CEO Nguyễn Tử Quảng: Việt Nam có những sản phẩm công nghệ sánh ngang sản phẩm hàng đầu thế giới

Dẫn giải sự lớn mạnh của các sản phẩm nội địa công nghệ Trung Quốc, Chủ tịch BKAV - ông Nguyễn Tử Quảng, lạc quan về cơ hội cạnh tranh của doanh nghiệp công nghệ Việt trong cuộc Cách mạng 4.0.
[Gặp gỡ thứ tư] CEO Nguyễn Tử Quảng: Việt Nam có những sản phẩm công nghệ sánh ngang sản phẩm hàng đầu thế giới - Ảnh 1.

CEO BKAV Nguyễn Tử Quảng.

CEO BKAV Nguyễn Tử Quảng đã có những chia sẻ với Nhadautu.vn về thách thức và cơ hội của doanh nghiệp công nghệ Việt trước Cách mạng công nghiệp 4.0.

- Hiện, bài toán nào cần các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam giải quyết để cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài?

- Tôi nghĩ là nên chia làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất là làm những ứng dụng tin học hóa các doanh nghiệp Việt Nam, điều này quốc gia nào cũng cần và đem lại giá trị lớn.

Nhóm thứ hai là những công ty đưa ra những công nghệ xuất sắc để cạnh tranh thẳng với những tập đoàn hàng đầu trên thế giới. Mọi người nhắc đến Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 rất nhiều, vậy đây là cơ hội để cạnh tranh và chúng ta có thể trở thành những người dẫn đầu trong tương lai.

- Theo ông, về bản chất chiến lược phát triển công nghệ Việt là gì và chúng ta sẽ có những bước đi như thế nào để phát triển các doanh nghiệp?

- Tôi không nghĩ nó quá to tát, vì nếu chúng ta vẫn tiếp tục nghĩ là nó to tát thì chúng ta lại bỏ lỡ cuộc cách mạng này. Còn cách làm thì rất giản dị thôi. Có thể nhìn vào BKAV, với nguồn lực của một doanh nghiệp tư nhân nhưng chúng tôi vẫn sản xuất ra điện thoại di động để cạnh tranh với các doanh nghiệp hàng đầu.

Nếu cả đất nước cùng thúc đẩy, ủng hộ các doanh nghiệp như vậy thì chỉ cần khoảng độ 50 doanh nghiệp mũi nhọn như vậy thôi thì chúng ta không ngại. Hàn Quốc họ cũng chỉ cần khoảng 5 doanh nghiệp như vậy thôi, mà đã làm nên đất nước Hàn Quốc phát triển như vậy. Nghe rất là to tát nhưng lại rất dễ thực hiện.

- Người ta nói về cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 rất nhiều, vậy theo ông cơ hội của Việt Nam trong cuộc cách mạng này như nào? Và đặc biệt, doanh nghiệp công nghệ sẽ phải tận dụng thế nào để có những bước nhảy vọt trong hệ thống sản phẩm?

- Thách thức cực lớn nhưng cơ hội cũng cực kỳ lớn. Có bao giờ các doanh nghiệp Việt Nam lại có những sản phẩm có thể cạnh tranh, sánh ngang với các sản phẩm hàng đầu trên thế giới?. Ở những cuộc cách mạng khác không hề có nhưng ở cuộc cách mạng này Việt Nam đã và đang có những sản phẩm như vậy rồi.

Đối với sản phẩm công nghệ thì có thể hôm nay thị phần đang còn nhỏ nhưng ngày hôm sau có thể sẽ bùng nổ và chúng ta có thể dẫn đầu.

Ví như, sản phẩm công nghệ của Trung Quốc, doanh nghiệp nội địa đang dần dần làm chủ và chiếm thị phần trong chính đất nước họ. Câu chuyện đó hoàn toàn có thể diễn ra tại Việt Nam. Vì vậy, đây là một cơ hội tuyệt vời.

- Nói về những nước công nghệ phát triển chúng ta có thể nghĩ ngay đến Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan... Vậy, Việt Nam mình có gì đột phá hơn trong chiến lược của doanh nghiệp?

- Tất cả là con người. Người Việt Nam chúng ta nổi tiếng là thông minh. Nhiều người sẽ cho rằng đó là chúng ta tự mãn, nhưng không. Cùng là chip điện thoại, các kĩ sư Việt Nam đã nghiên cứu để có chất lượng cao với giá thành rẻ hơn.

Vì vậy, Cách mạng công nghiệp 4.0 chỉ đặc biệt là về trí tuệ và nó là cuộc cách mạng của sự sáng tạo không giới hạn. Điều đó phụ thuộc vào việc bạn dám nghĩ, dám làm không hạn chế bởi công cụ. Các doanh nghiệp lớn đều có các công ty phụ trợ trên khắp thế giới. Vấn đề là chúng ta có dám làm hay không và tổ chức làm như thế nào.

- Dưới góc độ là một người giàu kinh nghiệm trong việc khởi nghiệp cũng như hiện tại đã là Chủ tịch kiêm CEO của một doanh nghiệp công nghệ đi đầu, ông có đề xuất gì cho những chính sách mới trong tương lai để có thể phát triển các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam?

- Tôi có hai ý kiến. Thứ nhất là phải đầu tư cho chuyển đổi số. Tất cả mọi doanh nghiệp, cơ quan Việt Nam dùng công nghệ để thúc đẩy sự phát triển của mình, từ đó dẫn đến sự phát triển của quốc gia. Hiện, Bộ Thông tin và Truyển thông đang làm rất tốt việc đó.

Thứ hai, tôi nghĩ Chính phủ cần đầu tư cho một số doanh nghiệp mũi nhọn. Chỉ cần 5 doanh nghiệp công nghệ mũi nhọn thôi thì tôi chắc chắn đất nước sẽ rất khác (ví dụ như Hàn Quốc). Và đây là cơ hội tuyệt vời để chúng ta thực hiện lại điều đó trong một ngữ cảnh mới.

chọn
ĐHĐCĐ Becamex IJC: Quý đầu năm lãi sau thuế 40 tỷ, sắp mở bán Sunflower II và Prince Town II
Tại ĐHĐCĐ thường niên vừa tổ chức, lãnh đạo Becamex IJC tiết lộ doanh thu và lãi sau thuế hợp nhất dự kiến quý I đạt 162 tỷ và 40 tỷ đồng. Hiện nay, công ty đang hoàn thiện các thủ tục để đưa vào bán hàng dự án Sunflower II và Prince Town II trong quý III/2024.