Sau thời gian dài điều tra, PV Thanh Niên có đầy đủ bằng chứng về đường dây chuyên hút cát quy mô rất lớn ở vùng biển này.
Đại công trường “ăn” cát trên biển
Chúng hoạt động bất kể giờ giấc nào, ngang nhiên hút cát trái phép trên biển, vô tư đi lại các tuyến sông. Một tàu “bạch tuộc” chở cả 1.000 m3 cát chứ có phải chiếc ghe đâu mà các lực lượng chức năng, cơ quan quản lý không biết thì điều đó thật khó tin?” Ông K., chủ doanh nghiệp chuyên san lấp mặt bằng tại TP.HCM |
Ngày 3.9, PV Thanh Niên có mặt tại biển Cần Giờ (TP.HCM). Bằng mắt thường có thể thấy từng đoàn tàu đang dàn hàng ngang, cắm ống hút tua tủa xuống như những vòi “bạch tuộc”, tập trung hút cát tại khu vực Cồn Ngựa cách bờ khoảng 15 km.
Máy quay của PV đã ghi lại cảnh gần 20 tàu “bạch tuộc” từ cửa sông Soài Rạp hướng thẳng ra khu vực Cồn Ngựa để hút cát. Sau hơn 3 giờ đồng hồ, những tàu “bạch tuộc” này đầy ắp cát (trung bình chở từ 800 - 1.200 m3 cát) lặc lè từ biển chạy vào cửa sông Soài Rạp, rồi đi về hướng H.Nhà Bè (TP.HCM) và Long An.
Theo điều tra của PV Thanh Niên, đội quân hút cát biển này hoạt động theo con nước. Canh giờ thủy triều xuống, nước cạn, hàng chục tàu “bạch tuộc” ồ ạt kéo ra hút cát biển cách bờ chưa đầy 20 km. Ngày 21.10, trong thời gian từ 9 - 11 giờ, có hơn 20 lượt tàu “bạch tuộc” hút cát tại khu vực Cồn Ngựa.
Ngày 24.10, PV thuê tàu từ bãi biển Sao Mai - Bến Đình (P.5, TP.Vũng Tàu) ra tiếp cận đại công trường “ăn” cát biển. Trên đường đi, chủ tàu cho biết: “Thời điểm này ra đúng giờ nước cạn thì chắc chắn hàng chục chiếc đang hút cát ngoài đó. Bọn nó hút cát biển gần 2 năm nay rồi mà có thấy ai xử lý đâu”.
Sau gần 2 giờ lênh đênh, tàu chở PV có mặt tại phao số 0 luồng Soài Rạp, giáp ranh giữa TP.HCM và Bà Rịa-Vũng Tàu. Nơi đây có khoảng 20 tàu đang vươn vòi xuống biển hút cát, tiếng máy bơm vang dội cả vùng.
Cát cùng nước biển theo vòi “bạch tuộc” tuôn ồng ộc lên tàu. Trên tàu, các công nhân nhanh tay vận hành lọc lấy cát và thải nước xuống lại biển. Cả vùng biển đục ngầu, váng dầu nhớt trôi lềnh bềnh mỗi khi tàu hút cát đi qua.
Cát biển được tàu “bạch tuộc” mang về bơm lên bờ tại bến thủy nội địa (H.Cần Giuộc, Long An). Ảnh: Mã Phong |
Chỉ tay về những tàu “bạch tuộc” đang hút cát, ông H., một ngư dân gần đó, bức xúc: “Họ bơm cát biển lên, thải bùn và dầu mỡ ra làm ô nhiễm nguồn nước và đáy biển. Làm vậy, hải sản nào sống và sinh sản được, dân chúng tôi lấy gì mà sống”.
Hai hôm sau, ngày 26.10, từ bãi biển H.Cần Giờ, PV tiếp tục thuê tàu ra khu vực Cồn Ngựa. Vẫn là cảnh rất nhiều tàu “bạch tuộc” đang thả vòi xuống biển “ăn” cát, mỗi chiếc cách nhau chừng 100 - 200 m. Nước biển đục ngầu, tiếng máy hút cát nổ vang cả một vùng.
Vòi “bạch tuộc” được cắm xuống biển để hút cát |
Cát biển về đâu ?
TP.HCM không cấp phép cho bất kỳ mỏ cát nào hoạt động Theo lãnh đạo Sở TN-MT TP.HCM, trước đây TP có cấp phép một số mỏ cát ở H.Cần Giờ để phục vụ san lấp khu đô thị lấn biển Cần Giờ. Tuy nhiên, do khu đô thị này tạm dừng triển khai xây dựng nên thời gian qua các mỏ cát được cấp cũng không hoạt động. Hiện để phòng tránh sạt lở, đe dọa đến an toàn khu dân cư, UBND TP.HCM không cấp phép cho bất kỳ mỏ cát nào hoạt động. Do đó, việc khai thác cát ở vùng biển Cần Giờ rõ ràng là trái phép. Trước đó, từ tháng 1.2016, Văn phòng Thành ủy TP.HCM đã có Văn bản số 488-CV/VPTU, gửi Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM, chỉ đạo UBND TP.HCM có biện pháp quản lý, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ và vùng giáp ranh giữa TP với các tỉnh. Đình Phú - Mã Phong |
Sau khi “ăn” đầy cát trên biển Cần Giờ, những tàu “bạch tuộc” theo các nhánh sông vào TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An để đưa cát san lấp các công trình xây dựng.
