Khi được phát hiện trong tình trạng úp mặt xuống giường, cậu bé đã bị bỏ lại suốt 50 phút. Trong khi đó theo quy định, trẻ cần được ngủ trong tư thế bình thường và kiểm tra 10 phút một lần.
Những câu hỏi về cái chết của con trai và quyết định để con theo học tại một trường không chính thức vẫn ám ảnh bà mẹ trẻ hàng ngày.
"Keno to được một nhân viên phát hiện đã tử vong khi người này bước vào phòng để đánh thức cậu bé. Kento ở trong phòng riêng, tách biệt với những đứa trẻ khác vì con đã khóc trong giờ ngủ", Kai nói với AFP.
Một nhà trẻ ở thủ đô Tokyo. Ảnh: Japan Times |
Câu chuyện cậu bé Kento đã gây làn sóng phẫn nộ trên khắp cả nước và trở thành nỗi lo sợ của nhiều bậc phụ huynh. Nhiều người cho rằng chọn trường gửi con như một chơi xổ số.
Chuyên gia pháp lý Toko Teramachi cảnh báo tại những cơ sở giữ trẻ không chính thức, tỷ lệ xảy ra tai nạn thường cao hơn 30 lần. Tuy nhiên trên thực tế, hệ thống nhà trẻ Nhật Bản chưa được đầu tư và các nhà trẻ được chính phủ công nhận thường quá tải.
Nhiều phụ huynh phải tìm đến những lựa chọn khác, nơi các quy định về số lượng, nhân viên và không gian đều ít được quản lý chặt chẽ. Trong năm 2015, trên cả nước có 14 trường hợp tử vong tại các cơ sở chăm sóc trẻ, 65% là các vụ xảy ra ở cơ sở không chính quy.
Trước tình trạng dân số giảm, Thủ tướng Abe kêu gọi phụ nữ Nhật Bản sinh con để cải thiện dân số, đồng thời tiếp tục làm việc để thúc đẩy nền kinh tế. Tuy nhiên, kế hoạch này không bao gồm việc cung cấp hệ thống cơ sở chăm sóc phù hợp để hỗ trợ các bà mẹ đảm nhiệm cả hai công việc.
Giới chuyên gia cho rằng việc Thủ tướng Shinzo Abe đối phó với tình trạng thiếu nhà trẻ bằng cách nới lỏng quy định chỉ khiến các cơ sở này trở nên nguy hiểm. Theo chuyên gia phúc lợi trẻ em Hiroko Inokuma, kế hoạch nới lỏng quy định là "động thái liều lĩnh", có thể dẫn đến nhiều tai nạn hơn.
Bộ Lao động Nhật Bản ước tính trong năm 2015, ít nhất 23.000 trẻ không có suất trong nhà trẻ chính quy.
"Tôi không thể giành được chỗ cho con trong một cơ sở được chứng nhận. Tôi không có lựa chọn nào cả", Kai nói. Căn phòng của người mẹ thiếu vắng con được treo đầy những bức ảnh đứa trẻ. Kết quả khám nghiệm tử thi không đem lại kết quả, nhưng bà mẹ vẫn cân nhắc hành động pháp lý.
Hồi tháng 7, tòa án tối cao từng ra phán quyết liên quan đến trường hợp bé gái một tuổi bị ngạt thở vì ngủ úp mặt xuống giường, tại một nhà trẻ ở Fukushima. Theo đó, nhân viên trông trẻ đã không được đào tạo đầy đủ và phải chịu mức bồi thường 57 triệu yen.