Kinh phí và bảo mật thông tin cá nhân là vấn đề quan trọng trong "bài toán" trang bị smartphone cho lực lượng CSGT. |
Cấp smartphone cho CSGT Hà Nội trong năm 2017
Ngày 26/11, tại cuộc họp Ban chỉ đạo Ứng dụng CNTT, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo việc thí điểm phát hiện xe không chính chủ bằng thiết bị thông minh. Tức là khi CSGT làm nhiệm vụ sẽ được trang bị smartphone (điện thoại thông minh) hoặc máy tính bảng có kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư để tra cứu nhanh chủ sở hữu phương tiện.
Trao đổi với PV, bà Phan Lan Tú, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội cho biết đơn vị sẽ phối hợp với Công an TP xem xét và có kế hoạch triển khai cụ thể việc thí điểm trên trong năm 2017. Được biết, hiện đã có cơ sở dữ liệu của hơn 7 triệu dân và việc truy xuất dữ liệu sẽ giúp CSGT biết được thông tin về phương tiên như tên, địa chỉ chủ sở hữu phương tiện cũng như các thông số về biển số, số khung, số máy.
Theo Thiếu tá Vũ Văn Hoài, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra, khám nghiệm TNGT, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội, việc thí điểm trang bị thiết bị thông minh khi triển khai sẽ được họp báo, đánh giá và thông tin chi tiết.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc triển khai thiết bị thông minh cho lực lượng CSGT là khả thi. Tuy nhiên, vấn đề kinh phí cũng như bảo mật thông tin cá nhân của người dân đang còn cần phải xem xét thực tế là có lộ trình triển khai phù hợp.
“Công an là lực lượng thực thi nhiệm vụ còn vấn đề kinh phí cho việc trang bị thiết bị thông minh do thành phố quyết định”, Đại tá Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết.
Bảo mật dữ liệu cá nhân thế nào?
Thông tin cá nhân của người dân sẽ được bảo mật? |
Về vấn đề bảo mật thông tin cá nhân, ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng tất cả hệ dữ liệu liên quan đến thông tin của người dân sẽ phải được thiết kế nhằm đảm bảo tính bảo mật cao nhất, tốt nhất có thể trong điều kiện cho phép để thông tin đảm bảo chỉ được tiếp cận bởi lực lượng chức năng, đúng mục đích.
“Mức bảo mật cao nhất sẽ tránh tình trạng hacker can thiệp vào hệ dữ liệu thay đổi thông tin hoặc lấy thông tin. Tuy nhiên, việc bảo mật 100% thì trên thế giới cũng chưa đảm bảo được”, ông Minh nói.
Nhiều người lo lắng, khi trang bị thiết bị thông minh cho lực lượng CSGT khó tránh việc mất mát, thất lạc. Điều này có thể nguy hiểm nếu mật khẩu truy cập hệ dữ liệu của hàng triệu người dân còn lưu trên máy và bị kẻ xấu lợi dụng.
“Vấn đề bảo mật chắc chắn phải ưu tiên và có quy định riêng. Trường hợp mất mát thì có thể sẽ không truy cập được trừ trường hợp ghi mật khẩu, tài khoản ra ngoài vì cách thức sử dụng từng tài khoản sẽ có quy định”, Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) cho hay.
Ông Quân cũng cho rằng, việc sử dụng công nghệ thông tin mang lại thuận lợi cho công tác quản lý cũng như người dân thì nên ủng hộ nhưng phải đảm bảo bí mật đời tư, cá nhân, gia đình và xử lý khi có xâm phạm. Ngoài ra, đây là xu thế chung của thế giới còn việc kinh phí có thể tốn kém thì sẽ có lộ trình, đảm bảo khả năng ngân sách của nhà nước.
Bắt đầu từ 1/1/2017, CSGT sẽ xử phạt hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên đối với xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô. Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Mức phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức. CSGT sẽ không dừng xe để kiểm tra xe chính chủ, chủ xe không chính chủ chỉ bị phạt không sang tên đổi chủ trong quá trình giải quyết các lỗi vi phạm giao thông khi đang trong quá trình tham gia giao thông. |