Đồng cảm với những đứa trẻ cơ nhỡ, Trác Gia Hưng (SN 1993, ngụ phường 13, quận 8, TP HCM) đã lập đội lân Long Nhi Đường cưu mang và dạy nghề cho các em. Gần 6 hoạt động, đội lân đã giúp bọn trẻ có một sân chơi lành mạnh, có việc làm ổn định biết sống hướng thiện, có lý tưởng.
“Rồng nhỏ vượt khó”
Hằng đêm, tại hành lang tòa nhà Prudential, dưới chân cầu Chà Và (quận 8, TP HCM), đội trưởng Hưng lại cùng các thành viên cần mẫn luyện tập. Một điều khá thú vị, các bài múa, các chiêu thức biểu diễn đều do đội trưởng Hưng mày mò học lỏm qua các đoạn video biểu diễn của các đội lân khác đăng trên Youtube rồi dạy lại cho các thành viên đội nhà.
Trác Gia Hưng đang trang trí lân cùng đội của mình. |
Mặc dù vậy, Long Nhi Đường vẫn được các bậc tiền bối trong nghề đánh giá cao bởi phong cách biểu diễn ấn tượng, động tác đúng kỹ thuật, có bài bản. Đội lân “nhí” này được xếp hạng 3 ở quận 8 và hạng thứ 16 toàn thành phố.
Nhắc đến Long Nhi Đường, không thể không nhắc đến người anh cả của đội Trác Gia Hưng, một thiếu niên cơ nhỡ biết vượt khó vươn lên. Hưng tên thật là Lê Văn Nam, nhà nghèo đông anh chị em.
Từ bé, cậu bé Hưng đã biết phụ giúp mẹ buôn bán hàng rong mưu sinh sau những giờ đến lớp. Năm lớp 7, cha Hưng đột ngột qua đời khiến cậu phải bỏ ngang việc học, đi bưng bê phục vụ ở quán hủ tiếu kiếm tiền phụ giúp mẹ nuôi các em.
Từ nhỏ đã yêu múa lân, tiếng trống nên những lúc rảnh rỗi, Hưng lại tìm đến đoàn lân Tinh Võ (quận 8) để học nghề và theo thầy đi biểu diễn nhiều nơi. Ngay từ lúc đó, Hưng đã ước mơ tương lai mình sẽ theo nghiệp của thầy nên không ngừng học hỏi, nâng cao tay nghề.
Hồi ấy, những lúc đi làm về, Hưng thấy những đứa trẻ lang thang thường hay tụ tập dưới chân cầu, miệng phì phèo điếu thuốc, tranh giành từng chiếc lon ve chai mà gây gổ đánh nhau. Lúc ấy, trong đầu cậu chợt lóe lên ý tưởng, một ngày nào đó sẽ lập một đội lân đường phố để dạy nghề cho những đứa trẻ này.
Đội lân đã giúp cho nhiều trẻ em cơ nhỡ tìm được cuộc sống tốt đẹp hơn. |
Năm 2010, Hưng cùng người bạn thân là Nguyễn Minh Quân rủ được 7 đứa trẻ nghèo trong xóm lập đội lân lấy tên Long Nhi Đường. Cả hai hùn tiền mua một chiếc đầu lân cũ rách về tân trang, sửa lại làm đạo cụ dạy múa cho các em ở sân đình Vĩnh Hội. Hằng đêm, nghe tiếng trống, bọn trẻ mải mê nhảy múa như “lân gặp pháo” khiến Hưng rất vui.
Gần 5 tháng tập luyện công phu, Long Nhi Đường bắt đầu biểu diễn dạo phục vụ bà con trong phường, trường học rồi biểu diễn ở làng trẻ mồ côi, ở chùa, đình các dịp lễ tết, trung thu... Lúc rảnh rỗi, Hưng và Quân tranh thủ đi mua đầu lân cũ về phục chế lại rao bán qua mạng xã hội kiếm thêm thu nhập để mở rộng hoạt động của đội.
