‘Cát tặc’ lộng hành, sông Krông Ana bị 'rút ruột' từng ngày

Trong nhiều năm qua, sông Krông Ana (tỉnh Đắk Lắk) đoạn chảy qua xã Cư Kty bị khai thác cát, gỗ ồ ạt khiến nhiều diện tích đất nông nghiệp của người dân bị sạt lở nghiêm trọng.

Rút ruột một dòng sông

cat tac long hanh song krong ana bi rut ruot tung ngay
Nhiều tàu thuyền khai thác cát trên sông Krông Ana. Ảnh: Trang Anh.

Theo phản ánh của người dân sinh sống tại thôn 2, xã Cư Kty (huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk), từ nhiều năm nay việc khai thác cát diễn ra sông Krông Ana rất công khai. Tình trạng khai thác cát liên tục khiến đất của các hộ dân hai bên bờ bị sạt lở, gây thiệt hại nhiều diện tích hoa màu.

Ông Võ Văn Sơn, chủ nhiệm hợp tác xã Thanh Bình (xã Cư Kty) cho biết, tình trạng khai thác cát diễn ra rất phổ biến. Mỗi ngày có từ vài chục đến vài trăm lượt tàu thuyền hút cát trên sông.

“Hơn 10 năm trở lại đây, các tàu thuyền hút cát “vô tội vạ” dẫn đến chân bồi bị mất, đất sạt lỡ và ăn sâu vào đất trồng trọt của người dân. Có hộ dân bị mất vài sào, có hộ lại mất toàn bộ đất vì “cát tặc” lộng hành”, ông Sơn cho hay.

Cũng theo ông Sơn, do bờ kè bị ăn dần vào đất nên hàng năm hợp tác xã vẫn phối hợp với chính quyền địa phương cùng người dân sửa sang và làm lại đường để phục vụ cho việc đi lại và sản xuất. Nhưng cứ sửa năm này, năm sau tình trạng lại tiếp tục tiếp diễn.

“Nhiều tuyến sông bị ăn mòn, chính quyền đã đặt biển cấm khai thác, nhưng nhiều tàu thuyền vẫn hoạt động lén lút. Hiện nay, đã có hơn 10 hộ bị mất đất do sạt lở bởi việc khai thác quá mức”, ông Sơn bức xúc nói.

cat tac long hanh song krong ana bi rut ruot tung ngay
Ông Dũng chỉ đoạn bờ kè bị sạt lở và ăn sâu vào đất nông nghiệp của người dân. Ảnh: Trang Anh.

Theo quan sát của chúng tôi, khu vực cánh đồng số 8, thuộc ruộng trồng mía của người dân khu vực thôn 2 chỉ cách mép sông Krông Ana khoảng 2m. Khoảng cách từ bờ xuống mực nước là hơn 10m nên rất khó khăn trong việc lấy nước tưới cho cây trồng. Đặc biệt, với địa hình hiểm trở như vậy, sẽ rất nguy hiểm đối với những người đi làm rẫy nếu không may sẩy chân té xuống.

Ông Nguyễn Văn Dũng (SN 1969, thôn 2) cho biết, gia đình ông có 8 sào đất cạnh mép sông để trồng mía. “Đáng lẽ, đất của gia đình tôi không ở cạnh mép sông như thế này, bởi trước đây còn có đất của gia đình anh Long bao bọc nhà tôi. Từ ngày máy móc về khai thác cát ồ ạt, đất nhà anh Long bị xói mòn và mất trắng sau đó. Trước đây, từ đất nhà tôi ra đến khu vực sông gần 30m, nhưng bây giờ chỉ còn vỏn vẹn vài bước chân. Chẳng sớm thì muộn, đất của gia đình tôi cũng bị mất hết nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài”, ông Dũng lo lắng nói.

Mất trắng đất, dân biết kêu ai !?

Gia đình anh Dương Văn Long (thôn 2) có hai sào đất trồng mía được bố mẹ để lại hơn 30 năm nay. Nhưng hiện nay đã không còn mảnh đất cắm dùi, bởi đất đã theo cát trôi đi. Cả nhà anh chẳng biết kêu ai, vì kêu bao nhiêu năm nay đất mất vẫn mất, tàu thuyền khai thác cát vẫn tiếp tục càn quét.

“Từ 4-5 năm nay, máy móc, tàu thuyền hút cát gây sạt lở cả bờ kè và mía của gia đình tôi. Những ngày gần đây, ngày nào tàu thuyền cũng hút. Nếu có chúng tôi ở đó thì họ hút ngoài sông, còn nếu chúng tôi rời đi họ đưa thẳng ống vào bờ để hút cát. Đặc biệt, vào những ngày trời mưa, tàu thuyền, máy móc hoạt động như có lễ hội cát”, anh Long nghẹn ngào nói.

cat tac long hanh song krong ana bi rut ruot tung ngay
Một số người ngang nhiên sử dụng tàu thuyền khai thác gỗ trên sông, khiến bờ kè bị sạt lỡ. Ảnh: Trang Anh.

Cũng theo những người dân nơi đây, dù họ đã trình báo lên chính quyền địa phương nhiều lần, nhưng tình trạng “cát tặc” lộng hành, hút cát gây sạt lở đất đai vẫn kéo dài hàng ngày, hàng giờ.

“Chúng tôi chỉ mong muốn chính quyền các cấp quan tâm, ngăn chặn các cơ sở khai thác cát trái phép. Từ đó, người dân chúng tôi an tâm lao động và sản xuất, ổn định cuộc sống. Tình trạng khai thác cát tràn lan như thế này, sẽ còn nhiều hộ mất trắng đất như gia đình tôi”, anh Long bộc bạch.

Ông Nguyễn Văn Minh, chủ tịch UBND xã Cư Kty cho biết, thời gian trước những hộ khai thác cát đều tự phát, chỉ làm thủ công. Nhưng những năm gần đây có thêm Hợp tác xã (HTX) Đoàn Kết mặc dù chưa đủ tư cách pháp nhân nhưng vẫn ngang nhiên khai thác cát một cách ồ ạt.

“Chính quyền địa phương đã nhiều lần yêu cầu HTX Đoàn Kết ngừng việc khai thác để tránh ảnh hưởng đến diện tích đất nông nghiệp của người dân. Nhưng do nhân công lao động là người bên xã khác nên khi “đụng đến miếng cơm” của họ thì lần lượt phụ nữ và con nít kéo nhau đến xã, huyện biểu tình. Năm 2016, cơ quan chức năng đã cắm mốc ranh giới khai thác khoáng sản nhưng đến chiều muộn và sáng sớm họ vẫn khai thác trái phép”, ông Minh thông tin.

Cũng theo ông Minh, UBND xã cũng đã nhiều lần đề xuất ý kiến lên UBND huyện đề nghị xem xét giải quyết để giúp người dân ổn định cuộc sống. Nhưng “cát tặc” vẫn cứ lộng hành nhiều năm nay.

chọn
Toàn cảnh vị trí dự kiến quy hoạch cầu vượt sông Ninh Cơ nối Trực Ninh - Hải Hậu, Nam Định
Một cầu vượt sông Ninh Cơ dự kiến được xây dựng kết nối thị trấn Cát Thành, huyện Trực Ninh với xã Hải Trung, huyện Hải Hậu, Nam Định.