Trong tháng 6, Việt Nam có ba ngày kỉ niệm đáng chú ý như sau:
Ngày 5/6/1911 là một cột mốc không thể quên trong lịch sử dân tộc Việt Nam, là ngày vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Chuyến đi của Người mang ý nghĩa vô cùng trọng đại, giúp Người học hỏi những tiến bộ từ các nước phương Tây để xác định đúng hướng đi cho con đường giải phóng của dân tộc. Do đó, hàng năm, nhiều hoạt động kỷ niệm đặc sắc được tổ chức trên phạm vi cả nước, điển hình như ca múa nhạc, mít tinh, hội thảo, dâng hương,...
Ngày 5/2/1985, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định lấy ngày 21/6 hàng năm là Ngày Báo chí Việt Nam. Đến ngày 21/6/2000, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã đổi tên thành Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam.
Ngày kỷ niệm này là dịp để tri ân các nhà báo đã cống hiến sức lực và trí tuệ để mang lại những bài báo hay, đắt giá trên từng câu chữ. Để có được điều này, các nhà báo thậm chí còn đánh đổi cả nước mắt và sinh mạng để theo dòng những sự kiện nóng, mang tính cập nhật cho độc giả.
Ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chọn ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam. Đây là ngày tôn vinh vai trò và giá trị tốt đẹp của gia đình trong xã hội. Theo đó, gia đình được xem là môi trường quan trọng để phát triển nhân cách và nuôi dưỡng tâm hồn, đồng thời là nơi duy trì nòi giống, tạo ra nguồn nhân lực cho đất nước.
Với ý nghĩa cao đẹp như vậy, Ngày Gia đình Việt Nam được xem là cơ hội để các thành viên thêm gắn kết, trao cho nhau những lời nói đầy thương yêu và nỗ lực hơn nữa để phát triển gia đình của mình.
Dưới đây là thông tin về các ngày lễ trong tháng 6 được tổ chức trên toàn thế giới:
Ngày Quốc tế Thiếu nhi là ngày lễ mở đầu cho tháng 6 hàng năm. Đây là dịp để toàn xã hội hướng về trẻ em và bảo vệ quyền lợi của trẻ, không phân biệt màu da, giới tính, chủng tộc, tôn giáo, nguồn gốc quốc gia hay xã hội. Mục đích chung nhất là tạo ra một môi trường hòa bình và an toàn cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Trong ngày này, nhiều tổ chức cộng đồng và các đơn vị công tác xã hội cùng chung tay tạo ra nhiều sân chơi hấp dẫn với nhiều phần quà dành cho trẻ.
Ngày Môi trường Thế giới đầu tiên được tổ chức vào ngày 5/6/1972. Sự ra đời của ngày kỷ niệm này có ý nghĩa thiết thực trong bối cảnh môi trường đang ngày càng bị tàn phá nghiêm trọng. Với mục đích là nâng cao tầm hiểu biết của mọi người về ý nghĩa của môi trường và khuyến khích các hoạt động cải thiện môi trường, ngày Môi trường Thế giới đã được hơn 150 quốc gia hưởng ứng và tham gia cho đến nay. Tương tự như mọi năm, nhiều chương trình hưởng ứng cũng được diễn ra trên thế giới trong năm nay với chủ đề chung là “Khôi phục hệ sinh thái”.
Năm 2002, Tổ chức Lao động quốc tế đã đề xuất chọn ngày 12/6 làm Ngày Thế giới chống Lao động Trẻ em và được Liên Hiệp Quốc công nhận. Mục đích của ngày này là nhằm kêu gọi xã hội lên tiếng và ngăn chặn tình trạng lao động trẻ em, đảm bảo các em có được tuổi thơ vui vẻ và sức khỏe toàn diện, góp phần phát triển các thế hệ tốt đẹp cho xã hội trong tương lai.
Tháng 6 này, thế giới còn kỷ niệm một ngày nhân đạo được nhiều quốc gia hưởng ứng, đó là Ngày Hiến máu Thế giới 14/6. Với phương châm “Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, hành động hiến máu được xem là nghĩa cử cao đẹp, đem lại cơ hội sống cho những người xung quanh. Kể từ năm 2004, cứ đến ngày 14/6, toàn thế giới lại tổ chức các hoạt động tôn vinh những người hiến máu, đồng thời tuyên truyền, khuyến khích và nhân rộng hành động này trong cộng đồng.
Ngày của Cha là dịp để mọi người tôn vinh và thể hiện lòng biết ơn đối với người cha của mình. Tương tự như Ngày của Mẹ, ngày kỷ niệm này được quy ước vào Chủ Nhật thứ ba của tháng 6, tức ngày 20/6/2021. Trong Ngày của Cha, những người con sẽ gửi gắm tình cảm của mình qua lời chúc, món quà cùng những hành động nhằm gắn kết tình cảm cha con. Đồng thời, nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật ý nghĩa cũng được các đơn vị xã hội tổ chức trong ngày này.