Khoan giếng, khai thác nước ngầm ở Cần Thơ. (Ảnh: Công Hân)
UBND TP HCM vừa có kiến nghị Bộ TN-MT ngưng cấp phép khai thác, sử dụng nước ngầm trên toàn TP HCM. Đồng thời, giao Sở TN-MT có trách nhiệm lập kế hoạch thực hiện giảm khai thác sử dụng nước dưới đất (nước ngầm - NV), tiến đến ngừng khai thác sử dụng nước ngầm theo lộ trình, đồng thời đảm bảo nguồn cung cấp nước sạch đáp ứng yêu cầu sử dụng để thay thế.
Từ cuối tháng 3/2018, Phó chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến đã ký ban hành kế hoạch giảm khai thác nước ngầm và trám lấp giếng khai thác nước ngầm trên địa bàn. Mục tiêu đến cuối năm 2018 khai thác nước ngầm còn 487.000 m3/ngày đêm, cuối năm 2019 còn 310.000 m3… và đến năm 2025 chỉ còn 100.00 m3/ngày đêm. Để đạt mục tiêu này, TP đã triển khai cấp nước sạch cho 100% người dân tại tất cả các quận, huyện. Thế nhưng, việc giảm khai thác nước ngầm trên địa bàn TP HCM vẫn hết sức chậm chạp.
Theo số liệu từ Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (SAWACO), trên địa bàn TP HCM có khoảng 1,46 triệu đồng hồ nước nhưng hiện còn khoảng 124.500 chiếc có chỉ số tiêu thụ là 0 m3 - tức không sử dụng. Tương ứng, số liệu thống kê gần đây nhất về tình trạng sử dụng nước ngầm ở TP HCM là 716.581 m3/ngày
Khảo sát của Sở TN-MT TP HCM cho thấy, nhu cầu sử dụng nước ngầm không chỉ phổ biến ở khu vực ngoại thành mà trong nội thành, nhiều hộ gia đình cũng sử dụng nước ngầm từ hệ thống giếng khoan. Ðáng lưu ý, nhiều nơi dù đã phủ kín hệ thống nước máy nhưng không ít hộ dân vẫn sử dụng nước ngầm trong sinh hoạt hằng ngày.
Tại xã Xuân Thới Thượng, H.Hóc Môn, mặc dù nguồn nước máy của Công ty cấp nước Trung An kéo về đây đã gần hai năm nhưng nhiều hộ dân vẫn duy trì hệ thống giếng khoan để lấy nước sử dụng trong sinh hoạt. Q.Bình Thạnh vẫn còn 33 tổ chức, 273 hộ dân sử dụng nước ngầm với tổng lượng khai thác khoảng 367 m3/ngày/đêm.
Theo số liệu từ Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (SAWACO), trên địa bàn TP HCM có khoảng 1,46 triệu đồng hồ nước nhưng hiện còn khoảng 124.500 chiếc có chỉ số tiêu thụ là 0 m3 - tức không sử dụng. Tương ứng, số liệu thống kê gần đây nhất về tình trạng sử dụng nước ngầm ở TP HCM là 716.581 m3/ngày.
Người dân ở xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh, TP HCM sử dụng nước giếng khoan. (Ảnh: Trương Thuận)
Không chỉ riêng TP HCM, ĐBSCL cũng là vùng đang phải gánh chịu nhiều hậu quả nghiêm trọng do tình trạng khai thác nước ngầm tràn lan, vô tội vạ. Số liệu tại hội thảo “Động thái tài nguyên nước dưới đất và xâm nhập mặn trong điều kiện sụt lún ĐBSCL” do ĐH Cần Thơ và ĐH Utrecht của Hà Lan tổ chức tại Cần Thơ mới đây cho thấy, trong 25 năm qua, lượng nước khai thác tăng lên 500%, trong khi lượng nước để bù đắp không theo kịp mức độ khai thác.
Chỉ riêng Sóc Trăng, từ năm 2007 đến nay, tình trạng khai thác quá mức đã khiến mực nước ngầm hạ thấp theo từng năm. Hiện toàn tỉnh Sóc Trăng có hơn 107.000 giếng khoan và giếng đào phục vụ nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản cho gần 182.000 hộ dân. Tổng lượng nước ngầm khai thác tại các giếng đơn lẻ của người dân trên địa bàn toàn tỉnh hơn 243.000 m3/ngày đêm.
Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh văn phòng Công tác biến đổi khí hậu TP.Cần Thơ, lí giải nguyên nhân khiến nhà nhà đua nhau đào giếng, hút nước ngầm là do sự tiện lợi và giá rẻ. Chỉ cần đầu tư vài triệu đồng là có được nguồn nước sạch “vô tận” miễn phí tại chỗ. Ở những vùng ven biển của ĐBSCL như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, nước ngầm còn để pha nước mặn nuôi tôm. Thế nên nhà nhà, người người khai thác nước ngầm. Lí do thứ hai đó là nguồn nước mặt ở nông thôn bị ô nhiễm, không thể sử dụng được. Thế nên nhà nhà đều phải khoan giếng lấy nước ngầm xài.
Việc khai thác nước ngầm quá mức được nhận định là một trong những nguyên nhân trực tiếp góp phần gây hiện tượng sụt lún, “biến dạng” mặt đất, khiến ngập úng ngày càng trầm trọng và khó khắc phục hơn. Tình trạng này đã được các nhà khoa học chỉ ra từ cách đây hơn 10 năm, thời điểm mà lượng nước ngầm khai thác ở TP HCM lên đến khoảng 1 triệu mét khối mỗi ngày.
