Mạnh Vãn Chu, Giám đốc tài chính của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei, được giới truyền thông gọi là "gương mặt đại diện" của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Mới đây, nhà sáng lập và CEO của Huawei, Nhậm Chính Phi, đã có cái nhìn mới về người con gái của mình.
Trong buổi phỏng vấn với CNN, ông ca ngợi con gái về những năm tháng đau khổ mà cô đang chịu đựng. "Con nên tự hào khi bị bắt trong bối cảnh này. Trong cuộc chiến giữa hai quốc gia, con đã trở thành một con bài mặc cả", ông chia sẻ.
Cô Chu đã bị giam giữ tại Canada theo yêu cầu của chính quyền Hoa Kỳ một năm trước. Cô hiện vẫn bị quản thúc tại Vancouver và đang chờ một phiên điều trần về khả năng dẫn độ của cô đến Hoa Kỳ. Cô và Huawei phải đối mặt với một số cáo buộc, bao gồm gian lận ngân hàng, trộm cắp bí mật thương mại và vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.
Các cáo buộc trên sẽ được xử lí tại các tòa án liên bang Hoa Kỳ. Cả cô và Huawei đều không ngừng phủ nhận các cáo buộc.
CEO Huawei cho rằng con gái của mình sẽ đau khổ nhưng cũng sẽ mạnh mẽ hơn sau khi bị bắt. (Ảnh: CNN).
Người cha nói rằng con gái của mình sẽ đau khổ nhưng cũng sẽ mạnh mẽ hơn vì điều này. "Kinh nghiệm về khó khăn và đau khổ là tốt cho con và sự trưởng thành của bản thân. Trong bối cảnh lớn của cuộc chiến thương mại, con giống như một con kiến nhỏ bị mắc kẹt giữa sự va chạm của hai cường quốc", ông nói.
Ông Phi cũng cho biết cô con gái mình thường dành thời gian vẽ tranh và học tập. Mẹ và chồng cô thường xuyên bay đến Canada để ở bên cô. Giám đốc điều hành 75 tuổi chia sẻ thử thách này đã đưa ông đến gần con gái mình hơn. Ông tiết lộ hai cha con đã trò chuyện nhiều hơn trước đây, và đôi khi ông gửi cho cô những câu chuyện hài hước mà ông tìm thấy trên mạng.
"Trước đây, Vãn Chu có thể không gọi cho tôi một trong cả năm. Con bé sẽ không hỏi tôi thế nào, hoặc thậm chí gửi cho tôi một tin nhắn văn bản. Bây giờ, mối quan hệ của chúng tôi đã trở nên gần gũi hơn nhiều", ông chia sẻ.
Vài ngày sau vụ bắt giữ của tiểu thư Huawei ở Vancouver, quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Canada trở nên tồi tệ. Trung Quốc đã bắt giữ hai công dân Canada, gồm cựu nhà ngoại giao Canada Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor. Bắc Kinh buộc tội họ làm gián điệp, và phủ nhận rằng các vụ bắt giữ của họ có liên quan đến trả đũa cho Mạnh Vãn Chu.
Ông Chính Phi khẳng định rằng ông không biết chi tiết về các vụ bắt giữ của Kovrig và Spavorh. Ông cho rằng mình không có quyền bình luận về vấn đề này.
Huawei, nhà sản xuất viễn thông lớn nhất thế giới, và là thương hiệu điện thoại thông minh hàng đầu Trung Quốc, đã trở thành một mấu chốt trong cuộc chiến thương mại. Washington cho biết Huawei đặt ra rủi ro an ninh quốc gia và tham gia vào hoạt động kinh doanh đi ngược lại lợi ích chính sách đối ngoại của Mỹ.
Đầu năm nay, Huawei đã bị đưa vào danh sách đen thương mại của Mỹ. Các công ty Mỹ như Google, Intel và Micron không được phép hợp tác với Huawei, trừ khi họ có giấy phép của chính phủ Hoa Kỳ. Nhưng vào tuần trước, một số công ty như Microsoft, đã nhận được giấy phép làm ăn "một cách hạn chế" với ông lớn viễn thông này.
Nhậm Chính Phi hiện đang chiến đấu để đảm bảo sự sống còn của công ty. Ông thường so sánh Huawei với một chiếc máy bay bị dính đạn, và nhân viên với các thợ máy làm việc điên cuồng để vá các lỗ hổng.
Tại trụ sở của công ty ở Thâm Quyến, có những áp phích đen trắng dán trên tường thể hiện một chiếc máy bay thời Thế chiến II bị bắn xuyên qua, nhưng vẫn bay. Đây như một lời nhắc nhở cho nhân viên về những gì đang bị đe dọa.
Ông Nhậm Chính Phi ví Huawei như chiếc máy bay dính đạn nhưng vẫn còn cơ hội bay cao. (Ảnh: CNN).
Theo nguồn tin của CNN, tiểu thư Huawei sẽ chính thức bị dẫn độ sang Hoa Kỳ vào tháng 1 tới.
Về tương lai của cô tại Huawei, ông Phi khẳng định: "Những khó khăn như thế này sẽ có tác động lớn đến tính cách và tính cách của một người. Tuy nhiên, khi con gái tôi trở lại Huawei, điều đó không có nghĩa là con sẽ được thăng chức".
Theo ông, với tư cách là giám đốc tài chính, cô Chu có thể xử lí các vấn đề tài chính, nhưng con gái của ông không được trang bị đầy đủ các khía cạnh khác của công việc kinh doanh, vì không có nền tảng về công nghệ và không có những gì cần thiết để lãnh đạo.
"Nếu công ty được dẫn dắt bởi một người không có sự nhạy bén chiến lược, công ty sẽ dần mất đi lợi thế cạnh tranh. Đó là lí do tại sao khi Vãn Chu quay trở lại, sẽ tiếp tục làm những gì mà con đã làm", ông Phi giải thích.