Sau ba nhà máy tại Bình Dương, Chu Lai, Hà Nam, mới đây, Tân Hiệp Phát đã đưa vào vận hành nhà máy thứ tư tại Khu công nghiệp Sông Hậu (tỉnh Hậu Giang). Theo đại diện doanh nghiệp, nhà máy mới trải rộng trên diện tích 40ha, với tổng vốn đầu tư dự kiến 4.000 tỉ đồng. Ông Trần Quí Thanh, Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát cho biết đây là nhà máy có qui mô lớn nhất khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Hiện Tân Hiệp Phát đã đưa vào vận hành nhà máy sản xuất nước giải khát ở giai đoạn 1. Tổng số vốn doanh nghiệp rót vào đầu tư ở giai đoạn này là 1.800 tỉ đồng. Trong lễ khánh thành ngày 14/3, hàng trăm khách mời đã vào tận bên trong nhà máy để tìm hiểu qui trình sản xuất của "ông lớn" trong ngành nước giải khát có nguyên liệu từ trà và có lợi cho sức khỏe này.
Phía Tân Hiệp Phát cho hay nhà máy được thiết kế hiện đại, khép kín với đầy đủ hạng mục như hạ tầng kĩ thuật, nhà xưởng sản xuất, phòng kiểm tra chất lượng, hệ thống kho nguyên liệu, kho thành phẩm…
Theo ông Trần Quí Thanh, toàn bộ dây chuyền sản xuất nước giải khát được hãng đầu tư bằng công nghệ chiết rót vô trùng Aseptic. Đây là công nghệ khép kín do Tập đoàn GEA Procomac (Italy) phát triển. Ở nhà máy mới Hậu Giang, Tân Hiệp Phát đã đầu tư phiên bản mới nhất trong dây chuyền sản xuất của GEA. Đồng thời, công nghệ Aseptic này đã được áp dụng tại các nhà máy mới của hãng.
Nguyên liệu trước khi đưa vào trích li dưỡng chất sẽ được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng. Nước sử dụng trong trích li phải đạt tiêu chuẩn của Bộ Y Tế. Quá trình trích li được kiểm soát nghiêm ngặt về nhiệt độ, thời gian nhằm tối ưu hóa toàn bộ các dưỡng chất có lợi cho sức khỏe.
Hệ thống hoàn toàn tự động và khép kín từ khâu thổi chai, chiết rót, đóng nắp, dán nhãn đến đóng thùng.
Bà Trần Uyên Phương từng cho biết để tiết kiệm chi phí, Tân Hiệp Phát hiện đã đầu tư đầy đủ máy móc để làm ra những sản phẩm của Tập đoàn. Theo đó, toàn bộ phôi làm chai và nắp được sản xuất tại nhà máy từ những hạt nhựa nguyên gốc nhập khẩu. Chúng được đưa vào máy làm nóng ở 280 độ C nhằm loại bỏ hoàn toàn các nguy cơ về vi sinh vật và tạo hình bằng máy tạo phôi, tạo nắp của châu Âu.
Khi vào máy chiết, chai được dốc ngược và cùng với nắp được tiệt trùng ở nhiệt độ 65 độ C. Sau khi tiệt trùng, chai và nắp được chạy qua thiết bị súc rửa tự động hoàn toàn bằng nước vô trùng (nước được tiệt trùng ở nhiệt độ 135 độ C trong 60 giây).
Toàn bộ hệ thống khép kín được vận hành bởi kĩ thuật viên.
Sau khi chiết rót, đóng nắp, sản phẩm sẽ đi qua hệ thống camera điện tử để nhận diện và loại bỏ những chai lỗi cong vênh trong quá trình đóng nắp.
Cuối cùng là công đoạn dãn nhãn và đóng gói sản phẩm tự động.
Hiện ở giai đoạn 1, nhà máy Hậu Giang này có công suất 300 triệu lit/năm. Dự kiến, khi chính thức hoàn thiện, nhà máy có công suất tối đa đến 1 tỉ lit/năm.
Dù dây chuyền sản xuất tự động và hoàn toàn khép kín nhưng các kĩ thuật viên vẫn phải kiểm tra thường xuyên để đảm bảo chất lượng của mỗi chai luôn đồng nhất.
Ngoài phục vụ thị trường hơn 90 triệu dân trong nước, hiện những sản phẩm nước uống đóng chai của Tân Hiệp Phát đã vào được những thị trường khó tính như Canada, Hà Lan, Australia, Hàn Quốc, Singapore...
Nhà máy này đang tiếp tục hoàn thiện các giai đoạn 2 và giai đoạn 3 với tổng vốn đầu tư khoảng 2.200 tỉ đồng. Dự kiến, nhà máy Hậu Giang này sẽ chính thức hoàn tất các hạng mục vào năm 2025.
Theo ông Trần Quí Thanh, nhờ việc áp dụng công nghệ hiện đại, đảm bảo chất lượng mà các sản phẩm của hãng đã chinh phục được Cục quản lí Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kì, chứng nhận Halal dành cho các quốc gia Hồi giáo, tạo điều kiện tiến vào các thị trường này. Ông cũng đặt mục tiêu đạt doanh thu 1 tỉ USD vào năm 2023.