Ngày 4.9, PV Thanh Niên có mặt tại bến đò Tân Tập (trên sông Soài Rạp, phía H.Cần Giuộc, Long An).
Từ khoảng 10 - 12 giờ, nước bắt đầu lên, hơn 10 tàu “bạch tuộc” hầu hết mang số hiệu đăng ký của các tỉnh, thành phía bắc như Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định, Hà Nội… và cả TP.HCM chở đầy ắp cát từ biển Cần Giờ, lần lượt đi vào hướng H.Nhà Bè (TP.HCM) và tỉnh Long An.
Theo chân những tàu “bạch tuộc” này, PV phát hiện điểm tập kết thường là khu vực dự án san lấp hoặc bến thủy nội địa nhận vật liệu xây dựng nằm dọc các tuyến sông tại Long An, TP.HCM, Đồng Nai.
Trong ngày 4.9, trên cầu Thủ Bộ bắc qua sông Cần Giuộc (Long An), dọc hai bên bờ sông có nhiều tàu về đây, bơm cát lên các bến để xe tải chở đi.
Ngày 26.9, PV Thanh Niên ghi hình nhiều tàu “bạch tuộc” đang bơm cát biển lên bến nằm cạnh sông Cần Giuộc.
Trong khi đó, tại rạch Rộp (H.Nhà Bè), tàu mang số hiệu đăng ký của Hải Phòng đang bơm cát biển lên phục vụ san lấp công trình tại dự án một khu công nghiệp lớn. Gần đó, một tàu mang số hiệu đăng ký Hải Dương chở đầy cát biển đang chờ nước lên để vào bơm cát san lấp cho dự án nói trên. Ở khu vực rạch Rộp, mỗi ngày có cả chục lượt tàu ra vào để bơm cát biển san lấp dự án này.
Theo điều tra của PV, các tàu hút trộm cát từ biển Cần Giờ xong, để quay vào được đất liền có hai hướng chính: đi qua cửa sông Thị Vải để về Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, hoặc đi cửa sông Soài Rạp để về TP.HCM, Long An. Thực trạng này diễn ra gần như hằng ngày và đã từ rất lâu.
Đường dây có tổ chức
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, hiện nay có khoảng 50 tàu (chủ yếu mang số hiệu các tỉnh phía bắc như Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định…) ngày đêm vươn vòi hút cát biển tại khu vực phao số 0 và khu vực Cồn Ngựa (đều thuộc vùng biển thuộc H.Cần Giờ).
Hầu hết tàu này do một người đàn ông tên Ng. điều hành. Đầu tháng 10.2017, PV Thanh Niên đến một điểm tập kết cát biển dưới chân cầu Thủ Bộ (xã Long An, H.Cần Giuộc) hỏi mua cát biển san lấp. Một chủ bãi thông tin: “Cát ở đây hút từ biển Cần Giờ, giá dao động từ 70.000 - 80.000 đồng/m3. Cát này dùng để san lấp dự án mở rộng đường dẫn vào cảng Tân Tập nên không bán lại được”. Sau đó, ông này cho số điện thoại 0988.354… của ông Ng. để liên hệ.
Theo ông K., chủ doanh nghiệp chuyên san lấp mặt bằng tại TP.HCM, trong khi tất cả mỏ cát được cấp phép tại TP.HCM đã tạm ngừng khai thác, hơn 1 năm qua, đường dây với chủ yếu tàu đăng ký từ các tỉnh phía bắc ào ạt vào khu vực biển Cần Giờ để hút cát và thao túng thị trường san lấp tại Long An, TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu.
“Chúng hoạt động bất kể giờ giấc nào, ngang nhiên hút cát trái phép trên biển, vô tư đi lại các tuyến sông. Một tàu “bạch tuộc” chở cả 1.000 m3 cát chứ có phải chiếc ghe đâu mà các lực lượng chức năng, cơ quan quản lý không biết thì điều đó thật khó tin?”, ông K. bức xúc.
Những chiếc tàu “bạch tuộc” ngang nhiên hút trộm cát trên biển Cần Giờ |
Tác động tiêu cực rất lớn và lâu dài Trao đổi với PV Thanh Niên, nhiều chuyên gia môi trường cho biết về mặt tự nhiên, vùng biển Cần Giờ gần giống với ĐBSCL, được phù sa bồi đắp và bảo vệ. Nếu cát bị khai thác quá mức sẽ gây xói lở bờ sông, bờ biển, cù lao, đảo... ven sông, biển. Tác động của nó không chỉ với riêng vùng Cần Giờ mà kéo dài đến các vùng lân cận như Long An, Tiền Giang… Những thiệt hại là rất lớn nhưng khó nhìn thấy ngay thời điểm này. Câu chuyện khai thác cát sông quá mức và trái phép ở ĐBSCL và hậu quả xảy ra của nó là một ví dụ điển hình. Nhiều nhà dân, đất đai, vườn tược và tài sản bị sụp đổ xuống sông. Nay ở các địa phương đó, việc khai thác cát bị thắt chặt nên một số nơi khác sẽ bùng phát. Đầu tháng 7 năm nay, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo cấm khai thác cát quá mức và xử lý nghiêm nạn khai thác cát trái phép; điều này phải được áp dụng rộng rãi trên quy mô cả nước, không riêng các tỉnh ĐBSCL. Để chống nạn khai thác cát lậu hiệu quả, nhà nước cũng nên hình sự hóa hành vi này vì tác động của nó là rất lớn và lâu dài. Chí Nhân |