Tham khảo các ngày lễ trong tháng 5 có ý nghĩa quan trọng đối với người dân Việt Nam:
Năm nay là năm kỷ niệm thứ 67 ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2021), một trong những chiến thắng vẻ vang nhất của lịch sử dân tộc. Đây có thể coi là một sự kiện mang giá trị và tầm vóc thời đại, đã đập tan ách thống trị của thực dân Pháp và âm mưu can thiệp của đế quốc Mỹ. Thắng lợi này đã đưa đến Hiệp định Geneva về việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương.
Đến ngày này, các đơn vị trường học, cơ quan nhà nước và hội cựu chiến binh đều được dịp ôn lại khoảng thời gian tàn khốc của chiến tranh cũng như chiến thắng hào hùng của dân tộc. Ngoài ra, nhiều địa phương cũng tổ chức các hoạt động hưởng ứng như cắm trại, giao lưu, ca múa nhạc hay thăm hỏi các anh hùng liệt sĩ, cựu chiến binh,...
Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh là tổ chức của thiếu nhi Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam sáng lập. Đây là tổ chức nòng cốt trong các phong trào thiếu nhi dưới sự dẫn dắt của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Trong suốt những năm qua, các phong trào và hoạt động của Đội luôn gắn liền với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và mục tiêu phát triển nước nhà. Một số phong trào điển hình như “Kế hoạch nhỏ”, “Nói lời hay, làm việc tốt, phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ”, “Hành quân theo bước chân những người anh hùng”, “Về với cội nguồn”,...
Năm nay, hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh (1941 - 2021), các đơn vị Đoàn, Hội, Đội trên cả nước đang tích cực triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa và các chương trình mang tính thực tiễn cao, hướng đến việc tạo môi trường phát triển toàn diện cho trẻ em, thanh thiếu niên trên cả nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ vĩ đại, anh hùng giải phóng dân tộc vô cùng xuất sắc của nhân dân Việt Nam. Trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Người là chiến sĩ lỗi lạc, đấu tranh không mệt mỏi vì độc lập, tự do, hết lòng xây dựng sự đoàn kết nhất trí giữa các Đảng Cộng sản anh em, các nước láng giềng.
Cứ đến ngày 19/5, toàn Đảng, toàn dân lại tổ chức các hoạt động nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của Người. Các hoạt động đều chung mục đích tôn vinh, tri ân sự nghiệp cách mạng vẻ vang và những cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, đây là dịp để thế hệ sau thể hiện tình cảm yêu mến, kính trọng và biết ơn đối với vị “cha già” kính yêu của dân tộc.
Cùng điểm qua một số ngày lễ quốc tế trong tháng 5 sắp tới:
Ngày Quốc tế lao động 1/5 có nguồn gốc từ cuộc bãi công tại thành phố Chicago vào năm 1886. Đây là thời điểm lịch sử mang ý nghĩa trọng đại của toàn bộ người lao động trên thế giới, biểu dương cho tinh thần đấu tranh vì hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Tại Việt Nam, Ngày Quốc tế Lao động đầu tiên được tổ chức vào năm 1930 khi lần đầu tiên trong lịch sử phong trào công nhân ở Đông Dương, giai cấp công nhân nước ta đã đấu tranh trực diện với bọn đế quốc thực dân Pháp, đòi Pháp phải cải thiện điều kiện làm việc, phải tăng lương và thực hiện luật lao động ngày làm việc 8 giờ. Do đó, vào ngày này hàng năm, tất cả người lao động trên toàn quốc sẽ được nghỉ theo quy định của nhà nước.
Ngày Tự do Báo chí Thế giới ra đời nhằm mục đích nhắc nhở các nguyên tắc cơ bản về tự do nghề báo và đánh giá tình hình báo chí quốc tế. Đồng thời, đây còn là cơ hội để bảo vệ tính độc lập của giới truyền thông, lên án những hành động vi phạm quyền tự do bày tỏ ý kiến của con người tại nhiều nơi trên thế giới.
Đặc biệt, Ngày Tự do Báo chí Thế giới là dịp để tôn vinh và tưởng nhớ các ký giả đã hy sinh trong quá trình tác nghiệp để mang đến những tin tức có giá trị cho xã hội.
Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế là hai phong trào nhân đạo lớn nhất trên thế giới. Để ghi nhớ công lao của người sáng lập Henry Dunant, ngày sinh của ông (8/5) được lấy làm Ngày Chữ thập đỏ quốc tế. Năm 1948 là năm đầu tiên lễ kỷ niệm Ngày Chữ thập đỏ quốc tế được chính thức tổ chức. Sau đó, vào năm 1984, Ngày Chữ thập đỏ quốc tế được đổi tên thành Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.
Đây là dịp để những người làm công tác nhân đạo trên thế giới ôn lại truyền thống lịch sử lâu đời của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ. Qua đó, tạo nguồn động viên để các đơn vị chữ thập đỏ tiếp tục phát huy vai trò của mình qua các hoạt động nhân đạo ý nghĩa, tương trợ cộng đồng.
Năm 1911, Ngày của Mẹ đã được đồng ý tổ chức ở hầu hết các tiểu bang trên khắp nước Mỹ. Đến ngày 8/5/1914, tổng thống Mỹ đã chính thức ấn định ngày Chủ Nhật thứ hai của tháng 5 là Ngày của Mẹ. Năm nay, ngày kỉ niệm này nhằm vào ngày 9/5.
Hiện nay, Ngày của Mẹ đã và đang lan rộng ra hơn nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Vào ngày này, con cái sẽ thể hiện tình cảm và lòng biết ơn với mẹ của mình bằng những lời chúc, những món quà ý nghĩa cùng những cái ôm đầy tình cảm, tri ân sự hy sinh và công lao dạy dỗ của người phụ nữ đặc biệt trong cuộc đời mình.
Năm 1993, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định lấy ngày 15/5 hàng năm làm Ngày Quốc tế Gia đình. Đây là dịp để mỗi cá nhân nâng cao nhận thức về các vấn đề liên quan đến gia đình, xã hội và những yếu tố nhân khẩu học ảnh hưởng đến gia đình. Bên cạnh đó, Ngày Quốc tế Gia đình còn là dịp để tôn vinh và khẳng định tầm quan trọng của gia đình trong việc xây dựng một cộng đồng lành mạnh, đầy tình yêu thương.
Tại Việt Nam, các tổ chức xã hội đều phát động nhiều phong trào ý nghĩa trong dịp này nhằm giữ gìn và phát huy những đạo lý tốt đẹp của gia đình, nêu cao vai trò gương mẫu của các bậc cha mẹ, xây dựng mối quan hệ khăng khít giữa gia đình, nhà trường và xã hội.
Ngày 17/5 hàng năm là ngày thế giới lên tiếng chống lại nạn kỳ thị và phân biệt đối xử với người thuộc cộng đồng song tính, đồng tính và chuyển giới (LGBT). Mục đích chính của ngày này là nhằm thu hẹp sự kỳ thị, phân biệt cũng như nâng cao nhận thức của xã hội về cách ứng xử với cộng đồng LGBT trên phạm vi toàn cầu.
Đây là một trong những sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với cộng đồng LGBT, góp phần thay đổi cách nhìn của xã hội và tác động đến các nhà hoạch định chính sách ở các quốc gia, từ đó giúp cộng đồng LGBT được đối xử một cách công bằng và bình đẳng hơn.
Kể từ năm 1948, các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc đã và đang phát triển một cách tích cực, trở thành một trong những “công cụ” mang tính toàn cầu để giải quyết những mối xung đột, đe dọa đến nền hòa bình và an ninh quốc tế.
Vào Ngày Quốc tế Gìn giữ Hòa bình của Liên Hiệp Quốc, 29/5 hàng năm, các quốc gia trên khắp thế giới thường tổ chức các hoạt động ý nghĩa nhằm tôn vinh tính chuyên nghiệp, sự cống hiến và lòng can đảm của tất cả các nhân viên gìn giữ hòa bình. Ngoài ra, đây cũng là dịp để tưởng nhớ những nhân viên đã thiệt mạng khi thực hiện nhiệm vụ cao cả này.
Từ năm 1987, ngày 31/5 hàng năm được Tổ chức Y tế Thế giới chọn là Ngày Thế giới Không Thuốc lá. Mục đích là nhằm tạo ra và khuyến khích khoảng thời gian 24 tiếng không có khói thuốc lá trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế và Quỹ Phòng chống thuốc tác hại của thuốc lá đã hưởng ứng ngày này bằng việc tổ chức Lễ Mít Tinh kỷ niệm thường niên và các sự kiện văn hóa - nghệ thuật đặc sắc. Đồng thời, các tổ chức này cũng phát động “Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá” nhằm tuyên truyền và nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá đối với cả người hút chủ động và bị động.