Nhà sáng lập FUNiX Nguyễn Thành Nam là một trong những điển hình toàn quốc được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vinh danh cá nhân tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019.
Giản dị trong chiếc áo đen có in hình Bác, ông Nguyễn Thành Nam kể lại cá nhân ông có nhiều ấn tượng về vị lãnh tụ của dân tộc nhưng đặc biệt hơn cả là hai lần “được gặp” Bác Hồ. Lần đầu tiên vào năm 1976, khi ông mới học lớp 8. Lúc đó ông làm quản ca của lớp và cùng cả lớp học bài hát “Nhớ ơn Cụ Hồ”. Bài hát đã theo ông suốt thời niên thiếu.
Lần thứ hai ông Thành Nam “gặp Bác” là vào năm 2002, khi công ty ông nhận nhiệm vụ xuất khẩu phần mềm công nghệ thông tin sang Mỹ. Đây là nhiệm vụ đặc biệt khó khăn vì người Việt thời điểm đó không giỏi ngoại ngữ và công nghệ thông tin.
Nhà sáng lập FUNiX Nguyễn Thành Nam.
“Khi ấy tôi bắt gặp quyển sách 'Hồ Chí Minh a life' của nhà sử học người Mỹ. Tôi đã đọc một mạch về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh và mất 2 năm để dịch nó sang tiếng Việt, cô đọng lại thành 5 bài học”, ông Thành Nam chia sẻ.
5 bài học ấy, người FUNiX vẫn được ông căn dặn trong quá trình xây dựng và phát triển, đó là: Đặt mục tiêu Đơn giản, dễ dàng nhưng phải thật hấp dẫn; Tuyệt đối tin tưởng vào Nhân dân; Bài học Lấy thế thắng lực; Bài học về Quan niệm Thực hành (Thực hành sinh ra Hiểu biết, Hiểu biết tiến tới Lý luận, Lý luận lãnh đạo Thực hành; Bài học về Quyền lực mềm.
Ông Thành Nam chốt lại so với những khó khăn Bác Hồ đã trải qua, những khó khăn hiện tại của mình không thấm vào đâu. Học Bác, bằng sự nỗ lực của bản thân và các cộng sự, ông đã chiến thắng chính mình, đạt được nhiều thành quả tốt đẹp.
Năm 2011, khi tròn 50 tuổi, ông rời vị trí CEO FPT để thử sức ở lĩnh vực giáo dục, khởi đầu là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học FPT. Sau đó, ông khởi xướng dự án FUNiX.
Đặt chân đến nhiều quốc gia, chứng kiến nền giáo dục đại học đại trà khủng hoảng trên toàn thế giới vì không thể bắt kịp với thực tế đang thay đổi nhanh chóng, ông Nguyễn Thành Nam nhận ra giáo dục luôn đòi hỏi sự sáng tạo.
"Việt Nam cần tìm được con đường của mình, có thể học hỏi Ấn Độ, Philippines hay Mexico..., những quốc gia đa dạng về phương thức giáo dục", ông chia sẻ.
Ông Nam cho rằng, giáo dục trực tuyến là xu thế của giáo dục nói chung và đặc biệt với giáo dục đại học. Mọi ngành học đều có thể áp dụng mô hình này kể với ngành âm nhạc. Chính nhờ môi trường Internet, mọi thông tin đều rất sẵn mà điển hình như Bách khoa thư Wikipedia được hình thành do sự đóng góp công sức của chính cộng đồng người sử dụng Internet. Qua đó, mọi người đều có thể vào đọc để tự học cho mình và thậm chí bổ sung tri thức vào đó.
"Chính vì thế, bên cạnh giáo dục truyền thống, các đại học của Việt Nam nên từng bước cập nhật mô hình mới về giáo dục trực tuyến và chúng tôi rất sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình. Triển khai giáo dục trực tuyến, chúng ta có thể có được chất lượng đào tạo đại học ở đẳng cấp quốc tế với mức học phí của các nước đang phát triển và phù hợp với khả năng chi trả của người học", ông Nam cho hay.
Theo cựu CEO FPT, sinh viên Việt Nam cũng cần thay đổi cách nghĩ, cách làm, cách kết nối,... để vươn lên ngang tầm thế giới. Đây là thế hệ sẽ làm nên sự phát triển và thay đổi của đất nước, một cách học chủ động và nguồn tư liệu rộng mở sẽ giúp họ sải những bước dài đến thành công.
Người sáng lập đại học trực tuyến.
Từ suy nghĩ bản lĩnh đó, dự án FUNiX ra đời với mô hình không thầy giáo, không sách giáo khoa và không lớp học. Ở ngôi trường trực tuyến này, thay vì tới giảng đường, người học có thể học ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào.
Trong quá trình theo học, học viên sẽ tự học tài liệu, làm bài tập, tự đặt hỏi đáp với người hướng dẫn, tham gia các dự án, thi và làm đồ án tốt nghiệp,... Cách học này sẽ thay đổi cách suy nghĩ của thế hệ trẻ Việt Nam, giúp họ dần hình thành bản lĩnh khác biệt để thành công trong tương lai.
“Học nhanh kiếm tiền sớm, học cùng chuyên gia, nhận bằng đại học, có việc làm ngay” là điều mà ông chia sẻ.
Theo ông Nam, công nghệ thông tin đang tạo ra những thay đổi to lớn trên thế giới, thay đổi cách chúng ta sống, giao tiếp và làm việc. Càng ngày, chúng ta càng lên mạng nhiều hơn, càng ngày chúng ta càng có nhiều bạn bè thân thiết trên mạng hơn, và càng ngày chúng ta càng học được nhiều điều trên mạng.
Công nghệ thông tin cũng đã tạo ra những trường hợp thành công kinh ngạc trong lịch sử nhân loại. Facebook đã có hơn 1 tỉ người dùng. Alibaba đã trở thành đại siêu thị của toàn thế giới. Còn Uber đang trở thành hãng vận chuyển lớn nhất thế giới mà không cần sở hữu một chiếc xe nào.
Tại Việt Nam, ông Nam cho rằng công nghệ thông tin cũng mang lại cơ hội cho rất rất nhiều bạn trẻ mở mang trí thức và làm giàu cho bản thân. Hàng chục nghìn bạn trẻ đang miệt mài làm việc trong những tập đoàn lớn như FPT, Viettel, Tinh Vân, BKAV, TMA,... tạo ra những ứng dụng nền tảng cho một xã hội thông minh toàn cầu như chính phủ điện tử, thành phố thông minh, giao thông tối ưu, hệ thống kiểm soát điện năng,...
CNTT còn tạo cơ hội cho hàng chục ngàn bạn khác noi gương Nguyễn Hà Đông (Flappy Bird), Ngô Xuân Huy (Money Lover), Đinh Hùng (JoomlArt.com), Nguyễn Hòa Bình (chodientu.com),... khởi nghiệp tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới, đóng góp cho nền kinh tế.
CNTT còn là công cụ giúp hàng triệu bà con nông dân, công nhân, tiểu thương và nhân dân lao động tìm kiếm thông tin, nâng cao năng suất, tăng thêm thu nhập.
CNTT mà cụ thể là Internet là kho tri thức của toàn nhân loại, là phương tiện để giúp chúng ta đạt được ý nguyện: học đi đôi với hành, học liên tục, học mọi nơi mọi chỗ.
“Đường học chính là đường đời, không bằng phẳng và đầy trắc trở. Chỉ có các bạn mới quyết định là đi đến đích được hay không, bằng cách nào, nhanh hay chậm”, ông nhấn mạnh.