Chạy theo lợi nhuận, nhiều chủ đầu tư tạo ra không gian sống thiếu chuẩn

Xây dựng các đô thị với không gian xanh rộng lớn cũng không phải là một trào lưu mới, mà là sự kết hợp, hòa hợp các yếu tố qui hoạch, kiến trúc, con người hòa nhập với thiên nhiên, bảo tồn sinh thái, tài nguyên, bảo vệ môi trường, hiệu quả năng lượng. Tuy nhiên, để làm được điều đó đòi hỏi các nhà quản lí, nhà phát triển phải có sự tư duy nhiều hơn mới thích ứng được nhu cầu của thời cuộc.

Đó là nội dung chính của buổi Tọa đàm "Không gian sống trong đô thị hiện đại" do Tạp chí Bất động sản Việt Nam diễn ra sáng ngày hôm nay (26/5).

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Đỗ Viết Chiến, Tổng thư kí Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, quá trình đô thị hóa ở Việt Nam đang diễn ra nhanh chóng, ngoài mặt mạnh, ưu việt của đô thị hóa là mang đến con người cư trú yếu tố văn minh đô thị, thì đô thị hóa cũng lấy đi cảnh quan, môi trường sinh thái và nền văn hóa truyền thống nếu không được quan tâm đúng mức đến qui hoạch và kiểm soát phát triển đô thị một cách đầy đủ, bài bản.

Chạy theo lợi nhuận, nhiều chủ đầu tư tạo ra không gian sống thiếu chuẩn - Ảnh 1.

Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng thư Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Theo con số thống kê của Tổ chức IQAir, Hà Nội luôn nằm top những thành phố ô nhiễm không khí nặng nề nhất thế giới với những chỉ số cao ngất ngưởng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. 

 Trong đô thị hiện đại, bên cạnh các căn hộ tiện nghi với đồ dùng thông minh là khói bụi, tiếng ồn, là các không gian sinh hoạt cộng đồng thiếu thốn: thiếu công viên, vườn hoa, cây xanh, thiếu nhu cầu đỗ xe, nơi thu gom, tập kết rác thải, nước thải, môi trường giao lưu văn hóa…

 Nhiều dự án, nhiều chủ đầu tư bất chấp những vấn đề trên để ra sức xây dựng nhà để bán. Điều họ quan tâm dường như chỉ là làm sao để bán được nhiều hàng, kiếm được nhiều tiền, lợi ích kinh tế không đi cùng với kiến tạo giá trị cho cộng đồng, để lại nhiều hệ lụy trên nhiều phương diện. Không phủ nhận đã có những chủ đầu tư với tư duy khác biệt như Vingroup, Sungroup, Novaland, Phú Long, Hải Phát Invest, Văn Phú Invest, Capital House, Phúc Khang,.. nhưng họ chưa thể thành số đông. 

 Vấn đề nằm ở chỗ, làm sao để tư duy sống xanh - thông minh trở thành nhu cầu bức thiết, là sự chọn lựa của số đông và đưa điều đó trở thành nhận thức bền vững, thì sự nỗ lực của riêng các chủ đầu tư thôi là chưa đủ. Để có một liên kết đô thị, từ Nhà nước, nhà đầu tư, cho đến người dân hưởng thụ phải hiểu được vấn đề này và thống nhất trong hành động, như vậy mới mong có được đô thị xanh.

Đồng quan điểm, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam cho rằng, đô thị sống hiện đại trong mong muốn của người dân đều có những yêu cầu chung về không gian đẹp, về kiến trúc xanh và thông minh. Chung cư hiện nay không phải là một cái hang để… chui ra chui vào nữa. Nếu 20 năm trước, những chung cư cũ là nơi ẩn náu sau khi người dân đi làm về, thì nay, chung cư phải là nơi sống lành mạnh.

Chạy theo lợi nhuận, nhiều chủ đầu tư tạo ra không gian sống thiếu chuẩn - Ảnh 2.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều

Kiến trúc không gian hiện nay dù chỉ 50 m2, 100 m2 hay rộng hơn đều cần kiến trúc thông minh và có sự giao lưu đáp ứng chất lượng sống cao nhất của người dân. Đó sẽ là nơi phải có sự kết nối giữa các thành viên trong gia đình.

Đến những thành phố lớn khác như Nhật Bản, Hàn Quốc hay các nước châu Âu, hệ thống kiến trúc thông minh của họ làm cho chúng ta thấy vô cùng thỏa mãn. Người Việt Nam luôn đòi hỏi “nơi tôi ở phải có không gian thiên nhiên, môi trường hòa đồng…”, do đó, quảng cáo của các tập đoàn xây dựng về bán chung cư, căn hộ nếu có khả năng thì đều quảng cáo rằng đó là gần sông, hồ, thiên nhiên... Đó chính là một sự quyến rũ, mê dụ người mua vì thiên nhiên luôn rất quan trọng với đời sống tinh thần và ngày càng trở nên cần thiết trong đời sống hiện đại.

