Theo nhiều nghiên cứu và chứng minh khoa học, độ ẩm trong môi trường sống nếu quá cao hoặc quá thấp không chỉ ảnh hưởng tới vật chất xung quanh (máy móc, thiết bị, nông sản,...) mà còn tác động rất lớn đến sức khỏe của con người.
Độ ẩm được cho là tối ưu nhất cho không gian trong nhà là vào khoảng 50%. Tuy nhiên, đây chưa phải con số chính xác khi áp dụng cho các phòng chức năng. Tùy vào điều kiện khí hậu, thời tiết, mật độ người, các hoạt động diễn ra trong phòng và nhiều yếu tố khác mà độ ẩm của căn nhà sẽ được thay đổi tăng - giảm tùy trường hợp.
Cùng tìm hiểu một số mức độ ẩm tốt cho sức khỏe nên được áp dụng cho từng phòng chức năng cụ thể, từ đó tạo ra một không gian sống thoải mái và phù hợp với gia đình của bạn.
Phòng khách là không gian sinh hoạt thường xuyên nhất của cả gia đình. Đây là nơi có diện tích rộng rãi và thoáng mát nhất trong nhà, cũng là nơi có độ ẩm thiếu ổn định do có sự chuyển lưu dòng khí từ cửa chính, cửa sổ, cầu thang và các phòng chức năng.
Ngoài ra, không gian này cũng là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động tụ tập, vui chơi, thể dục của các thành viên trong gia đình. Độ ẩm có trong phòng một phần được mọi người “tiêu thụ” nên sẽ có lượng hơi nước thấp hơn các khu vực khác. Vậy nên, độ ẩm tốt cho sức khỏe nên được duy trì trong phòng khách nên từ 55% đến 60 % để đảm bảo không khí không quá khô nóng và bức bối.
Nếu phòng khách nhà bạn có độ ẩm thấp, hãy thử các cách làm tăng độ ẩm như sử dụng quạt hơi nước, điều hòa kết hợp máy phun sương, trồng cây xanh,... để tăng chỉ số này.
Phòng ngủ vốn là nơi nghỉ ngơi, thư giãn của bạn sau một ngày làm việc vất vả và mệt mỏi. Khác với phòng khách, đây là không gian riêng tư của cá nhân hoặc cặp vợ chồng, cộng với chức năng chính là để ngủ nên lượng hơi ẩm tự nhiên có trong phòng thường được giữ lại khá nhiều. Thêm vào đó, thiết kế phòng ngủ thường kín, thậm chí có nhiều phòng còn được làm cách âm, cách nhiệt, che nắng khá kỹ nên hơi ẩm cũng ít bị thất thoát ra ngoài.
Độ ẩm tốt cho sức khỏe trong phòng ngủ sẽ rơi vào khoảng 40 - 50%, vừa giúp bạn có một giấc ngủ êm ái, vừa không khiến da bạn bị khô hoặc bóng dầu trong khi ngủ. Bên cạnh đó, độ ẩm không quá cao sẽ ít làm chăn mền, quần áo, thảm,... bị ẩm mốc và có mùi hôi khó chịu.
Nếu phòng ngủ của bạn đang có lượng chỉ số vượt mốc trên, bạn có thể thử các biện pháp làm giảm độ ẩm trong phòng như dùng máy hút ẩm, bật điều hòa ở chế độ khô, mở cửa phòng,... để giảm lượng hơi nước trong không khí.
Một trong những khu vực có độ ẩm ở mức cao nhất trong nhà chính là phòng tắm. Đây là khu vực tắm rửa, giặt giũ, vệ sinh,... đều dùng đến nước nên thường sản sinh một lượng hơi ẩm tương đối lớn. Việc để độ ẩm trong phòng tắm quá cao đôi khi sẽ khiến bạn bị nghẹt mũi, cảm giác tức lồng ngực, mệt mỏi và tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm mốc độc hại sinh sôi.
Độ ẩm tốt cho sức khỏe nên giữ cho phòng tắm chỉ nên vào khoảng 30 - 40%. Để đạt được mức độ ẩm này, bạn có thể lắp đặt thêm máy hút hơi ẩm, dùng chất hút ẩm, mở lớn cửa sổ mỗi khi tắm giặt xong và lau chùi mọi thứ bằng khăn khô.
Đối với phòng cho trẻ nhỏ thì việc điều chỉnh độ ẩm thích hợp là chuyện vô cùng quan trọng. Vốn dĩ, hệ thống miễn dịch và hô hấp ở trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh thường chưa được hoàn thiện. Ngoài ra, cơ thể trẻ sơ sinh có thân nhiệt và da rất nhạy cảm nên cần hết sức lưu ý khi điều chỉnh độ ẩm phù hợp cho trẻ.
Tùy vào thời tiết của từng mùa và điều kiện khí hậu mà bạn điều chỉnh độ ẩm trong phòng bé theo mức thích hợp. Vào mùa hanh khô, độ ẩm xuống thấp dưới 45%, bố mẹ nên dùng máy tạo độ ẩm để nâng lên mức 50 - 60 % nhằm hỗ trợ con hô hấp tốt hơn. Vào mùa mưa, khi độ ẩm vượt mức 60%, bạn nên thông gió, mở cửa phòng và dùng máy hút ẩm để điều chỉnh xuống khoảng 45 - 55% - mức độ ẩm hợp lý trong thời gian này.
Trong những năm gần đây, việc sử dụng máy lạnh trong nhà, trong phòng kín, trong xe,... đã không còn quá xa lạ với tất cả chúng ta. Tùy thuộc vào loại máy lạnh và chế độ của thiết bị mà độ ẩm căn phòng sẽ được thay đổi theo. Thông thường, độ ẩm không khí lý tưởng trong phòng máy lạnh nên duy trì trong khoảng 40 - 80%. Do máy lạnh cũng có chức năng hút ẩm và tạo ẩm nên bạn có thể tùy chỉnh lại khi thấy phòng hanh khô hoặc ẩm lạnh.
- Chế độ hút ẩm (dry) của điều hòa, có biểu tượng hình giọt nước: Đây là chế độ làm giảm độ ẩm trong phòng. Khi sử dụng chế độ này, điều hòa sẽ vận hành trong khoảng thời gian từ 3 đến 5 phút lại nghỉ cùng với luồng gió thổi ra có tốc độ nhỏ và khả năng giữ lại 60% hơi ẩm trong không khí. Mục đích của chế độ là giúp giảm độ ẩm cho cho căn phòng trở nên khô ráo.
- Chế độ Cool, biểu tượng hình bông tuyết: Chế độ cool là chế độ giúp giảm nhiệt độ trong phòng xuống, duy trì nhiệt độ và độ ẩm ổn định để bạn cảm thấy dễ chịu trong những ngày oi bức, nhiệt độ ngoài trời cao mà độ ẩm thấp.