MB vài năm qua là một trong những tổ chức tín dụng trong nước cho Novaland, Trung Nam group vay dài hạn, đầu tư trái phiếu nhiều nhất. Tại Đại hội cổ đông năm ngoái, cổ đông, nhà đầu tư Ngân hàng Quân đội (MB) dành phần lớn thời gian để chất vấn lãnh đạo ngân hàng về nhóm khách hàng này. Ở Đại hội cổ đông năm nay diễn ra sáng 19/4, chủ đề này vẫn tiếp tục "nóng" và được hỏi nhiều nhất.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 của Novaland, đến hết 31/12, công ty này còn nợ dài hạn với 3 khoản vay tại MB chi nhánh Bắc Sài Gòn với tổng giá trị hơn 1.800 tỷ đồng. Cuối năm ngoái, Novaland cũng công bố nghị quyết về việc về bảo lãnh khoản vay tối đa 10.000 tỷ đồng cho chủ dự án Novaworld Phan Thiet tại MB. Do đó, một cổ đông đề nghị lãnh đạo MB giải thích "tại sao vẫn tiếp tục cho một doanh nghiệp khó khăn như Novaland vay thêm" và khẩu vị rủi ro của ngân hàng là gì.
Trước câu hỏi này, CEO MB khẳng định chưa có cam kết nào về việc giải ngân thêm 10.000 tỷ đồng cho Novaland. Đó mới là thông tin phía Novaland đưa ra.
Tiếp đó, một cổ đông khác hỏi liệu MB có nguy cơ thâm dụng vốn hay đã sai lầm khi đầu tư trái phiếu Novaland. Chủ tịch MB Lưu Trung Thái giải thích trái phiếu là một công cụ đầu tư có tuổi đời hàng trăm năm. Theo ông, MB chọn các nhà phát hành là khách hàng của ngân hàng, thay vì cho vay trung và dài hạn.
CEO MB Phạm Như Ánh cho biết năm ngoái đã thu nợ Novaland 2.400 tỷ đồng, dư nợ của tập đoàn này tại ngân hàng giờ không còn nhiều. Tuy nhiên, ông Ánh xin phép không nói con số cụ thể để "đảm bảo quy định bảo mật".
Ông cũng thông tin tình hình kinh doanh của Novaland đã dần phục hồi, các dự án của chủ đầu tư này sẽ được tháo gỡ vướng mắc pháp lý trong quý II. Vì vậy, theo ông, các khoản vay của Novaland theo từng dự án cụ thể tại MB không đáng lo ngại khi quản lý rủi ro và tài sản đảm chặt chẽ.
Theo ông Lưu Trung Thái, cách thức ngân hàng tiếp cận và giải quyết các vấn đề của Novaland là tốt ở giai đoạn này. Trong đó, dư nợ của nhóm khách hàng này đã giảm một nửa. Đồng thời, ông cũng tin tưởng hai dự án của Novaland đang được Chính phủ gỡ vướng pháp lý sẽ hoàn thành trong năm nay.
"Rủi ro là không tránh khỏi khi cho hàng triệu khách hàng vay. Quan trọng là cách chúng ta giải quyết thế nào trong từng tình huống", người đứng đầu ngân hàng nói.
Về khách hàng Trung Nam và các công ty thành viên - đơn vị mà MB cho vay với 3 dự án điện mặt trời đều nằm trong FIT1 và FIT2. Theo ông Ánh, 3 dự án này đều đã phát điện theo đúng kế hoạch, nhưng dòng tiền về chậm. Dù vậy, ông nhìn nhận việc này không ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của cả MB và Trung Nam. Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp này theo đánh giá của MB là bị EVN chậm thanh toán tiền, chứ không nằm ở pháp lý.
"Nhìn chung chưa có nhiều quan ngại với hai khách hàng Novaland và Trung Nam", CEO MB tự tin khẳng định.