Các quốc gia châu Á kích cầu du lịch hậu Covid-19

Hàn Quốc, Nhật Bản và một số quốc gia khác đã chi hàng trăm, hàng nghìn tỉ đồng nhằm kích cầu du lịch nội địa, góp phục hồi kinh tế.

Sau khi cơ bản ngăn chặn được dịch bệnh, không chỉ có Việt Nam, một số quốc gia châu Á khác đã bắt đầu triển khai các chiến dịch kích cầu du lịch nhằm phục hồi "ngành công nghiệp không khói" của đất nước mình.

Đơn cử như Hàn Quốc, vào giữa tháng 8, chính phủ nước này đã quyết định chi 29 tỉ won (~ 579 tỉ đồng) cho chương trình giảm giá phòng khách sạn.

Cụ thể, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng Tổ chức Du lịch Hàn Quốc (KTO) cho biết số tiền 29 tỉ won sẽ phân bổ cho chương trình phiếu giảm giá chỗ ở để phục vụ người dân.

Các quốc gia châu Á thực hiện kích cầu du lịch hậu COVID-19 - Ảnh 1.

Áp phích cho chương trình của chính phủ cung cấp cho công dân các phiếu giảm giá phòng nghỉ trên toàn quốc. (Ảnh: KTO)

Các công dân có thể nhận được phiếu giảm giá này khi đặt phòng qua 27 công ty du lịch đã công bố trực tuyến. Thời gian áp dụng các phiếu giảm giá này là trong tháng 9 và tháng 10.

Hay tại Trung Quốc, chính phủ phát động "Tuần lễ vàng" trong dịp Quốc khánh (1/10) nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước và phục hồi kinh tế thời kì hậu dịch bệnh.

Tờ China Daily (Trung Quốc) đưa tin, theo số liệu của Công ty đường sắt Trung Quốc, dự kiến lượng hành khách đi lại trong kì nghỉ lễ Quốc khánh sẽ đạt đỉnh vào ngày 1/10, với 17,5 triệu lượt hành khách.

Trong ngày 28/9, mạng lưới đường sắt của nước này đã vận chuyển 13,78 triệu hành khách, tăng 5,1% so với năm ngoái.

Tại Nhật Bản vào hồi tháng 7, chính phủ nước này cũng đã phát động chiến dịch kích cầu du lịch nội địa với tên gọi "Go To Travel". Theo thông tin từ báo Kyodo (Nhật Bản), sau ba tháng triển khai chương trình, các sân bay trên khắp Nhật Bản đã trở nên đông đúc hơn bao giờ hết.

Ghi nhận vào ngày 3/10, ngày cuối tuần đầu tiên kể từ khi Nhật Bản đưa thủ đô Tokyo vào chương trình trợ giá du lịch nội địa "Go To Travel", các ga xe lửa ở thủ đô tấp nập người qua lại.

Các quốc gia châu Á thực hiện kích cầu du lịch hậu COVID-19 - Ảnh 2.

Hành khách tấp nập đi lại tại nhà chờ sân bay Haneda (Nhật Bản) trong ngày cuối tuần đầu tiên các khoản trợ cấp của chiến dịch "Go To Travel" của chính phủ áp dụng cho thủ đô Tokyo, ngày 3/10. (Ảnh: Mainichi/Daiki Takikawa)

Người dân Nhật Bản đã tận dụng chiến dịch trên của chính phủ để tranh thủ đi thăm thú các địa điểm du lịch nổi tiếng trong nước như Hokkaido và Okinawa, đồng thời giúp đỡ phần nào ngành du lịch và tiêu dùng trong nước phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Chương trình hỗ trợ trên trị giá 1.350 tỉ yen (~ 297 nghìn tỉ đồng) sẽ kéo dài đến hết tháng 1/2021. Theo kế hoạch, chương trình đưa ra mức giảm giá 35% cho chi phí khách sạn và tour du lịch trọn gói, bên cạnh mức chiết khấu 15% dưới dạng phiếu giảm giá có thể được sử dụng để mua sắm hoặc ăn uống tại nhà hàng khi người dân đi du lịch.

Tổng mức giảm giá được giới hạn khoảng 20.000 yen/người/đêm (~ 4,4 triệu đồng) và 10.000 yen (~ 2,2 triệu đồng) cho chuyến đi trong ngày.

Tại Singapore vào hồi giữa tháng 9, chính phủ nước này khuyến khích người dân đi du lịch bằng cách mở chiến dịch SingapoRediscovers Vouchers, theo nguồn tin từ nhật báo Straits Times (Singapore).

Trong đó, mỗi người dân từ 18 tuổi trở lên sẽ nhận được một phiếu mua hàng trị giá 100 đô la Singapore (~ 1,7 triệu đồng), có thể được sử dụng cho các kì nghỉ, vé tham quan và du lịch. Thời gian sử dụng phiếu mua hàng trên kể từ tháng 12 năm nay đến cuối tháng 6/2021.

Trước đó vào hồi tháng 8, chính phủ Singapore đã thông báo sẽ trao các phiếu quà tặng SingapoRediscovers Vouchers trị giá 320 triệu đôla Singapore (~5,4 nghìn tỉ đồng) cho người dân nhằm hỗ trợ ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.

Tại Thái Lan, vào tháng 6, chính phủ nước này đã thông qua gói kích cầu du lịch nội địa trị giá 22,4 tỉ baht (~ 720 triệu USD) nhằm giúp ngành du lịch nước này vượt qua khó khăn do tác động tiêu cực của đại dịch, tờ Bangkok Post đưa tin.

Các quốc gia châu Á thực hiện kích cầu du lịch hậu COVID-19 - Ảnh 3.

Thái Lan chi 720 triệu USD giải cứu ngành du lịch. (Ảnh: Medium)

Trong gói này, 18 tỉ baht được sử dụng nhằm trợ giá đối với khách sạn, đồ ăn và những dịch vụ khác được cung cấp tại điểm đến du lịch. Đồng thời, 5 triệu chỗ ở đêm tại khách sạn sẽ có giá bằng 40% mức giá thông thường với mức trợ giá không vượt quá 3.000 baht/đêm. Trợ giá cho các dịch vụ khác được ấn định ở mức 600 baht/phòng mỗi đêm.

Gói hỗ trợ khác trị giá 2,4 tỉ baht sẽ đem tài trợ cho các chuyến du lịch vào kì nghỉ cho 1,2 triệu tình nguyện viên y tế và cán bộ của các bệnh viện tuyến cấp huyện. Gói này cũng dự kiến sẽ giúp hơn 13.000 công ty du lịch đỡ phần nào khó khăn.

Còn gói hỗ trợ trị giá 2 tỉ baht nhằm trợ giá vé máy bay nội địa, vé xe buýt liên tỉnh và phí thuê xe cho tổng cộng 2 triệu người.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.