Tuy nhiên, từ nói tới làm không dễ, nhiều dự án chủ đầu tư vì chạy theo bài toán lợi nhuận đã không đảm bảo được điều đó, và tạo lên những không gian thiếu chuẩn sống.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cuộc sống của người trẻ không chỉ cần kiếm tiền, mà còn biết tận hưởng cuộc sống theo cách riêng, là thế hệ góp phần định hình các xu hướng sống, tạo đà cho sự tăng trưởng kinh tế và kích thích tiêu dùng, điển hình là khuynh hướng chọn nơi an cư, chi tiêu mạnh để đầu tư cho một không gian sống chất lượng.

Chạy theo lợi nhuận, nhiều chủ đầu tư tạo ra không gian sống thiếu chuẩn - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư Hội môi giới bất động sản Việt Nam

 Xu hướng thị trường rõ ràng cho thấy nhu cầu sống cân bằng đang ngày một gia tăng. Do đó, mô hình khu đô thị hướng đến phong cách sống xanh hiện đại, tích hợp nhiều tiện ích giúp cư dân hưởng thụ cuộc sống thoải mái, trở thành một nhu cầu tất yếu.

Để thành công với các dự án không gian xanh có diện tích hẹp, người thiết kế và chủ đầu tư cần làm rõ dự án phục vụ đối tượng nào, lĩnh vực nào, phạm vi đáp ứng nhu cầu của dự án cho đối tượng nào? Khó nhất trong dự án không gian xanh là phải hài hoà lợi ích của các bên Nhà nước - Nhà đầu tư (kinh doanh) - Nhà sử dụng. Vì vậy, cần cân đối để phát triển một cách bền vững.

Dưới góc nhìn nhà phát triển dự án, ông Tô Như Toàn, Chủ tịch HĐQT Văn Phú - Invest, yếu tố đầu tiên khi phát triển dự án, doanh nghiệp phải đặt ra câu hỏi: Đối tượng sử dụng là ai. Đặc biệt, cư dân là người sử dụng các không gian đó có bền vững hay không.

Rõ ràng, người sử dụng là cư dân nên xây dựng đô thị thông minh và xanh phải để người dân hiểu được bản chất đó và chắc chắn phải cho họ tham gia và đóng góp, thấu hiểu. Sau khi xây dựng xong phải có sự đào tạo, hướng dẫn cho các cư dân tham gia chung tay vào cùng duy trì sự bền vững này.

Chạy theo lợi nhuận, nhiều chủ đầu tư tạo ra không gian sống thiếu chuẩn - Ảnh 4.

Ông Tô Như Toàn, Chủ tịch HĐQT Văn Phú - Invest

 Trước hết, chúng ta cần tập trung vào người sử dụng, ví dụ như người già, trẻ em… Vì với nhóm khách hàng này cần phải áp dụng các phương thức truyền thông khác nhau, rõ ràng việc áp dụng công nghệ thông tin với người cao tuổi sẽ khó khăn hơn so với đối tượng trẻ và trung niên. Do đó, sẽ cần những giải pháp khác biệt, chính sách hỗ trợ đặc biệt. Còn với người trẻ thì có thể dùng smartphone, từ đó để tuyên truyền, áp dụng công nghệ để tuyên truyền.

 Nếu chúng ta không tuyên truyền, không hướng dẫn cư dân trong các đô thị để họ hiểu được khái niệm cũng như cách sử dụng thì các đô thị thông minh, đô thị xanh sẽ chỉ nêu ra để đấy. Nhà đầu tư cần đồng hành sâu hơn về vấn đề này. Làm sao song hành với cư dân, thì mới bền vững được.

Thứ hai là chi tiết hơn về đầu tư sản phẩm vào thời điểm này thế nào để cư dân khách hàng có lợi nhất, trước đây chúng ta chỉ nghĩ đến một ngôi nhà để ở. Tiền sử ngôi nhà xưa chỉ là một viên đá, rồi từ đó xây dựng lên nơi để ở. Còn nay, nhu cầu ở dần dần phát triển thành nhu cầu ở một ngôi nhà lớn hơn, ở biệt thự cao cấp hơn, ở resort, đó là nhu cầu của con người, của cư dân.

Trước đó, chúng ta nói đến nhu cầu về không gian sống còn bây giờ là môi trường sống, có nghĩa là các tiện ích xung quanh. Không gian sống thì những người có nhu cầu tài chính cao hơn sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận hơn, còn môi trường sống xung quanh là các tiện ích, tiện nghi đáp ứng cuộc sống của cư dân.

"Quan trọng nữa bây giờ còn là người sống cạnh mình là ai. Môi trường sống tốt mấy, không gian sống tốt mấy thì người bên cạnh mình như thế nào, có hài hòa hay không cũng vô cùng quan trọng. Các chủ đầu tư, nhà nghiên cứu, kiến trúc sư phải làm sao có cách thức nào đó để tạo được môi trường sống xung quanh tốt nhất ngoài việc bán được căn nhà để sinh sống", ông Toàn chia sẻ và cho biết thêm, nếu làm được điều đó, việc kinh doanh sẽ tốt.

chọn
D2D ước lãi thêm 800 tỷ từ dự án Lộc An
Năm 2024 - 2029, D2D sẽ thực hiện tiếp giai đoạn 2 khu dân cư Lộc An với tổng mức đầu tư gần 1.116 tỷ đồng. Tổng doanh thu dự kiến trong giai đoạn 2 là hơn 2.181 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến 795 tỷ đồng.