Tại sự kiện công nghệ Tech Summit 2019 vừa diễn ra tại TP HCM, CEO ví điện tử MoMo - ông Phạm Thành Đức, đã tiết lộ còn số người dùng hiện nay của ví điện từ này đã lên 12 triệu. Với con số này, ông Đức khẳng định MoMo tiếp tục là ví điện tử có nhiều người dùng nhất hiện nay tại Việt Nam. Đồng thời, ông cũng kể chuyện mất vài năm để tìm kiếm chuyên gia trí tuệ nhân tạo nhưng vẫn bằng không.
Bắt đầu hoạt động vào năm 2007 trong lĩnh vực thanh toán di động, đến cuối năm ngoái, đại diện ví MoMo cho biết có khoảng 10 triệu khách hàng đăng kí. Như vậy, phải mất đến 12 năm đầu tiên, ví điện tử này mới tiếp cận được 10 triệu người dùng tại Việt Nam.
"Trong 3 năm tới, chúng tôi muốn có khoảng 30-35 triệu người dùng tại Việt Nam. MoMo sẽ phủ rộng khắp tất cả tỉnh thành trên cả nước", CEO Phạm Thành Đức cho biết. (Ảnh: M.M).
Tuy nhiên, chỉ trong nửa đầu năm nay, MoMo đã có thêm 2 triệu khách hàng mới, nâng lên con số 12 triệu người dùng. Trong giới khởi nghiệp, đây được xem là con số tăng trưởng rất ấn tượng.
Từ đà phát triển này, CEO MoMo cho rằng mục tiêu của doanh nghiệp là sẽ phát triển vượt bậc hơn sau vài năm nữa.
"Trong 3 năm tới, chúng tôi muốn có khoảng 30-35 triệu người dùng tại Việt Nam. MoMo sẽ phủ rộng khắp tất cả tỉnh thành trên cả nước", CEO Phạm Thành Đức khẳng định.
Ông Đức tự tin điều này là có thể thực hiện được, bởi ví điện tử vốn đã rất quen thuộc với người dân tại các thành phố lớn, đặc biệt là người trẻ. Chính sự tiện ích từ ví điện tử mang lại, số lượng người dùng trẻ tại các đô thị này sẽ càng nhiều ra theo cấp số nhân.
Trong khi đó, tại khu vực nông thôn, tuy hiện đã có tín dụng từ các ngân hàng, nhưng ông Đức cho rằng các dịch vụ tài chính tại đây vẫn chưa tiếp cận được nhiều khách hàng. Vì vậy, CEO MoMo cho rằng ví điện tử là sẽ giải pháp đơn giản dành cho các khách hàng tại nông thôn, tiếp cận được từng người nông dân.
Năm ngoái, ví điện tử này đã tiếp cận được hơn 3,5 triệu khách hàng nông thôn, thông qua các dịch vụ tại quầy ở khu vực này, nơi ngân hàng có độ thâm nhập thấp.
"Khi Ngân hàng Nhà nước đưa ra khung pháp lí cho phép sử dụng dịch vụ ví điện tử mà không cần tài khoản ngân hàng, MoMo sẽ có nhiều cơ hội để xây dựng thêm nhiều đại lí trên toàn quốc nhằm phục vụ khách hàng trên khắp Việt Nam", đại diện MoMo cho biết.
Từ tập trung vào tính năng thanh toán, ví điện từ này cũng không nằm ngoài tham vọng của các startup công nghệ hiện nay, là xây dựng một "siêu ứng dụng" cho phép khách hàng dùng cùng lúc nhiều dịch vụ.
Hiện ví điện tử MoMo có cả cho vay, gửi tiền hoặc thanh toán hóa đơn, mua vé xem phim, đặt vé máy bay, mua hợp đồng bảo hiểm. Các chuỗi cửa hàng tiện lợi, quán cà phê hiện nay hầu hết có sự hiện diện của MoMo và chấp nhận thanh toán thông qua kênh này.
CEO Phạm Thành Đức là người truyền cảm hứng cho cộng đồng khởi nghiệp trẻ. (Ảnh: Forbes Việt Nam).
Trong chiến lược phát triển thành "siêu ứng dụng", CEO Phạm Thành Đức cho biết dự tính sẽ mở rộng sang các lĩnh vực mới như hành chính công, chăm sóc sức khỏe, giáo dục…
Để hiện thực hóa mục tiêu này, ông Đức khẳng định sẽ tập trung vào việc xây dựng hệ thống bảo mật và các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), hệ thống phòng chống gian lận…
Tuy nhiên, ông thẳng thắn cho biết hiện việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào MoMo vẫn chưa được áp dụng, vì nhiều nguyên nhân.
Theo ông, quy định của pháp luật hiện hành về quản lí ví điện tử là các dữ liệu giao dịch phải được lưu trữ tại Việt Nam. Do đó, khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo, các dữ liệu khách hàng và dữ liệu giao dịch cũng phải tuân thủ quy định này.
Đặc biệt, ông cũng tiết lộ việc tìm được nhân lực trong việc phát triển trí tuệ nhân tạo hiện nay tại Việt Nam là rất khó. Thậm chí, việc "săn" các chuyên gia từ nước ngoài về làm cho MoMo cũng không hề dễ dàng.
"Tại MoMo, chúng tôi đang tuyển chuyên gia về trí tuệ nhân tạo nhưng rất khó. Chúng tôi tìm mọi cách, thậm chí tìm chuyên gia trí tuệ nhân tạo từ Silicon Valley trong suốt 2 năm nhưng vẫn chưa có. Tương lai, MoMo cũng phải xây dựng trí tuệ nhân tạo và triển khai nhưng đây lại là một vấn đề khó khăn", CEO Phạm Thành Đức khẳng định.
Nói thêm về việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào lĩnh vực tài chính tại Việt Nam, ông Keir Veskivali - người sáng lập Smartly, cho hay điều này gần như bằng không, hoặc tất cả mới chỉ bắt đầu.
Chuyên gia cho rằng dữ liệu của thị trường tài chính Việt Nam chưa đủ nhiều để ứng dụng trí tuệ nhân tạo. (Ảnh minh họa: Thanh Niên).
Nguyên nhân là do dữ liệu của thị trường tài chính Việt Nam chưa đủ nhiều để ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Ông cũng cho biết thêm hầu hết các công ty và ngay cả Smartly chủ yếu là ứng dụng công nghệ tự động hóa. Đây là nền tảng của AI.
"Chỉ 1% các startup trên thế giới đang sử dụng công nghệ AI", ông Keir nhấn mạnh.
Nguồn vốn và dữ liệu là hai thách thức lớn nhất cho các startup ứng dụng công nghệ AI. Trong khi đó, ngành tài chính vẫn đang tập trung vào tự động hóa các quy trình thủ công.
Về tương lai gần, theo ông Keir Veskivali, sẽ không có bất cứ vai trò đáng kể nào trong ngành tài chính, bởi hệ thống ngành tài chính còn rườm rà, chậm thay đổi. Trong khi đó, các doanh nghiệp vẫn có nhiều ưu tiên khác trước khi chính thức ứng dụng trí tuệ nhân tạo.