CEO startup và CEO công ty lớn khác nhau ở điểm nào?

Trở thành CEO của công ty khởi nghiệp hay tại một công ty lớn là nỗi đắn đo của nhiều người trong quá trình phát triển sự nghiệp.
Sự khác biệt giữa CEO startup và CEO công ty lớn - Ảnh 1.

Bà Lê Diệp Kiều Trang, cựu CEO Facebook Việt Nam. (Ảnh: FBNV).

Trải qua sự nghiệp ở cả công ty lớn và startup, bà Lê Diệp Kiều Trang, cựu CEO Facebook Việt Nam hiểu rõ sự khác biệt giữa người giữ vị trí lãnh đạo của công ty khởi nghiệp và Giám đốc điều hành ở công ty lớn. Bà cho rằng "con đường startup tuy hấp dẫn nhưng rất nhiều rủi ro".

Bà Trang từng là người đồng sáng lập công ty Misfit Wearables, một startup ở Thung lũng Silicon, rồi bán lại cho Tập đoàn đồng hồ Fossil của Mỹ với giá 260 triệu USD. Bà cũng từng giữ vị trí lãnh đạo ở các tổ chức như Fossil Việt Nam, Facebook Việt Nam hay GoViet.

"Cả hai vị trí này đều gọi chung là CEO, người dẫn dắt một công ty, chịu trách nhiệm hoạt động kinh doanh, đối với khách hàng, người trong công ty và những người có liên quan tới công ty đó. Tuy nhiên, hai con đường này đều có những thử thách, trải nghiệm riêng", bà Trang chia sẻ với các bạn sinh viên trong chuỗi sự kiện "Who will you be in the future?".

Theo bà, khi bước vào làm CEO của một công ty lớn, tổ chức đã có trong tay một đội ngũ sẵn sàng hành động, có chuyên môn, gồm các phòng ban riêng biệt như kế toán, marketing, tài chính. Khi đó, người CEO chịu trách nhiệm dẫn dắt cả đội ngũ để thực hiện công việc.

Ngược lại, lãnh đạo của một startup gần như bắt đầu từ hai bàn tay trắng. "Nếu may mắn, người CEO sẽ có thêm một vài người đồng sáng lập cùng đồng hành xây dựng doanh nghiệp dần phát triển. Còn không, họ phải tự tìm tòi mọi thứ và tự định hướng", bà Trang chia sẻ.

Sự khác biệt giữa CEO startup và CEO công ty lớn - Ảnh 2.

Bà Trang trực tiếp trải nghiệm dịch vụ khi còn là CEO GoViet. Ảnh; Techbike.

Công ty khởi nghiệp là con tàu nhỏ. Hành trình của con tàu nhỏ mới đầu sẽ rất khó khăn, gập ghềnh. Người lái tàu có thể bỏ nhiều tiền, công sức cho một sản phẩm mới. Không thành công có thể làm lại từ đầu nhưng sẽ mang gánh nặng từ lần thất bại trước đó. 

Đối với con tàu lớn thì "êm ả" hơn tuy nhiên một khi CEO ra quyết định sai nó sẽ ảnh hưởng đến cả công ty, những người lao động và các nhà đầu tư, theo đánh giá của cựu CEO Facebook Việt Nam.

Bà cho rằng thử thách của người lãnh đạo startup là đưa công ty từ nhỏ tới lớn, doanh nghiệp phải biết cách mở rộng qui mô và sáng tạo mô hình kinh doanh. Bên cạnh đó phải tự định hình sản phẩm, thiết kế công ty, văn hóa doanh nghiệp.

Trong khi CEO công ty lớn phải biết hòa nhập nhanh với môi trường làm việc và tìm cách để "chèo lái một con tàu to giữa biển lớn". Các sản phẩm của công ty đã được định nghĩa vì thế có thể phát triển sản phẩm mới nhưng không thể hướng ra lĩnh vực khác. CEO có thể tác động vào văn hóa công ty bằng tính lãnh đạo của mình nhưng có thể sẽ gặp khó, nhất là đối với các công ty có tuổi đời lâu năm.

"Vì thế kĩ năng và bài toán họ phải giải là khác nhau", bà Trang khẳng định.

Ở môi trường khởi nghiệp, con người có quyền chủ động, tự quyết (ở một chừng mực nhất định), có thể đóng góp tư duy, sáng tạo sản phẩm. Tuy nhiên, bà Trang cũng nhận xét rằng khởi nghiệp là "một thế giới vô cùng náo nhiệt, phù phiếm, hấp dẫn, thậm chí là tai tiếng".

Cuối cùng, bà nhấn mạnh rằng startup hay công ty lớn, không có môi trường nào là hoàn hảo, dù đi theo con đường là CEO khởi nghiệp hay CEO của công ty lớn thì đó cũng không có gì đúng hoặc sai.

"Điều quan trọng là bạn phát triển thế nào, tìm được lối đi tốt nhất cho mình và phát triển được năng lực, cá tính. Hãy làm những gì mình giỏi nhất và nỗ lực xứng đáng nhất vì chúng ta sẽ làm xuất sắc nhất. Phải biết mình là ai, chọn cái gì hợp với mình và nghiêm túc với điều đó", bà Trang chia sẻ.

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.