Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dài gần 111 km, mặt cắt ngang 17 m (trong đó đoạn Cần Thơ - Hậu Giang gần 38 km; Hậu Giang - Cà Mau hơn 73 km), đi qua TP Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.
Công trình có tổng mức đầu tư hơn 27.500 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (thuộc Bộ Giao thông Vận tải) làm chủ đầu tư.
Trong ảnh là điểm đầu dự án tại nút giao IC2, kết nối vào quốc lộ 91 - Nam Sông Hậu, quận Cái Răng, TP Cần Thơ, đầu năm 2025.
Cao tốc có đoạn tuyến chính qua TP Cần Thơ là 0,6 km; tổng chiều dài tuyến nối 9,2 km. Trong đó, đoạn tuyến nối từ quốc lộ Nam Sông Hậu đến nút giao IC2 dài 2,2 km; đoạn từ nút giao IC2 đến quốc lộ 1A dài 7 km.
Nút giao IC3 của cao tốc Cần Thơ - Cà Mau với quốc lộ 1 và quốc lộ 61 C nối Cần Thơ - Vị Thanh (Hậu Giang).
Tại vị trí này, có đoạn chồng lên bãi rác số 8 đã đóng cửa hơn 20 năm. TP Cần Thơ tổ chức đào sâu 7-8 m với chiều dài khoảng 145 m, rộng 46 m để lấy hết 160.000 tấn rác và bàn giao mặt bằng thi công tuyến nối cao tốc.
Đoạn cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang dài gần 38 km, vốn đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng; đến nay đạt trên 64% tiến độ.
Trong ảnh là công trường thi công tại nút giao IC5 giữa cao tốc Cần Thơ - Cà Mau với quốc lộ 61 qua huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang.
“Đơn vị thi công 20 km đường cao tốc với 20 cây cầu. Hiện, 18 cây cầu đã hoàn thành việc lắp dầm, chậm nhất là cuối tháng 3 sẽ hoàn thành tất cả các cây cầu", ông Nguyễn Thành Vinh, Phó giám đốc điều hành Ban Trường Sơn Nam (Tổng công ty Trường Sơn) nói và cho biết có 4 vị trí cầu làm xuyên Tết với số lượng công nhân, kỹ sư khoảng 150 người.
Công nhân thi công lu nền đường đoạn cao tốc qua huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang.
Công nhân thi công cầu tại khu vực nút giao IC4 cao tốc Cần Thơ - Cà Mau với quốc lộ 61, đoạn qua xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp.
Để đẩy nhanh tiến độ, những ngày cận Tết Nguyên đán, nhà thầu thi công nền đường cả vào ban đêm tại công trường nút giao IC4.
Đến nay, đơn vị thi công đã thảm bêtông nhựa được 500 m đầu tiên của cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Công trình cần 18 triệu m3 cát đắp nền tuy nhiên nguồn cát sông khan hiếm, khiến công trình chậm tiến độ. Từ cuối tháng 6/2024 đến nay, cát biển được dùng đắp nền tuyến cao tốc này, đã giải quyết cơ bản tình trạng thiếu vật liệu đắp nền công trình này.
Trong ảnh là cát biển được sử dụng đắp nền cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Cát biển được khai thác ngoài khơi tỉnh Sóc Trăng, qua nhiều lần rửa ngọt, kiểm tra độ mặn nghiêm ngặt rồi vượt 160 km về công trường.
Đoạn cao tốc Hậu Giang - Cà Mau dài hơn 73 km, vốn đầu tư 17.000 tỷ đồng; đến nay hoàn thành trên 55%.
Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư), cho biết để đảm bảo tiến độ hoàn thành, đưa công trình vào sử dụng , đa số các Nhà thầu tổ chức thi công xuyên Tết trên công trường cao tốc.
“Các nhà thầu tổ chức 234 mũi thi công và 2.881 nhân sự (chỉ huy trưởng, kỹ sư, cán bộ, công nhân) cùng 926 thiết bị máy móc thi suốt các ngày Tết 2025 trên công trường này”, ông Thi nói và cho biết các hạng mục triển khai thi công chủ yếu là: lu lèn nền đường, đắp gia tải, đắp lề, bờ bao, đóng cọc, gác dầm, đổ bêtông bản mặt cầu...
Hướng tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Đồ họa: Mạnh Cường