Những ngày giáp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, chúng tôi đã đến Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội (Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội) để ghi nhận về quy trình mỗi khi tổng đài nhận được tin báo cấp cứu từ người dân.
Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội thường tiếp nhận từ 800-900 cuộc gọi cấp cứu mỗi ngày (Ảnh Công Phương). |
Bước vào trung tâm, chúng tôi được tiếp cận ngay với bộ phận điều hành cấp cứu. Tại đây, trung tâm bố trí 02 nhân sự trực tổng đài với 4 máy điện thoại nhận và 2 máy gọi đi các chi nhánh.
Chia sẻ với chúng tôi, cán bộ trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội cho biết, mỗi khi có người gọi điện đến trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội, nhân viên tổng đài sẽ nhận điện thoại, hỏi về tình trạng bệnh nhân, địa điểm và số điện thoại của người báo tin. Đồng thời, nhân viên tổng đài sẽ khuyên người nhà, người đi đường,... xử trí các bước cần thiết (nếu có).
Mỗi khi điện thoại 115 có chuông, thường xuyên có 2 nhân viên trực tổng đài nghe máy (Ảnh Công Phương). |
Sau khi tiếp nhận thông tin từ người dân về tình trạng người dân cần cấp cứu, nhân viên trực tổng đài sẽ xem vị trí người bị thương đó ở khu vực nào, gần với chi nhánh cấp cứu này nhất thì sẽ gọi điện trực tiếp cho chi nhánh đó điều xe đến hiện trường nhanh nhất.
Đối với người bệnh ở gần Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội, sau khi nhân viên tổng đài tiếp nhận thông tin và ghi vào sổ thì sẽ bấm chuông báo để lái xe và bác sĩ lên xe đến hiện trường nhanh nhất cứu nạn nhân.
Tại trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội có 4 máy điện thoại nghe người dân gọi đến và 2 máy điện thoại để nhân viên trung tâm gọi đi đến các chi nhánh để điều xe đến cứu người bệnh nhanh nhất (Ảnh Công Phương). |
“Để đến cứu người bệnh nhanh nhất, lái xe thường phải tìm cung đường gần nhất, thoáng nhất để đến địa điểm người bệnh. Khi tiếp cận người bệnh rồi, bác sĩ của trung tâm sẽ sơ cứu, xử trí ổn định cho bệnh nhân sau đó tùy vào tình trạng bệnh nhân sẽ đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất để điều trị”, cán bộ trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội nói.
Theo vị cán bộ trung tâm cấp cứu, điều khó khăn nhất của trung tâm trong quá trình cứu bệnh nhân là xe cứu thương gặp phải cảnh tắc đường, người nhà bệnh nhân thì mong bác sĩ đến nhanh nhất nhưng việc tắc đường khiến bác sĩ không đến nhanh được.
Các xe cứu thương đi cấp cứu bệnh nhân đều gắn định vị và hiển thị cung đường di chuyển trên bản đồ để nhân viên trực tổng đài biết được (Ảnh Công Phương). |
“Mỗi ngày, tổng đài cấp cứu 115 Hà Nội nhận được khoảng 800 – 900 cuộc gọi điện đến tổng đài nhưng chỉ có gần 200 cuộc báo tin người bệnh chính xác. Chúng tôi nhận được cuộc gọi trêu đùa, nói chuyện dài hàng tiếng đồng hồ hàng ngày. Mỗi lần như vậy, chúng tôi thường ngắt máy đi nhưng lúc sau họ lại gọi lại, chúng tôi dường như bất lực trước một vài trường hợp đó”, vị cán bộ trung tâm chia sẻ.
Một nữ bác sỹ gắn bó với trung tâm 15 năm qua cho hay, với những ca cấp cứu đặc thù ở vị trí như nghĩa trang, trong hẻm nhỏ, ở vị trí nhạy cảm đường vắng, các bác sĩ nữ đều phải nín thở, vượt qua nỗi sợ hãi để tiếp cận bệnh nhân một cách nhanh chóng.
Khi có ca cấp cứu gần trung tâm, nhân viên trực tổng đài sẽ bấm vào chuông để bác sĩ và lái xe của trung tâm lên xe đến địa điểm cứu người bệnh nhanh nhất (Ảnh Công Phương). |
Bên cạnh đó, khi cấp cứu cho người bệnh tại các công trình bị sập, cháy nổ, mưa lũ…vô cùng nguy hiểm. Lúc ấy, chỉ nhiệt huyết, bản lĩnh, tâm nghề mới giúp họ vượt qua khó khăn, sợ hãi, nguy hiểm để hoàn thành công việc đảm bảo tin yêu cho người nhà bệnh nhân.
Công việc cứu người của các bác sĩ tại trung tâm cấp cứu 115, nhìn thì tưởng rất đơn giản nhưng vô cùng căng thẳng, áp lực với hàng núi công việc và sự việc phát sinh, không phải ai cũng hiểu hết.
Trung tâm thường xuyên nhận được các cuộc điện thoại đến nói chuyện và kéo dài vài giờ không chịu tắt. Mỗi khi nhân viên tổng đài bấm máy bận thì số điện thoại trên gọi lại ngay để trò chuyện (Ảnh Công Phương). |
Người phụ nữ luống tuổi chia sẻ: “Tết nhất người ta được nghỉ, còn bác sĩ trung tâm vẫn đi làm vất vả. Ai cũng mong đến ngày Tết được nghỉ để mua sắm, chuẩn bị đón Tết, còn chúng tôi vẫn âm thầm với công việc của mình”.
Bác sĩ Nguyễn Đức Phú, người có nhiều năm cấp cứu người bệnh kể lại, với bác sĩ trung tâm cấp cứu 115, luôn phải đi trước, đón đầu và lặng thầm trước những nguy hiểm, đau đớn của bệnh nhân và thậm chí rớt nước mắt, hay nở nụ cười tươi sau mỗi ca cấp cứu kịp thời đưa bệnh nhân từ cõi tử trở về.
Một ca cấp cứu một bệnh nhân tại phố Khâm Thiên (Hà Nội), bác sĩ rất khẩn trương sơ cứu người bệnh bị tai biến và đưa lên cáng chuyển về bệnh viện Bạch Mai nhanh nhất (Ảnh Công Phương). |
“Những hôm ngồi trên xe đi làm vào ngày lễ, Tết thấy người dân đưa vợ con đi chơi, mua sắm tay trong tay lòng tôi cũng nao nao, cảm xúc đan xen, nhưng vì công việc, tôi đành kìm nén cảm xúc để hoàn thành tốt công việc. Chúng tôi may mắn ở phía sau luôn có gia đình sẻ chia với công việc của mình”, bác sĩ Phú chia sẻ.
4 tháng sau vụ sạt lở đất kinh hoàng ở Hòa Bình, nhiều người vẫn ám ảnh không dám về nhà đón Tết
Bốn tháng sau vụ sạt lở đất kinh hoàng ở xóm Khanh (Tân Lạc, Hòa Bình) khiến 18 người bị vùi lấp, người dân nơi ... |