Chính phủ ‘sốt ruột’ vì Hà Nội, TP HCM có tiền mà không tiêu được

Hai địa phương được giao nhiều tiền ngân sách nhất là Hà Nội và TP HCM lại có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công rất thấp. Việc các địa phương có tiền nhưng không tiêu được buộc Chính phủ phải tổ chức cuộc họp chiều 19/8 để giải quyết.
 - Ảnh 1.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phê bình bộ, ngành, địa phương để giải ngân đầu tư công chậm. (Ảnh: T.C60).

Việc giải ngân vốn đầu tư công chậm của các bộ, ngành, địa phương đang tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.

7 tháng mới giải ngân khoảng 31% vốn

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết trong 7 tháng qua, cả nước giải ngân được 134.494 tỉ đồng, đạt 31,32% kế hoạch Quốc hội giao, thấp nhất trong cùng kì những năm gần đây. Trong đó, giải ngân vốn trong nước đạt 35% kế hoạch, giải ngân vốn vay nước ngoài chỉ đạt 8,6% kế hoạch của năm.

Nguyên nhân theo thứ trưởng Trần Văn Hiếu chủ yếu do một số bộ, ngành, địa phương chưa chủ động, tích cực trong chỉ đạo triển khai và một phần do các dự án, gói thầu mới cần được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật về đấu thầu, xây dựng, đất đai.

TP HCM là địa phương có số vốn đầu tư công giao lớn nhất cả nước, nhưng Phó Chủ tịch TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết đến nay TP HCM mới giải ngân được 26% trong tổng số 33.170 tỉ đồng được giao trong năm 2019. Giải ngân vốn ODA khá hơn nhưng cũng chỉ đạt khoảng 50% tổng vốn được giao.

Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, các dự án đầu tư công của TP HCM giải ngân chậm do chậm chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng. 

Trong tổng số 4.215 tỉ đồng chi cho việc này thì chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng cho tuyến metro 2 Bến Thành - Tham Lương hơn 2.000 tỉ đồng, nhưng hiện nay TP HCM chưa phê duyệt được chủ trương đầu tư theo phân cấp của Thủ tướng, nên chưa thể chi vốn.

Tại phiên họp, ông Ngô Văn Quý - Phó Chủ tịch TP Hà Nội thông tin Hà Nội mới giải ngân được 24,7% kế hoạch vốn. Nguyên nhân cũng được chỉ ra do chậm chi trả giải phóng mặt bằng và các thủ tục đầu tư phải tuân thủ trình tự, quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, ông Quý cũng thừa nhận nguyên nhân chủ quan từ các cơ quan quản lí nhà nước ảnh hưởng nhiều nhất đến tiến độ giải ngân.

Trước Chính phủ, lãnh đạo của Hà Nội và TP HCM đều khẳng định quyết tâm siết chặt trách nhiệm, kỉ luật đầu tư công tới các cá nhân cụ thể. 

Riêng TP HCM đang tổng hợp việc giải trình của các chủ đầu tư chưa hoàn thành giải ngân theo tiến độ, trường hợp cần thiết sẽ dừng cấp vốn để chuyển sang dự án khác.

Không chỉ các địa phương không tiêu được tiền trung ương phân bổ, mà ngay cả cơ quan giao vốn là Bộ Kế hoạch - đầu tư cũng chưa tổng hợp, trình Thủ tướng phê duyệt kế hoạch giao vốn với 35.000 tỉ đồng ngân sách. Trong đó vốn ngân sách trung ương 16.500 tỉ đồng, vốn trái phiếu chính phủ 4.200 tỉ đồng và vốn nước ngoài hơn 14.300 tỉ đồng.

Ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư, cho biết trong số vốn chưa giao có 9.900 tỉ đồng chưa giao cho hai tập đoàn PVN và Viettel, do các dự án của 2 đơn vị này chưa hoàn thiện thủ tục theo quy định của Luật Đầu tư công; 2.400 tỉ đồng chưa giao cho các dự án thuộc chương trình mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.

 - Ảnh 2.

Dù TP HCM đã rất nỗ lực nhưng tuyến metro số 1 vẫn chậm tiến độ. (Ảnh: TT).

Phó Thủ tướng phê bình Bộ Kế hoạch - đầu tư

Trước tình hình giải ngân chậm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã phê bình Bộ Kế hoạch - đầu tư chậm trễ trong tổng hợp, tham mưu cho Thủ tướng giao vốn đầu tư công, đồng thời không báo cáo cụ thể các nguyên nhân chậm giao vốn và giải pháp khắc phục.

Với việc giao vốn chậm cho các địa phương, bộ, ngành hay DNNN thực hiện các dự án, Phó Thủ tướng nêu rõ trách nhiệm của lãnh đạo Bộ Kế hoạch - Đầu tư trong đốc thúc, thẩm định và tổng hợp các dự án.

"Tình hình cấp bách nóng bỏng. Áp lực giải ngân đầu tư công đang rất lớn, Thủ tướng đã ra chỉ thị và nhiều thông báo kết luận tại các cuộc họp về vấn đề này nhưng giải ngân còn chậm hơn cả cùng kỳ các năm trước. Các đồng chí có thấy vô cảm không?", Phó Thủ tướng đặt vấn đề và cho rằng có yếu kém trong quản lí đầu tư của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính, và một số địa phương trong thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Kế hoạch - đầu tư sớm trình Thủ tướng phân bổ hết 35.000 tỉ đồng vốn chưa giao trong tháng 8. Trước ngày 10/10/2019 báo cáo Thủ tướng việc điều chỉnh kế hoạch giải ngân vốn từ dự án chậm tiến độ sang dự án đang cần vốn và có tiến độ giải ngân cao.

Phó Thủ tướng cũng giao Văn phòng Chính phủ chủ trì soạn thảo công điện của Thủ tướng về đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, và cho biết ngày 15/9 tới, Chính phủ sẽ họp trực tuyến toàn quốc về vấn đề này.

chọn
Những ông lớn địa ốc hiện diện tại 'Đất Tổ' Phú Thọ
Vài năm trở lại đây, Phú Thọ liên tục đón các doanh nghiệp lớn ngành bất động sản như GP Invest, T&T hay BV Land... Hiện nay, Ecopark và Tasco cũng đang hướng đến dự án bất động sản đầu tiên tại địa phương này.