần 64% số doanh nghiệp này cho biết có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại đây.

Rõ ràng, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Nhật Bản sẽ vẫn tiếp tục gia tăng mạnh mẽ trong thời gian tới, chứng tỏ sức hút không thể cưỡng nổi của điểm đến mới mang tên Việt Nam.

Trong tổng số hơn 2.000 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, các ngành nghề được tập trung chủ yếu như ngân hàng, bán lẻ và sản xuất.

Một số doanh nghiệp Nhật Bản đã đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian qua. Qui mô hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này đều ở mức lớn, đem về hàng nghìn tới hàng chục nghìn tỉ đồng doanh thu mỗi năm.

Thậm chí, trong một số lĩnh vực sản xuất thực phẩm, ô tô, xe máy,… các công ty Nhật Bản đang nắm trùm tại Việt Nam với những cái tên tiêu biểu như AceCook, Toyota, Honda, Yamaha, Nikon.

Đổ tiền vào Việt Nam, các doanh nghiệp Nhật Bản đang thu về hàng trăm nghìn tỉ đồng mỗi năm - Ảnh 1.

Nổi bật nhất trong số này là Honda Motor Việt Nam, với doanh thu năm gần nhất theo công bố là 2018 đạt hơn 100.000 tỉ đồng. Tại Việt Nam, Honda tham gia vào 3 lĩnh vực chủ chốt gồm sản xuất, kinh doanh xe máy, ô tô và sản phẩm động lực.

Năm ngoái, lượng xe máy Honda bán ra thị trường Việt Nam đạt con số cao kỉ lục với 2,56 triệu xe, chiếm 76,8% thị phần xe máy trong nước. Riêng mảng ô tô, Honda cùng với hai ông lớn là Hyundai và Toyota là những thương hiệu xe bán chạy nhất tại Việt Nam với hơn 32.000 xe bán ra trong năm 2019.

Doanh nghiệp Nhật Bản hiện diện lâu đời nhất ở Việt Nam là CTCP AceCook Việt Nam, với hơn 25 năm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm, có những thương hiệu nổi tiếng như: Mì ăn liền Hảo Hảo, phở gà, miến Phú Hương, phở Đệ Nhất,…

Năm 2019, doanh nghiệp này cũng ghi nhận con số doanh thu đạt gần 11.000 tỉ đồng và trở thành một trong những đơn vị sản xuất mì gói lớn nhất tại Việt Nam.

Không chỉ đạt doanh thu cao, chiếm ưu thế trong mỗi lĩnh vực tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam còn cho thấy kết quả kinh doanh hiệu quả, khi lợi nhuận mỗi năm thu về lên tới hàng trăm tỉ đồng.

Đổ tiền vào Việt Nam, các doanh nghiệp Nhật Bản đang thu về hàng trăm nghìn tỉ đồng mỗi năm - Ảnh 2.

Trong chuyến thăm nước ngoài đầu tiên đến Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihid kể từ khi nhậm chức, ông Yoshihid cho biết, Việt Nam là đối tác quan trọng của Nhật Bản và đóng vai trò trọng yếu khi Nhật Bản tiến hành chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Về phía Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam đã sẵn sàng rộng cửa đón các doanh nghiệp Nhật Bản vào đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. 

"Tôi đã khẳng định với ngài Thủ tướng Suga về việc Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng điều kiện về đất đai, nguồn nhân lực, môi trường, chính sách để chung tay hợp tác cùng với các doanh nghiệp Nhật Bản có thể đầu tư kinh doanh thành công ở Việt Nam. 

Đặc biệt là một loạt dự án lớn mà hai bên thống nhất thúc đẩy, nhất là những dự án gặp trở ngại trong quá trình triển khai", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Ngoài Nhật Bản, trong những năm gần đây, Việt Nam cũng đã thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài khổng lồ từ một quốc gia Đông Bắc Á khác là Hàn Quốc. Hiện Hàn Quốc là nhà đầu tư vốn FDI lớn nhất tại Việt Nam.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2019 Việt Nam thu hút 38,02 tỉ USD vốn FDI, trong đó Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đăng kí 7,92 tỉ USD, chiếm tới 20,8% tổng vốn đầu tư. Tiêu biểu nhất cho làn sóng đầu tư nước ngoài là Tập đoàn Điện tử Samsung của Hàn Quốc.

Tính tới cuối năm ngoái, Samsung Việt Nam cho biết, đã giải ngân 94% trong tổng số vốn đăng kí với Chính phủ Việt Nam là 17,3 tỉ USD. Hiện tập đoàn này có 3 cơ sở ở Việt Nam là Thái Nguyên, Bắc Ninh và TP. HCM, trong đó cơ sở ở Thái Nguyên là nhà máy rộng nhất với 60.000 công nhân.

Tương tự các doanh nghiệp Nhật Bản, với những dự án qui mô lớn có sự tham gia của các doanh nghiệp Hàn Quốc như Posco, Hyundai, Lotte… đã có những tác động lớn tới kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng vào thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam.

Hàng chục nhà đầu tư vệ tinh, với vốn đầu tư hàng tỉ USD đã theo chân các doanh nghiệp lớn này để đặt đại bản doanh tại Việt Nam.

Trong bối cảnh hiện tại, khi thương chiến Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khiến nhiều tập đoàn đa quốc gia bị tổn thương trước những đòn đánh thuế quan, đại dịch Covid-19 đã phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu, thì việc các doanh nghiệp lựa chọn dịch chuyển, đa dạng hoá dây chuyền sản xuất là một điều tất yếu.

Đặc biệt, thời điểm hiện tại Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến an toàn trong đại dịch, từng bước mở cửa khôi phục lại nền kinh tế, nhiều chuyên gia tin tưởng lạc quan rằng dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục đổ về nền kinh tế, mang lại sức bật và động lực lớn hơn cho tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo. 

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.