Với vốn đầu tư 4.000 tỉ đồng, sáng nay, Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã làm lễ khánh thành và đưa vào hoạt động giai đoạn 1 nhà máy sản xuất nước giải khát thứ tư tại Khu công nghiệp Sông Hậu (thuộc tỉnh Hậu Giang).
Đại diện Tân Hiệp Phát cho biết nhà máy mới có tổng vốn đầu tư 4.000 tỉ đồng, trải rộng trên diện tích 40ha. Với qui mô trên, đây sẽ là nhà máy nước giải khát lớn hàng đầu khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Nhà máy thứ tư của Tân Hiệp Phát tại tỉnh Hậu Giang được đầu tư 4.000 tỉ đồng.
Ở giai đoạn 1 của dự án, Tân Hiệp Phát đã rót 1.800 tỉ đồng để đầu tư, công suất nhà máy hiện vận hành đạt 300 triệu lit/năm.
Giai đoạn 2 dự kiến chính thức vận hành năm 2023 với mức đầu tư thêm 1.100 tỉ đồng. Đến năm 2025, nhà máy chính thức hoàn thiện khi Tân Hiệp Phát đầu tư thêm 1.100 tỉ đồng. Công suất nhà máy Hậu Giang sẽ đạt công suất tối đa 1 tỉ lit/năm.
Đồng thời, nhà máy này cũng được thiết kế hiện đại, khép kín với đầy đủ hạng mục như hạ tầng kĩ thuật, nhà xưởng sản xuất, phòng kiểm tra chất lượng, hệ thống kho nguyên liệu, kho thành phẩm…
Phía Tân Hiệp Phát cho hay hãng đã đầu tư toàn bộ hệ thống sản xuất bằng công nghệ khép kín vô trùng Aseptic do Tập đoàn GEA Procomac (Italy) phát triển để tạo ra những sản phẩm nước giải khát đang cung cấp ra thị trường.
Công nghệ này được biết đến bởi tính vô trùng tuyệt đối trong sản xuất các sản phẩm và được doanh nghiệp này ứng dụng nhiều năm nay tại 3 nhà máy khác đang sở hữu tại Bình Dương, Hà Nam và Chu Lai.
Ông Trần Quí Thanh và lãnh đạo tỉnh Hậu Giang tham quan nhà máy mới.
Đại diện doanh nghiệp cho hay nhờ công nghệ Aseptic mà chất lượng các sản phẩm nước giải khát của hãng được Cục Quản lí Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kì cấp chứng nhận FDA và chứng nhận Halal.
Ông Kim Hendriksen, đại diện Tập đoàn GEA cho hay nhà máy này phức tạp nhưng có tính chính xác tuyệt đối từ lên kế hoạch, thiết kế, chạy thử hiệu chỉnh và nghiệm thu…
Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát - ông Trần Quí Thanh, cho biết chọn Hậu Giang để xây dựng nhà máy tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long bởi nơi đây thuận tiện giao thương đường bộ với quốc lộ 1A, đường thủy qua cảng nước sâu Hậu Giang và đường hàng không qua sân bay quốc tế Cần Thơ.
Đồng thời, khu vực này giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu tự nhiên phong phú của miền Tây. Điều này vừa giúp bao tiêu nguyên liệu nông nghiệp cho bà con nông dân trong vùng, thúc đẩy kinh tế khu vực phát triển.
Cụ thể, trong giai đoạn 1, nhà máy này sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 300 lao động tại địa phương. Dự kiến, đến khi công trình hoàn tất sẽ sử dụng đến hàng nghìn lao động tại tỉnh Hậu Giang và khu vực lân cận.
"Việc đảm bảo chất lượng chuẩn quốc tế giúp các sản phẩm của Tân Hiệp Phát vượt qua nhiều rào cản về kĩ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, xuất xứ hàng hóa khắt khe nhất để tiến vào thị trường toàn cầu. Muốn cạnh tranh và vượt lên những người khổng lồ quốc tế, công nghệ và chất lượng sản phẩm của bạn phải cao hơn so với họ", ông Trần Quí Thanh khẳng định.