Từ ngày vào Long Nhi Đường, bọn trẻ đường phố không còn tinh nghịch như trước. Chúng bỏ hút thuốc, không còn chửi thề mà ngoan ngoãn, gặp người lớn biết chào hỏi, nói năng lễ phép nên ai cũng yêu mến. Tiếng lành đồn xa, những đứa trẻ không nơi nương tựa tìm đến đội lân để tá túc học nghề ngày càng nhiều.
Múa lân để hướng thiện
Số lượng thành viên ngày càng đông khiến đội trưởng Hưng phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là kinh phí để nuôi quân, duy trì hoạt động của đội.
Để vượt khó, cậu đã mạnh dạn tìm đến các mạnh thường quân trình bày ý tưởng và những khó khăn của đội để mong nhận được sự trợ giúp. Tòa nhà Prudential đã tạo điều kiện về mặt bằng để các em có chỗ luyện tập. Đoàn phường cho họ mượn một nhà kho để cất giữ đồ nghề và làm chỗ ở cho những thành viên không nơi nương tựa.
Đặc biệt, doanh nghiệp Ba Huân tài trợ kinh phí cho các em mua sắm thêm quần áo, đạo cụ biểu diễn đồng thời giới thiệu Long Nhi Đường đến biểu diễn khai trương, động thổ, lễ tết cho nhiều công ty doanh nghiệp trong thành phố.
Long Nhi Đường hiện có 40 thành viên từ 11 đến 20 tuổi. Trong đó, 25 em cơ nhỡ, không nơi nương tựa, không được học hành phải vào đời rất sớm để kiếm cái ăn. Mỗi đứa mỗi cảnh khổ nhưng từ ngày được sự đùm bọc dẫn dắt của đội lân, các em đã được học nghề vừa thỏa mãn niềm đam mê vừa giúp cuộc sống đỡ vất vả như trước.
Trác Gia Hưng cùng những phần thường đã được trao tặng. |
Đáng thương nhất là hoàn cảnh của em Nam (20 tuổi, ngụ quận 5). Cha mẹ qua đời vì căn bệnh thế kỷ AIDS, cậu sống cùng bà ngoại, họ lượm lặt ve chai kiếm cơm qua bữa. Bi kịch gia đình cùng cái nghèo đeo đuổi khiến Nam sống tự kỷ, không dám giao tiếp với ai.
Từ ngày được Hưng đưa về Long Nhi Đường, Nam lột xác hoàn toàn, đánh trống giỏi, múa hay, không còn e dè nhút nhát nữa lại có thêm thu nhập giúp cuộc sống hai bà cháu thoát khỏi cảnh túng quẫn.
Cùng cảnh ngộ với Nam, em Cường (14 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) cũng có một quá khứ đầy bất hạnh. Khi Cường được 9 tuổi, cha mất vì bệnh tật, mẹ phải gồng mình nuôi năm đứa con. Để giảm bớt gánh nặng gia đình và có một cái nghề, Cường tìm đến Long Nhi Đường nương tựa.
Ngoài dạy nghề, Hưng còn kiêm luôn trọng trách dạy dỗ các em cư xử hòa đồng với nhau, sống có lý tưởng, không đua đòi các tệ nạn xấu, không hút thuốc, rượu chè, bỏ tính côn đồ, trộm cắp vặt…
Mọi người phải biết tôn trọng nhau, người học nghề lâu năm có nhiệm vụ dẫn dắt, kèm cặp người mới vào. Những khi bọn trẻ đánh nhau, thay vì tức giận, Hưng lại nhẹ nhàng khuyên răn, phân tích việc đúng sai, thiệt hơn để các em hiểu và sống hòa thuận với nhau.
Là đội lân nghèo nhưng Long Nhi Đường thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện xã hội. Đội thường đến biểu diễn tại làng trẻ khuyết tật Hòa Bình (ở bệnh viện Từ Dũ TP HCM), các mái ấm cơ nhỡ, làng trẻ mồ côi SOS nhằm phục vụ các em nhỏ.