Cần có trung tâm logistics trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây

Sau gần 25 năm hình thành, các địa phương trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC) vẫn chưa thực sự được các quốc gia tập trung, quan tâm đầu tư đúng mức để trở thành một hành lang kinh tế xuyên biên giới thực sự.

Diễn đàn "Phát triển dịch vụ logistics trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây" - Ảnh: VGP/Minh Trang

Đó là vấn đề đưa ra tại diễn đàn "Phát triển dịch vụ logistics trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây" do UBND TP. Đà Nẵng tổ chức vào sáng 4/8 với sự tham dự của Tham tán thương mại CHDCND Lào tại Việt Nam, đại diện Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải và lãnh đạo các tỉnh miền Trung trên tuyến EWEC.

Tuyến EWEC chưa được đầu tư đúng mức

Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Trần Phước Sơn cho biết, hành lang kinh tế Đông Tây là một chương trình phát triển kinh tế được khởi xướng tại Hội nghị Bộ trưởng Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 8 năm 1998 để tạo điều kiện phát triển kinh tế và hội nhập cho các nước trên hành lang.

"Tuy nhiên, đến nay, sau gần 25 năm hình thành, các địa phương trên hành lang vẫn chưa thực sự được các quốc gia tập trung, quan tâm đầu tư đúng mức để trở thành một hành lang kinh tế xuyên biên giới thực sự; hạ tầng giao thông kết nối cũng như hạ tầng công nghiệp, thương mại, dịch vụ còn chậm phát triển, quy mô thị trường sản xuất, tiêu dùng hàng hóa còn nhỏ dẫn đến dịch vụ logistics trên hành lang chưa thật sự phát triển", ông Trần Phước Sơn nêu hạn chế.

"Do đó, việc quan tâm chú trọng đầu tư phát triển kinh tế, thúc đẩy hoạt động thương mại xuyên biên giới tại các địa phương trên tuyến là rất cần thiết để EWEC thực sự là hành lang kinh tế với sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ logistics", ông Sơn nhấn mạnh.

Ông Sơn cũng cho biết, TP. Đà Nẵng cũng như 5 tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cùng với chính quyền các tỉnh của nước bạn Lào, Thái Lan, Myanmar trong thời gian vừa qua đã có những chương trình, hành động cụ thể nhằm đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics như xây dựng và triển khai các quy hoạch trung tâm logistics, kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ logistics, các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ dịch vụ logistics.

Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị cũng đã đề ra mục tiêu TP. Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á, là trung tâm kinh tế biển, hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung với vai trò trung tâm của Đà Nẵng.

"Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế khiến dịch vụ logistics trên địa bàn Đà Nẵng nói riêng cũng như các tỉnh, thành phố trong khu vực nói chung chưa có sự phát triển mạnh mẽ như: Kết cấu hạ tầng giao thông kết nối chưa đồng bộ, quy mô thị trường còn nhỏ, hàng hóa chưa nhiều, nhu cầu dịch vụ logistics tăng trưởng chậm, thiếu các doanh nghiệp quy mô lớn dẫn dắt thị trường; chất lượng nguồn nhân lực chưa bảo đảm, thiếu sự liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp...", ông Sơn cho hay.

Diễn đàn "Phát triển dịch vụ logistics trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây" - Ảnh: VGP/Minh Trang

Thành lập trung tâm logistics của các địa phương trên tuyến EWEC

Đà Nẵng thúc đẩy các dự án logistics trọng điểm

Chia sẻ ý kiến về phát triển dịch vụ logistics trên tuyến EWEC, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nhấn mạnh Đà Nẵng cần phát huy vai trò đầu tàu, trọng điểm trong phát triển logistics trên tuyến EWEC.

Theo ông Hải, Thành phố cần khẩn trương hoàn thiện và trình phê duyệt "Quy hoạch TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050", trong đó cần tích hợp quy hoạch phát triển hệ thống logistics, dành quỹ đất để phát triển cơ sở hạ tầng và trung tâm logistics. Tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình kết cầu hạ tầng trọng điểm như: Quy hoạch, tái thiết các khu đô thị xung quanh cảng biển, ga hàng hóa Kim Liên và Khu công nghiệp Liên Chiểu, xây dựng mới cảng Liên Chiểu, di dời ga đường sắt, nâng cấp quốc lộ 14B, 14G...

"Bên cạnh đó, Đà Nẵng cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp dịch vụ logistics ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động, hỗ trợ xúc tiến thương mại, kêu gọi đầu tư các trung tâm logistics công nghệ cao, trung tâm logistics thông minh, xanh, hiện đại, đóng vai trò kết nối, thúc đẩy hàng hóa trong khu vực", ông Hải nói.

Ông Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đề xuất các địa phương trên EWEC phía Việt Nam cần tiến hành rà soát kỹ để bổ sung các dự án logistics trọng điểm vào quy hoạch về logistics để tích hợp vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và quy hoạch vùng, quốc gia nếu có điều chỉnh.

Hoàn thiện các cơ chế quản lý Nhà nước ở địa phương, bao gồm: Các chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics, chính sách đầu tư, cải cách hành chính, cơ chế phối hợp quản lý của các sở, ban, ngành trong chuỗi dịch vụ logistics bảo đảm phù hợp với trình độ phát triển của dịch vụ logistics trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

"Hiện nay, tại các địa phương trên EWEC về phía Việt Nam chưa có trung tâm logistics. Cần thiết lập một trung tâm chuẩn hoá dịch vụ logistics - bao gồm các dịch vụ như theo dõi, giám sát hàng gửi; xử lý thủ tục hải quan hiệu quả và phi giấy tờ. Trung tâm logistics này sẽ kết nối đầy đủ với kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, đặc biệt là đường bộ và đường sắt; tiếp cận tốt tới các cảng biển chính, cảng hàng không, ga đường sắt chính; tập trung khách hàng muốn thuê dịch vụ logistics từ 3PLs; thu hút lượng hàng container xuất và nhập cao", ông Tiến đề xuất ý kiến.     

chọn
BĐS Hồ Gươm đang tiến vào khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 sau thương vụ 45 tỷ đồng
Sau khi cổ phần hóa, Viwaseen cùng đối tác DAF đã nhượng lại quyền phát triển khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 Hà Nội cho Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hồ Gươm với khoản tiền 45 tỷ đồng.