Theo ông Nguyễn Quang Vinh- Quyền Cục trưởng Cục NTBD, trong giai đoạn vừa qua, theo các quy định hiện hành, nghệ sĩ chỉ được biểu diễn các bài hát đã được cấp phép phổ biến. Điều này là cần thiết cho công tác quản lý nhưng cần thay đổi để thích ứng với xã hội hiện nay, tạo thuận lợi cho hoạt động sáng tạo, biểu diễn nghệ thuật, tôn trọng quyền sáng tạo và hưởng thụ tác phẩm nghệ thuật của nhân dân. Ban soạn thảo xác định tác phẩm là sở hữu của cá nhân, quyền công bố thuộc về chủ thể, người dân có quyền sáng tạo và hưởng thụ tác phẩm nghệ thuật. Nếu cho hưởng thụ cái gì công chúng mới được hưởng thụ thì không phù hợp trong điều kiện hiện nay. Vì thế, dự thảo Nghị định sẽ giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh của các đơn vị nghệ thuật, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực NTBD; Các thủ tục hành chính tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia sáng tạo văn học, nghệ thuật phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa dân tộc, đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, đúng quy định của pháp luật.
Nhiều đại biểu tham dự hội nghị góp ý hi vọng Nghị định mới khắc phục bất cập của quy định cũ. |
Theo NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng khi phát hiện hoạt động biểu diễn nghệ thuật để che dấu vi phạm pháp luật vẫn chưa thực sự rõ ràng. Bởi khi đơn vị biểu diễn xong thì mới có thể phát hiện được. Nếu họ chưa tổ chức thì làm sao để dừng hoạt động biểu diễn mà không phải đền bù thiệt hại. Trong khi chương trình hoàn toàn không vi phạm an ninh quốc phòng, hay bị ảnh hưởng thiên tai địch họa... Điều này phải làm rõ, nếu không sẽ rất phức tạp.
Còn theo ông Nguyễn Văn Trực - Trưởng phòng biểu diễn nghệ thuật (Sở VH&TT Hà Nội), hiện nay có những hồ sơ mà địa phương không cấp phép được như trình diễn thời trang nghệ thuật phun xăm, trình diễn thời trang áo tắm... Theo quy định cũ, nếu xin cấp phép biểu diễn về thời trang thì phải gửi các bộ mẫu thời trang lên trước để duyệt. Vậy địa phương sẽ căn cứ vào đâu để thanh, kiểm tra. Một điều khiến ông Trực băn khoăn là trong Dự thảo không quy định như: Không quy định phải cấp phép bài hát cho các nhóm underground dù đây đều là những bài lần đầu tiên biểu diễn… mà không cần duyệt thì khi phổ biến rồi, ai chịu trách nhiệm?! Rồi vấn đề giấy chứng nhận điều kiện kinh doanh rất cần thiết. Bởi nếu DN vi phạm, có thể bị thu hồi giấy. Ở Hà Nội, từng có đơn vị khi tổ chức biểu diễn để xảy ra chết người mà không thu hồi được giấy phép hoạt động của DN vì không có quy định. Ông Trực cũng đồng tình việc trong hồ sơ xin cấp phép phải có giấy tờ xác nhận sự đồng ý cho tổ chức của chủ địa điểm.
Theo ông Trực, nhiều năm trước ở Hà Nội đã có quy định phải có loại giấy này, sau đó bị yêu cầu dẹp bỏ. Tuy nhiên, Sở vẫn tiếp tục yêu cầu phải có giấy tờ này khi làm thủ tục. Khi có đơn vị xin tổ chức sự kiện nhạc hội ở Công viên nước Hồ Tây, Sở đã yêu cầu rất rõ chủ địa điểm phải có giấy cam kết đảm bảo về an ninh, an toàn phòng chống cháy nổ, y tế. Với các địa điểm biểu diễn như Nhà hát Lớn hay Cung hữu nghị Việt Xô các điều kiện đó thường được bảo đảm, còn ở Công viên nước Hồ Tây thì chủ địa điểm phải cam kết. Sau đó, khi vụ việc có người bị nạn xảy ra, công viên nước phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
NSƯT Xuân Bắc - Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Kịch Việt Nam nêu tình trạng nhiều đơn vị được cấp phép nhưng cố tình vi phạm kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó”, sẵn sàng nộp phạt ở địa phương này rồi sang địa phương khác tiếp tục vi phạm. Vì thế, Cục nên có chế tài, hoặc cơ sở kết nối dữ liệu để đơn vị nào vi phạm ba lần có thể tước giấy phép.
Trả lời các ý kiến góp ý, ông Nguyễn Quang Vinh cho hay giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh biểu diễn và giấy chứng nhận đủ điều kiện tổ chức thi người đẹp, người mẫu có thể được cấp mới, cấp đổi, cấp lại. Theo quy định cũ, mỗi đơn vị đi biểu diễn ở 2 tỉnh sẽ phải có 2 bộ hồ sơ, một về Cục NTBD. Nhưng khi nhận được giấy phép, đơn vị tổ chức lại thay đổi chương trình đã duyệt, hoặc có sự cố xảy ra thì họ không khắc phục được hậu quả.
Vì thế, Cục sẽ cấp giấy phép điều kiện này. Giấy phép được công bố trên website của Cục để các địa phương tiện tra cứu. Nếu tra cứu thấy đơn vị đủ điều kiện hoạt động, địa phương chỉ cần làm việc về nội dung chương trình, không cần phải xem xét các giấy tờ để kiểm tra điều kiện hoạt động, giảm thiểu thời gian xem xét cho địa phương và thời gian chuẩn bị, chờ đợi kết quả cho đơn vị biểu diễn. Nếu kiểm tra thấy đơn vị không đủ điều kiện hoạt động thì có thể tự động từ chối cấp phép mà không cần xin ý kiến Cục.
Bên cạnh đó, theo quy định cũ một đơn vị, tổ chức nghệ thuật chỉ cần xin một giấy phép biểu diễn là có thể đi khắp cả nước biểu diễn mà không cần xin phép. Nhưng qua thực tế cho thấy nảy sinh bất cập như người cấp phép cho phép đơn vị biểu diễn đi đến địa phương này diễn, nhưng sau đó đơn vị nghệ thuật lại đến địa phương khác diễn thì địa phương sau đó không được quyền can thiệp đến nội dung biểu diễn. Thực tế đã có trường hợp chương trình biểu diễn được cấp phép ở địa phương này mang sang địa phương khác không được chính quyền đồng ý, nhưng cơ quan quản lý ở địa phương lại không thể can thiệp.
Do vậy, phân cấp quản lý về cho địa phương là cách trao thêm cho họ trách nhiệm, nhưng muốn có trách nhiệm thì họ phải có quyền quyết định. Đồng thời, việc làm này cũng giúp tránh việc địa phương bắt buộc phải xem, tiếp nhận những thứ chưa chắc đã phù hợp với văn hóa bản sắc, chính sách đang phát triển của địa phương tùy vào từng giai đoạn…
Vì thế, các Sở Văn hóa địa phương nên phân chia trách nhiệm, tăng cường cho các địa phương trực tiếp quản lý. Vì các địa phương đều có một bộ máy chính quyền xem xét, hỗ trợ giải quyết mọi vấn đề vướng mắc tại chỗ, thuận lợi hơn việc mỗi đơn vị, tổ chức phải quay ra Hà Nội xin ý kiến Cục hoặc một cơ quan nào đó.
Thái Phương