Các tổ chức quốc tế điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 thế nào giữa các đợt Covid-19?

Trong số các tổ chức đưa ra nhận định tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021, mức lạc quan nhất đến từ S&P Global Ratings với dự báo 8,5%. Sau khi làn sóng Covid-19 thứ 4 đổ bộ, đã có một số tổ chức hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam.
Các tổ chức quốc tế nâng/ hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 thế nào giữa các đợt COVID-19? - Ảnh 1.

Các tổ chức đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay vào hồi tháng 4 - thời điểm chưa bùng phát làn sóng Covid-19 mới tại Việt Nam. (Đồ họa: Đức Bùi).

Ở các dự báo được công bố hồi tháng 4 - thời điểm đợt dịch thứ 4 chưa đổ bộ Việt Nam, Oxford Economics, IMF, World Bank, HSBC nhận định kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 6,4 %– 6,6%, mức này hạ so với các dự báo trước đó hồi cuối năm 2020, riêng Fitch Solutions dự báo ở mức 7%.

Các tổ chức quốc tế nâng/ hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 thế nào giữa các đợt COVID-19? - Ảnh 2.

Đến nay mới có ba tổ chức đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam vào thời điểm Việt Nam đang đối mặt đợt dịch Covid-19 thứ 4. (Đồ họa: Đức Bùi).

Trong số các tổ chức quốc tế, S&P Global Ratings đưa ra dự báo lạc quan nhất về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay. Hồi tháng 10 năm ngoái, S&P kỳ vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt mức 11,2%. Ở lần dự báo gần nhất hôm 21/5 – khi đã xuất hiện làn sóng Covid-10 mới tại Việt Nam, tổ chức này điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 xuống còn 8,5%. Dù vậy, mức dự báo này khá cao so với các tổ chức khác.

S&P kỳ vọng Việt Nam năm nay sẽ phục hồi ở mức 8,5% trước khi tiến gần hơn đến tốc độ tăng trưởng theo xu hướng dài hạn từ năm 2022 trở đi. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm cũng giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam và nâng triển vọng từ ổn định lên tích cực. Theo đánh giá của S&P, sức hấp dẫn của Việt Nam với tư cách là điểm đến hàng đầu cho FDI ở Đông Nam Á, cùng với lực lượng lao động trẻ sẽ giúp giữ nguyên quỹ đạo phát triển lâu dài của đất nước.

Dự báo mới nhất đến từ Ngân hàng Standard Chartered. Hôm 31/5, ngân hàng này cho biết đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 7,8% xuống mức 6,7%.

Dù mức dự báo này giảm mạnh so với nhận định hồi tháng 1 đầu năm, ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Việt Nam và Thái Lan của Standard Chartered nhận định "nền tảng kinh tế của Việt Nam tiếp tục duy trì mạnh mẽ. Việt Nam là một trong những nền kinh tế hoạt động tốt nhất thế giới trong giai đoạn dịch bệnh" và cho biết Standard Chartered vẫn theo dõi sát sao những ảnh hưởng của tình hình dịch Covid-19 đang diễn ra tại Việt Nam.

Một tổ chức khác cũng công bố điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam nhưng theo hướng tăng lên là Ngân hàng Phát triển châu Á ADB. 

Trước đó hồi tháng 12/2020, ngân hàng này đưa ra mức dự báo 6,1%, và đến đầu tháng 5 tăng lên 6,7%. Thời điểm đó mới bắt đầu đợt dịch Covid-19 thứ 4 và Việt Nam mới ghi nhận một vài ca nhiễm cộng đồng.

ADB cho rằng "đà tăng trưởng tiếp tục mạnh và ổn định nhờ thành công của Việt Nam trong kiểm soát đại dịch". 

Về rủi ro, ADB nhận định dịch bùng phát do sự xuất hiện của các biến thể và việc chậm trễ trong kế hoạch tiêm chủng vắc xin Covid-19 là những khó khăn Việt Nam phải đối mặt.

Ngoài ra, báo cáo cho rằng việc thế giới chậm trễ triển khai tiêm vắc xin cũng có thể ảnh hưởng tức thì đến việc quay lại quỹ đạo tăng trưởng cao trước đại dịch của Việt Nam.

chọn
Đất Vũng Tàu: Nhiều người hỏi, ít người chốt
Tháng vừa qua, thị trường Bà Rịa - Vũng Tàu đã đón nhiều nhà đầu tư đi tìm hiểu và khảo sát đất nền, căn hộ. Dù vậy, phần lớn chỉ dừng lại ở mức xem xét, hỏi thăm thông tin và ký gửi sản phẩm sang nhượng, số lượng giao dịch chốt thành công còn khiêm tốn.