TS Dương Văn Ni, Trường ĐH Cần Thơ khuyến nghị: "Cấm khai thác nước ngầm cần phải xem xét thấu đáo mục đích sử dụng nước ngầm. Trước tiên cần xem nước ngầm là nguồn dự trữ quý và xem xét từng mục đích sử dụng. Ví dụ một vùng nào đó không có nước máy, nước mặt ô nhiễm thì việc sử dụng là cần thiết không nên cấm và có cấm cũng khó vì người dân có quyền tiếp cận nguồn nước. Tuy nhiên trường hợp bơm nước ngầm để sản xuất, nuôi tôm, làm lúa, đóng chai bán thì nên cấm".
Kết quả đo đạc của Bộ TN-MT tại 347 mốc từ năm 2005 - 2017 cho thấy TP HCM đang lún biến đổi từ 1,1 - 81,4 cm, trung bình 23,27 cm, tốc độ lún từ 0,09 - 6,78 cm/năm (trung bình 1,99 cm/năm). Lún nặng nhất là P.An Lạc, Q.Bình Tân với 81,4 cm. Nghiên cứu của Tập đoàn CLS (Pháp) thực hiện từ năm 2015 - 2017 cũng cho thấy việc lún bề mặt đất trên địa bàn TP hiện không có dấu hiệu dừng lại.
Thậm chí tốc độ lún còn tiếp tục tăng nhanh theo từng năm. Tùy theo khu vực mà tốc độ lún bề mặt đất dao động 0,04 - 6,87 cm/năm, trung bình lún là 1,11 cm/năm. Trong nghiên cứu của mình, TS Tạ Thị Thoảng, Trường ĐH Tài nguyên - Môi trường Hà Nội, chỉ ra rằng khai thác nước ngầm là nguyên nhân chính khiến đất nền TP HCM ngày càng lún sâu. Nếu duy trì khai thác nước ngầm như giai đoạn 1999 - 2009 thì lún do khai thác nước ngầm cộng dồn lớn nhất cho các năm 2020, 2040 và 2100 ở khu vực trung tâm lần lượt là con số “khủng khiếp”: 63,8 cm, 85,2 cm và 97,6 cm.
ĐBSCL cũng sụt, lún nghiêm trọng. Ông Đỗ Đức Dũng, Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam thông tin, tốc độ sụt lún ở ĐBSCL từ 2 - 4 cm mỗi năm và quá trình này sẽ diễn ra nhanh hơn. Theo dự báo, đến 2050, khoảng 60% diện tích của bán đảo Cà Mau sẽ thấp hơn mực nước biển và nguyên nhân chính là do khai thác nước ngầm, gây ra ngập úng, xâm nhập mặn, suy thoái đất.
Cũng tại Cà Mau, theo kết quả nghiên cứu về sự sụt lún đất của Viện Địa kỹ thuật Na Uy, từ năm 2004 đến nay, việc khai thác nước ngầm phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của người dân quá mức khiến cho mức độ sụt lún đất mỗi năm dao động từ 1,9 - 2,8 cm. Nếu tình trạng khai thác nước ngầm vẫn còn tiếp tục gia tăng như hiện nay, thì trong 25 năm tới, con số này được dự báo sẽ lên đến 90 cm/năm.
Không chỉ sụt lún, chất lượng nguồn nước tại TP HCM cũng đang trong tình trạng báo động vì nhiễm bẩn từ khai thác nước ngầm. Trung tâm y tế dự phòng TP HCM qua thực hiện giám sát chất lượng các nguồn nước ăn uống, sinh hoạt trên địa bàn TP HCM ghi nhận nhiều mẫu nước không đạt chất lượng, đa số rơi vào nhóm nước giếng do hộ dân tự khai thác.
Tại xã An Thái A, H.An Biên, Kiên Giang, nơi có hơn 1.800 cây giếng khoan lấy nước ngầm sinh hoạt nhưng đều nhiễm phèn, nhiễm mặn không thể sử dụng.
Trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo UBND TP HCM thừa nhận hiện nay tình trạng người dân tự ý khai thác nước ngầm, đào giếng khoan vẫn còn nhiều, chưa kiểm soát được. “Muốn cấm thì phải có chế tài cụ thể, thậm chí xử lí hình sự chứ phạt tiền thôi cũng không ăn thua. Cứ sợ đụng chạm đến dân nghèo nhưng thực chất khai thác nước ngầm tràn lan, người nghèo mới là chịu hậu quả nặng nề nhất. Không chỉ TP HCM mà trên cả nước, cần có chính sách cấm khai thác nước ngầm từ Chính phủ, áp dụng rộng rãi với cả nước để giải quyết triệt để tình trạng này” - vị này đề xuất.
Về mặt kinh tế, TS Lê Việt Phú (ĐH Fulbright) chỉ ra rằng giá trị nước ngầm phục vụ tưới tiêu ở VN ước tính ra mỗi héc ta khoảng 6,32 triệu đồng/năm, tương đương 1/3 thu nhập ròng trên mỗi héc ta đất nông nghiệp, rất lớn. Đây là nguồn tài nguyên giá trị và cần phải có các biện pháp quản lí, hạn chế sử dụng quá mức. Giải pháp tốt nhất là thu phí sử dụng nước ngầm.
“Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể cấm khai thác nước ngầm bằng nhiều chính sách, cũng giống như bắt đội mũ bảo hiểm. Vấn đề chỉ là có giải pháp thay thế như xây dựng đường ống nước sinh hoạt. Còn lại là giáo dục và ý thức cho người dân biết tác hại, đồng thời giám sát chặt, phạt tiền hay phạt tù với khai thác trái phép”, TS Lê Việt Phú đề xuất.