Chủ tịch Công ty TNHH Phần mềm FPT (FPT Software) - ông Hoàng Nam Tiến, đặt vấn đề liệu một doanh nghiệp đạt mốc triệu USD có tốt hay không, tại buổi chia sẻ vừa diễn ra tại TP HCM với chủ đề "Đòn bẩy triệu USD" với sự tham gia của hàng trăm doanh nhân.
Không chỉ nói về câu chuyện đạt mốc tỉ USD ở FPT, ông Tiến còn chia sẻ nhiều kinh nghiệm cho các công ty khởi nghiệp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong giai đoạn bước vào nền kinh tế số.
Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến cho biết chủ đề triệu USD với một doanh nghiệp Việt Nam rất hấp dẫn, một doanh nghiệp triệu USD cũng thường gắn với những thế hệ nhân sự có tài sản "khổng lồ" tương ứng.
Ông Hoàng Nam Tiến tiết lộ FPT từng có rất nhiều nhân viên là triệu phú USD. (Ảnh: DNSG).
Ông Tiến cho biết ngay tại FPT, điều này đã từng xảy ra, và với kinh nghiệm của một doanh nghiệp từng đạt tỉ USD, lãnh đạo FPT Software lại có một góc nhìn khác, nhất là về vấn đề nhân sự.
"Ngày 13/12/2016, FPT lên sàn chứng khoán, chỉ qua một đêm, FPT có hơn 150 người có 1 triệu USD. Nhiều triệu USD thậm chí lên trăm triệu USD, nhưng đến thời điểm này, hơn 3/4 trong số đó đã không còn làm tại FPT nữa", Chủ tịch FPT Software cho biết.
Theo ông Tiến, đây là một điều đáng tiếc với một doanh nghiệp lớn. Ngay sau đó, FPT đã rút kinh nghiệm và không thể để mắc lại thêm điều đáng tiếc một lần nữa.
"Chúng tôi đã tổng kết một bài học. Bài học có tên là bệnh 'đột kim', tức đột nhiên có quá nhiều tiền. 150 triệu phú ngày đó, những người đưa FPT thành công ty tỉ USD giờ đã nghỉ gần hết rồi", ông Hoàng Nam Tiến một lần nữa khẳng định.
Đáng chú ý, lãnh đạo FPT Software cho rằng trong danh sách những "nhân sự vàng" này, có nhiều người vẫn còn trong độ tuổi đi làm, và làm rất tốt, gắn bó với công ty, nhưng vẫn quyết định rời bỏ công ty.
Vì vậy, ông cho rằng có được những nhân sự sở hữu triệu USD vốn rất quý nhưng nhiều khi lại "chưa chắc đã tốt".
Sở dĩ đưa ra những nhận định này, vì ông Tiến là người gia nhập rất sớm và trải qua nhiều vị trí quan trọng tại FPT. Ông là người giúp FPT hoàn thành mục tiêu 1 tỉ USD doanh thu vào năm 2008 trong vai trò là Tổng giám đốc Công ty Phân phối FPT.
Hiện ông Hoàng Nam Tiến đang là Chủ tịch FPT Software, đơn vị sản xuất phần mềm của FPT. Dưới sự dẫn dắt của ông Tiến, FPT Software đã nằm trong danh sách 100 nhà cung cấp ủy thác hàng đầu thế giới.
Đặt vấn đề là một công ty triệu USD, thậm chí tỉ USD như FPT, tuy nhiên, ông Hoàng Nam Tiến cho rằng các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ cần quan tâm đến nền tảng và xu thế hiện nay, thì mục tiêu triệu USD mới có thể đạt được.
Ông Tiến cho biết nếu đứng ngoài cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ mất nhiều cơ hội. (Ảnh: FPT).
Lãnh đạo công ty chuyên về công nghệ, Chủ tịch FPT Software cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 liên tục được nhắc thời gian qua sẽ là một thách thức lớn với các doanh nghiệp Việt Nam.
"Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư này chúng ta có tham gia hay không cũng không sao cả, vì những cuộc cách mạng trước chúng ta không tham gia thì cũng chẳng sao. Nhưng nếu chúng ta không tham gia, thì chúng ta đã bỏ lỡ một trong những xu hướng lớn nhất của nhân loại", ông Hoàng Nam Tiến khẳng định.
Chủ tịch FPT Software cho rằng hậu quả của việc đứng ngoài cuộc chơi cách mạng số sẽ rất khủng khiếp. Có khoảng hàng triệu công nhân may, công nhân da giày, công nhân kim hoàn lành nghề sẽ mất việc. Máy móc, công nghệ sẽ thay thế con người trong nhiều công đoạn sản xuất, dịch vụ.
Ông chỉ ra rằng một trong những vấn đề thách thức của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc chuyển đổi số là thiếu kĩ năng, thiếu công nghệ và thiếu chiến lược. Trong khi tốc độ phát triển của công nghệ thông tin ngày một gia tăng và không có dấu hiệu chậm lại, vì vậy, việc học hỏi, cập nhật kiến thức, kĩ năng về công nghệ sẽ không hề dễ dàng, nhất là các công ty vốn theo mô hình truyền thống từ trước đến nay.
Và khi những công việc thủ công sẽ dần được thay thế, các doanh nghiệp nên áp dụng công nghệ nhằm hiện đại hoá, cải tiến việc quản trị dữ liệu, quản trị bảo mật và nhận dạng…
Dù khẳng định các doanh nghiệp sẽ gặp nhiều thách thức trong nền kinh tế số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Chủ tịch FPT Software cho rằng vẫn còn nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp vừa - nhỏ.
Theo ông, trong thời buổi hiện nay, tùy vào mức độ ứng dụng công nghệ, các doanh nghiệp có cách triển khai và mức độ triển khai khác nhau, nhưng doanh nghiệp nào đi nhanh, sáng tạo thì sẽ giành được chiến thắng.
Chủ tịch FPT Software cho rằng các doanh nghiệp nhỏ có rất nhiều cơ hội trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. (Ảnh: FPT).
"Trong xã hội digital, việc tạo ra những khác biệt, những riêng lẻ có nhiều cơ hội thành công hơn", ông Tiến khẳng định.
Dẫn chứng về những người bạn của mình, ông cho biết nhiều người đã rất thành công khi dẫn đầu xu hướng in hình ảnh, in hình gia đình lên áo vài năm trước. "Trend" giai đoạn đó chính là việc ứng dụng công nghệ in và có đầu óc sáng tạo.
Thậm chí, nhiều nhà bán lẻ mặt hàng này của Việt Nam còn nhanh chóng đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử lớn như Amazon để bán hàng.
Hoặc tận dụng giai đoạn đầu Facebook bùng nổ, Chủ tịch FPT Software cho biết chính ông là người gợi ý bạn của mình mở một "nhà hàng" không cần mặt bằng, chi phí mặt bằng trên Facebook để bán, và cuối cùng rất thành công.
Hoặc nhiều người trẻ sáng tạo nội dung đang sở hữu những kênh hàng triệu lượt theo dõi và đăng kí theo dõi trên các trang mạng xã hội, cũng là cách kiếm tiền đặc biệt, hoàn toàn khác và vượt trội so với các mô hình truyền thống.
"Thời nay không phải doanh nghiệp lớn nuốt doanh nghiệp bé, mà là doanh nghiệp nào nhanh doanh nghiệp ấy sẽ thắng. Thực tế một điều rằng trong khi các ông lớn thì khá dè chừng thì chính những doanh nghiệp nhỏ mới là những người tạo ra sự khác biệt trong xu hướng kinh doanh hiện nay", Chủ tịch FPT Software khẳng định.